Trung Quốc là một đối tác lớn, quan trọng của Việt Nam cho nên tôi thấy áp lực về tỷ giá đối với NHNN từ nay đến cuối năm sẽ nặng nề và căng thẳng hơn so với các năm trước.
Ngày 12/8, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa thông báo điều chỉnh tăng biên độ tỷ giá từ mức +/-1% hiện nay lên +/-2%.
Theo Quyết định số 1595/QĐ-NHNN do NHNN ban hành ngày 11/8/2015 quy định về tỷ giá giao ngay giữa đồng Việt Nam với các ngoại tệ của các tổ chức tín dụng được phép, biên độ tỷ giá giữa VND và USD được điều chỉnh tăng từ +/-1% lên +/-2%.
Theo đó, với tỷ giá bình quân liên ngân hàng hiện ở mức 21.673 VND/USD, các ngân hàng được phép điều chỉnh tỷ giá giữa VND và USD lên mức tối đa (trần) là 22.106 VND/USD, và tỷ giá sàn là 21.240 VND/USD.
Nhiều ý kiến cho rằng, đây là một động thái tiếp tục “phá giá” tiền đồng của NHNN nhằm hỗ trợ các DN xuất khẩu ngay sau khi Ngân hàng trung ương Trung Quốc thông báo phá giá đồng nhân dân tệ.
Thắc mắc này được chúng tôi đem đến hỏi chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực.
Ông đánh giá thế nào về động thái nới biên độ tỷ giá của NHNN ngày hôm qua (ngày 12/8)?
Đây là một động thái thể hiện phản ứng nhanh và tương đối phù hợp về mặt thời điểm bởi vì ta vừa thấy Trung Quốc đã và đang điều chỉnh tỷ giá hạ giá đồng NDT rất mạnh trong ngày 11 và ngày 12/8/2015.
Nếu như chúng ta không có động thái liên quan đến tỷ giá của chúng ta thì rõ ràng khả năng cạnh tranh về xuất khẩu của Việt Nam sẽ rất là thiệt, đặc biệt trong bối cảnh quan hệ thương mại rất lớn giữa chúng ta và Trung Quốc.
Tổng lượng kim ngạch thương mại giữa chúng ta và Trung Quốc chiếm khoảng 15% tổng lượng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Thứ hai, điều này cho thấy sự linh hoạt hơn trong điều hành của NHNN trong chính sách tỷ giá, vì với việc nới rộng biên độ giao dịch tỷ giá từ 1% lên 2% cho thấy vẫn giữ được cam kết của NHNN đầu năm là điều chỉnh tỷ giá năm nay không quá 2% nhưng vẫn linh hoạt hơn, biên độ giao dịch được nới rộng hơn thì đồng Việt Nam có thể điều chỉnh lên hoặc xuống, tức là giao dịch trên thị trường lên hoặc là xuống trong biên độ 2% đó.
Động thái nới biên độ khác gì điều chỉnh tỷ giá liên ngân hàng không, thưa ông?
Hai điều này khác nhau. Tôi xin phân tích như sau: Ví dụ chúng ta điều chỉnh tỷ giá 1%, như vậy, thị trường chỉ hiểu nhầm là tỷ giá chỉ có đi lên, còn việc chúng ta nới biên độ giao dịch từ 1% lên 2% thì người ta sẽ hiểu tiền đồng Việt Nam có lên giá hoặc là xuống giá trong biên độ 2% đó.
Công cụ này cũng đã được các nước sử dụng trong thời gian vừa qua, kể cả Trung Quốc.
Theo ông, từ nay đến cuối năm liệu biên độ này có được điều chỉnh không?
Chính sách điều chỉnh tỷ giá khá hiệu quả trong thời gian qua và cũng đang linh hoạt hơn. Việt Nam đang hội nhập sâu rộng, có quan hệ thương mại, đầu tư với rất nhiều nước khác nhau.
Đặc biệt là năm nay, Trung Quốc có động thái rất mạnh về chính sách lãi suất và tỷ giá.
Trung Quốc là một đối tác lớn, quan trọng của Việt Nam cho nên tôi thấy áp lực về tỷ giá đối với NHNN từ nay đến cuối năm sẽ nặng nề và căng thẳng hơn so với các năm trước. Chính vì vậy, NHNN cần có 3 động thái quan trọng:
Một là tiếp tục theo sát thị trường, đặc biệt những thị trường có quan hệ thương mại lớn với VN chúng ta, nhất là Trung Quốc, vì Trung Quốc có nhiều chính sách khá bất ngờ trong thời gian vừa qua.
Hai là tiếp tục chính sách điều hành tỷ giá linh hoạt. Câu chuyện liên quan đến biên độ giao dịch cũng là một cách thức để chúng ta xử lý vấn đề
Trung Quốc phá giá đồng tiền hơn 3%, có nghĩa hàng hóa nhập vào Việt Nam sẽ rẻ hơn trong bối cảnh Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc. Có ý kiến cho rằng áp lực cạnh tranh đối với Việt Nam rất lớn. Theo ông thì có cách nào giải quyết vấn đề này không?
Với động thái điều chỉnh biên độ tỷ giá của NHNN trong thời gian vừa qua, tác động liên quan đến quan hệ thương mại song phương Việt Nam và Trung Quốc sẽ không bị ảnh hưởng nhiều lắm, trước hết, vì họ điều chỉnh, ta cũng điều chỉnh.
Thứ hai là liên quan đến cơ cấu kinh tế của cả hai nước, tức là đôi khi chúng ta cũng có động thái điều chỉnh chính sách, nhưng quan hệ thương mại của cả hai nước vẫn cứ xảy ra vì lí do “ông” vẫn phải nhập hàng của “ông” hay “tôi” vẫn phải xuất khẩu sang “ông”, đặc biệt là thương mại trong quan hệ tại khu vực biên giới của cả hai nước.
Trong một vài ngày gần đây, các nước trong khu vực cũng đã và đang điều chỉnh tỷ giá chứ không riêng gì Việt Nam chúng ta.
Việc chúng ta làm như vậy cũng tạo sự cạnh tranh xuất khẩu hàng hóa của chúng ta không những với Trung Quốc mà cả các nước trong khu vực, như vậy chúng ta có thể cân bằng hơn thị trường xuất khẩu của Việt Nam.
Về lâu về dài, quan điểm của chúng tôi là chúng ta cần phải tái cấu trúc để chúng ta bớt lệ thuộc thương mại quá nhiều với Trung Quốc.
Xin cảm ơn ông!