Ngày nay ở nhiều ngân hàng, nhân viên hỗ trợ tín dụng, xử lý nợ, thủ quỹ, hành chính, IT, thậm chí là bảo vệ,…cũng được giao chỉ tiêu về thẻ tín dụng, huy động, bảo hiểm,…Nghĩa là ngoài các công việc chuyên môn thiên về mặt hỗ trợ, nội nghiệp thì tất cả các bộ phận đều phải xông pha trên mặt trận bán hàng.
Hiện nay, mô hình kinh doanh của các ngân hàng thương mại ở Việt Nam đang dịch chuyển theo xu hướng mới, hiện đại hơn và cũng áp lực hơn. Theo đó, không còn khái niệm thuần túy giữa nhân viên kinh doanh (dân sale, thường là dân tín dụng) và nhân viên back office (nhân viên hỗ trợ, thường là: giao dịch viên, thủ quỹ, hành chánh, hỗ trợ tín dụng, xử lý nợ, IT..). Mà ở hầu hết các ngân hàng hiện nay, tất cả nhân viên đều có chỉ tiêu bán hàng, thậm chí kể cả nhân viên bảo vệ. Với nỗi niềm của hàng trăm ngàn banker, nhiều người vẫn dùng dằng tự hỏi: nếu nhân viên back office vẫn phải chạy bộ KPI bán hàng thì sao không một lần thử làm dân sale?
Nhân viên back office: vừa vận hành, vừa chạy chỉ tiêu
Tùy vị trí mà mỗi back office tại các ngân hàng sẽ được giao các nhiệm vụ khác nhau. Tuy nhiên, tựu chung lại vẫn là hình ảnh quen thuộc: nhân viên back office vừa phải thực hiện tác nghiệp vận hành, vừa đồng thời phải bán hàng. Cụ thể:
Đối với giao dịch viên, ngoài việc hạch toán chứng từ, thực hiện các giao dịch nộp, rút tiền, chuyển khoản, mở tài khoản, thẻ,…thì song hành đó vẫn phải kinh doanh vàng, ngoại tệ, thanh toán quốc tế, thẻ tín dụng, huy động vốn, dư nợ cho vay, bảo hiểm nhân thọ,…Nghĩa là tất tần tật bộ chỉ tiêu của ngân hàng mà dân sales đang bán thì giao dịch viên cũng phải chạy.
Tương tự giao dịch viên, các vị trí còn lại như nhân viên hỗ trợ tín dụng, xử lý nợ, thủ quỹ, hành chính, IT, thậm chí là bảo vệ,…cũng được giao chỉ tiêu về thẻ tín dụng, huy động, bảo hiểm,…Nghĩa là ngoài các công việc chuyên môn thiên về mặt hỗ trợ, nội nghiệp thì tất cả các bộ phận đều phải xông pha trên mặt trận bán hàng.
Hàng ngày, để xử lý trơn tru và hoàn thiện toàn bộ công việc về vận hành đã mất quá nhiều thời gian của các banker bộ phận back office. Vì vậy, thời gian bán hàng tại quầy và sau giờ làm việc là chủ yếu. Nếu so với các nhân viên sale thuần túy (nhân viên tín dụng), rõ ràng bộ phận back office đang có nhiều bất lợi hơn. Mặc dù, chỉ tiêu của các nhân viên sale cao hơn một chút, nhưng nhân viên kinh doanh có toàn thời gian để đi tiếp thị và bán hàng một cách chủ động. Còn dân back office vẫn phải chạy bộ chỉ tiêu tương tự nhưng bị động hơn. Đó là lý do vì sao, hầu hết nhân viên back office tại các ngân hàng hiện nay đều phải tối tăm mờ mịt mới trở về nhà, thậm chí cuối tuần cũng phải vào làm việc mới xử lý kịp chứng từ và các công việc tác nghiệp.
Chính bởi việc vừa vận hành, hỗ trợ, vừa bán hàng đã khiến cho không ít nhân viên back office tại các ngân hàng than vãn. Nếu có một cuộc khảo sát đầy đủ, có thể tỷ lệ nhân viên ngân hàng đang không hạnh phúc với công việc hiện tại sẽ rất nhiều. Đó là chưa kể, những cố gắng của bộ phận back office thường thầm lặng và thường phải đứng sau nhân viên kinh doanh như một quy luật bất thành văn của những người trong ngành.
Tuy nhiên, việc lựa chọn làm nhân viên kinh doanh hay nhân viên back office tại ngân hàng là do con đường mỗi banker tự chọn. Và khi đã chọn thì bạn phải chấp nhận quy luật tất yếu của vòng lẩn quẩn: vừa bán hàng, vừa vận hành như thế. Và có bao giờ, bạn nghĩ rằng, dù sao cũng phải bán hàng, sao không một lần làm dân sale đúng nghĩa?
Back office: nếu vẫn phải bán hàng, hãy thử một lần làm dân sale
Khi viết bài viết này, người viết đã cảm nhận và chạm được nhiều suy nghĩ trong sâu thẳm mỗi banker – ngày ngày vận hành, ngày ngày bán hàng… Và cứ thế cuống cuồng với công việc mờ mịt sớm chiều mà chưa thể hoàn thành tốt công việc được giao. Và người viết xin chia sẻ những lý do mà nhân viên back office vẫn mãi dùng dằng với vị trí công việc hiện tại.
Thứ nhất, do một thời gian quá dài làm việc vận hành, nội nghiệp nên nhiều nhân viên back office ngại, sợ và không tự tin làm dân sale. Nhưng dù làm back office, như đã nói, đằng nào bạn cũng phải bán hàng.
Thứ hai, tâm lý không dám bước qua vùng an toàn. Vì khi làm back office, nếu bạn không đạt chỉ tiêu vẫn có thể tồn tại. Còn làm dân sale thì nếu không có doanh số sẽ bị đào thải. Tuy nhiên, nếu vẫn mãi giữ suy nghĩ đong đưa cho qua ngày, để lãnh lương thì bạn đang phí hoài tuổi trẻ, thậm chí đang có lỗi với chính ngân hàng bạn đang công tác vì không có quyết tâm và lửa nghề để cố gắng và bùng cháy mạnh mẽ.
Thứ ba, nhiều nhân viên back office thích sự ổn định, ngại thay đổi và dấn thân. Đây là điều hầu hết banker đều dao động mỗi khi muốn trở thành dân sale.
Trở lại vấn đề, nếu là nhân viên back office bạn vẫn phải chạy chỉ tiêu, sao không thử làm dân sale? Như đã nói, việc lựa chọn nghề nghiệp hay vị trí công tác tại một ngân hàng là do bạn chọn chứ không phải do ngân hàng sắp đặt. Vì vậy, nếu bạn vẫn hạnh phúc, bằng lòng với công việc vừa vận hành vừa bán hàng thì bạn cứ tiếp tục làm nhân viên back office và dốc toàn tâm sức cho công việc, không nên ca thán, than thở… Còn nếu bạn cảm thấy quá mệt mỏi, thấy áp lực với công việc hiện tại – vừa vận hành vừa bán hàng, hoặc bất công nào đó thì tốt nhất bạn nên một lần đề nghị lãnh đạo cho bạn chuyển sang vị trí nhân viên sale (nhân viên tín dụng chẳng hạn). Hoặc thậm chí bạn cũng có thể chọn cho mình một công việc khác phù hợp hơn.
Tôi vẫn thường nghe nhiều nhân viên back office than thở về công việc quá nhiều, nào là tác nghiệp, nào là KPI, nào là rủi ro vận hành. Tuy nhiên, hầu hết nhân viên back office đều không muốn thoát ra khỏi sự an toàn, không dám dấn thân, ngại đi bán hàng…và cứ thế than thở! Cũng như các ngành nghề khác, nghề ngân hàng vẫn là một nghề cao quý, thu nhập tốt thì đương nhiên công việc phải vất vả. Nhưng điều đáng nói ở đây, đa số banker khi được hỏi đều chưa hạnh phúc với công việc hiện tại, nhưng tại sao họ cứ dùng dằng, luyến tiếc mà không thử một lần chuyển làm dân sale hay mạnh dạn bước ra khỏi ngành để thử thách giới hạn của bản thân và thực hiện khát vọng của chính mình? Có thể bạn sẽ thành công hoặc thất bại khi chuyển sang bộ phận sale. Nếu thành công thì là điều quá tuyệt vời, còn thất bại thì bạn hãy xem đó là khoản thời gian bạn được tôi rèn thực tế để tích lũy nhiều kinh nghiệm quý báu. Như vậy vẫn tốt hơn là bạn cứ lầm lũi với công việc back office hiện tại rồi suốt ngày than thở và suy nghĩ rất tiêu cực.
Hành trang để bước từ back office thành dân sale?
Con đường để từ nhân viên back office tại một ngân hàng thành dân sale thực thụ cũng là một hành trình đầy gian khó, không như “Sông Đông Êm Đềm” của nhà văn Sholokhok mà nhiều banker vẫn nghĩ. Và sau đây là những điều mà bạn cần chuẩn bị:
Thứ nhất, bạn cần phải chuẩn bị “lương thảo” đủ cho gia đình và những người phụ thuộc sinh sống ít nhất 1 năm để phòng khi bạn làm nhân viên sale tại ngân hàng không thành công. Bởi lẽ giữa lý thuyết và thực tế luôn có những khoảng cách nhất định và không phải bao giờ công việc bán hàng cũng diễn ra tốt đẹp như bạn nghĩ. Khi bạn không có doanh số, không cho vay được, không bán hàng được…thì đương nhiên sẽ ảnh hưởng đến thu nhập và thậm chí là vị trí công tác của bạn.
Thứ hai, bạn cần chuẩn bị hành trang kiến thức về sản phẩm, kiến thức có liên quan thật tốt trước khi đi bán hàng.
Thứ ba, bạn cần tự trau dồi kỹ năng bán hàng và chăm sóc khách hàng thật tốt. Đây là điều quan trọng quyết định bạn có thể bán hàng tốt hay không?
Thứ tư, bạn cần củng cố và xây dựng thêm nhiều mối quan hệ tốt để có thể khai thác và triển khai bán hàng thuận lợi.
Thứ năm, bạn phải có quyết tâm và khát vọng đủ lớn; tuyệt đối không bao giờ được bỏ cuộc sau một vài tháng đầu thất bại. Nếu không có quyết tâm và khát vọng, tốt nhất bạn cứ an phận với với công việc hiện tại, đong đưa hết giờ để nhận lương hàng tháng với hệ số an toàn cao.
Sau cùng, như đã nói, việc lựa chọn vị trí công việc tại một nhà băng, back office hay dân sale là do bạn quyết định. Mỗi vị trí đều có tính hai mặt của nó: được và mất riêng; không thể nói vị trí nào tốt hơn vị trí nào. Tuy nhiên, suy cho cùng thì nếu là nhân viên back office tại ngân hàng mà vẫn phải bán hàng, thì bạn cũng nên một lần thử làm dân sale.