TTO – Tự nhận bản thân là một người mẹ, người bạn thân thiết với con gái đang độ tuổi trăng tròn, chị Nguyễn Phi Vân vẫn không giấu được những đau đáu về câu chuyện công nghệ đang ngày càng can thiệp sâu cuộc sống con người.
Chị Nguyễn Phi Vân đang chia sẻ cùng Tuổi Trẻ – Ảnh: H.TOÀN
“Chúng ta sinh ra là con người mà chỉ nói những chuyện thầm kín nhất với máy móc thì đó có phải là thứ con người muốn nhất? Tôi tin sâu thẳm bên trong con người nào cũng muốn được hạnh phúc, được yêu thương… và muốn được người thân bên cạnh trước khi tạm biệt cõi đời. Cái này không máy móc nào làm được.
Chị đã trải lòng với Tuổi Trẻ.
* Là một doanh nhân, làm cố vấn cho các dự án khởi nghiệp, làm mẹ… bận rộn vậy nhưng gần đây chị lại dành nhiều thời gian cho hoạt động cộng đồng?
– Năm 2016 khi quay về Việt Nam sau 18 năm sống xa xứ, tôi có giao lưu với nhiều bạn trẻ ở các tỉnh miền Tây. Chẳng thể ngờ có những sinh viên chỉ chờ gặp tôi để ôm rồi vỡ òa, khóc.
Khi tôi hỏi, các bạn trả lời rằng vì có quá nhiều thứ muốn làm nhưng không được làm, có những bạn học cái ngành “chỉ vì ba má em muốn”, rồi có những bạn dù đã học đến năm tư nhưng vẫn không biết học ra sẽ làm gì. Chính những chia sẻ đó là động lực giúp tôi miệt mài đến với các bạn không chút mệt mỏi, dù có khi 2h trưa đi rồi 2h sáng trở về.
* Do ở chị luôn tràn đầy năng lượng?
– Có lẽ do thời gian dài làm việc trong môi trường quốc tế, tôi nhận ra khi sống càng xa quê hương thì càng thương quê hương hơn. Bên cạnh đó tôi cũng mong muốn người Việt có những trải nghiệm tròn đầy như người dân các quốc gia khác.
Tôi luôn nhủ bản thân mình học không quá giỏi mà có được ngày hôm nay thì những bạn trẻ Việt giỏi giang khác sẽ càng đi xa đến đâu nếu có được sự hỗ trợ sớm hoặc kịp lúc.
Thời gian biểu của tôi hiện được chia: 30% dành cho việc kinh doanh, 40% dành cho công việc xã hội, 30% dành cho con cái và phát triển bản thân…
* Và chị còn viết sách, viết trên mạng xã hội…
– Tôi nghĩ rất nhiều người nhìn thấy được các vấn đề trên, nhưng điều chúng ta thiếu là những động thái quyết liệt cho tương lai các em. Là một cá nhân nhỏ bé, tôi không biết làm gì khác ngoài việc đi giao lưu, viết ra những gì mình biết…
Những quyển sách gần đây nói chung, hay quyển NYM – Tôi của tương lai tôi mới xuất bản nói riêng… tưởng chừng như viết cho các em nhỏ nhưng tôi nghĩ phụ huynh và giáo viên cũng nên đọc, hi vọng nó là “đòn bẩy” cho những thay đổi trong tư duy của họ. Tôi cũng muốn tranh thủ cập nhật một số kiến thức quan trọng về công nghệ với cách diễn đạt gần gũi nhất.
* Chị dường như rất tâm tư về bức tranh giáo dục?
– Nhờ có đứa con gái 16 tuổi mà tôi phần nào hiểu được chân dung, sự bức bối ở giới trẻ lẫn câu chuyện hệ thống giáo dục hiện chưa cung cấp đủ “nền tảng tương lai” cho các em, kể cả trường quốc tế lẫn Việt Nam. Nếu chúng ta không thay đổi được tư duy giáo dục thì sẽ khó giải quyết được cốt lõi vấn đề.
Chúng ta đang lãng phí quá nhiều thanh xuân, nguồn lực của xã hội. Trước một xã hội 4.0, nơi buộc chúng ta phải đập vỡ những kiến thức học được trước đây để học lại.
Tôi luôn khuyến khích con gái đi ra ngoài tham dự các buổi gặp mặt, sự kiện về start-up hoặc đổi mới sáng tạo để con có thể mở rộng kiến thức, góc nhìn, để “người” hơn. Tôi sợ và lo lắng, không muốn con mình hay bất kỳ bạn trẻ nào trở thành “thế hệ robot”.
* “Thế hệ robot” ư?
– Vì sao gọi là “thế hệ robot”, vì các em đang phải học thuộc lòng, học theo người khác về nhiều thứ, kìm hãm sáng tạo. Chúng ta không nên sợ việc robot đang thành con người, mà ngược lại chính con người đang dần thành robot. Thậm chí đến một ngày nào đó, khi công nghệ phát triển vượt bậc, coi chừng các em có thể trở thành những “con robot hạng hai”.
Có một sự thật là nhiều người trong chúng ta chỉ dùng nhuần nhuyễn ứng dụng chứ không chắc hiểu gì về công nghệ, rất ít người hiểu rằng hoặc nhận ra khi chúng ta lên mạng thì đều bị công nghệ dẫn dắt để rồi dần phải nghe và làm theo…
Chúng ta rất cần những dự án nâng cấp kiến thức, kỹ năng cho những người đang hoặc sắp bước vào thị trường lao động để họ có thể hội nhập bền vững vào tương lai.
* Chị có đang quá lo xa không?
– Với công nghệ thì mức độ phổ cập rất nhanh. Và dữ liệu của chúng ta đang được khai thác một cách triệt để, dần sẽ đến ngày AI hiểu chúng ta còn hơn người thân. Giới trẻ bây giờ nhiều bạn thà nói chuyện với máy hơn là con người.
Theo tôi tìm hiểu, top 3 chủ đề mà các bạn trẻ thường chat với AI nhiều nhất là sex số 1, số 2 là tình cảm lãng mạn và số 3 là trầm cảm, cô đơn. Các bạn cảm thấy không ai hiểu mình, tại sao mình lại có mặt trên cuộc đời này… mà phần lớn là do thiếu sự tương tác thật sự của con người.
Trong khi đó phụ huynh hiện có 2 dạng: một là cho các em dùng thoải mái, nhóm khác lại cấm tiệt. Cả hai đều không nên vì trong tương lai, chúng ta cần phải dùng rất rành công nghệ mà vẫn phải là “người”.
Chị Nguyễn Phi Vân tốt nghiệp thạc sĩ tại Úc và có hơn 20 năm kinh nghiệm làm quản lý cấp cao tại các thị trường châu Á, châu Phi và Đông Âu. Chị cũng từng là cố vấn nhượng quyền cho chính phủ Malaysia và Saudi Arabia.
Chị hiện là thành viên hội đồng cố vấn của Đề án 844, được phát kiến bởi Bộ Khoa học và công nghệ Việt Nam với mục tiêu xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo vững mạnh cho Việt Nam đến năm 2025.
Ngoài ra chị còn là tác giả của nhiều đầu sách, trang mạng xã hội được nhiều bạn trẻ quan tâm.