Ông chủ hoa hồng ngoại trên cát bỏng Điện Bàn

TTO – Từ Hiếu cho biết, hoa hồng ngoại chịu thời tiết khắc nghiệt kém, không dễ chơi, giá cành giống từ hàng trăm ngàn đến hàng trăm triệu đồng. Nhưng cũng vì thế, người chơi càng thích thú.

Ông chủ hoa hồng ngoại trên cát bỏng Điện Bàn - Ảnh 1.

Vườn hồng ngoại nhập đang tạo ra doanh thu mỗi năm 400-500 triệu đồng của Từ Hiếu – Ảnh: BÁ DŨNG

Một buổi sáng, Từ Hiếu – ông chủ trẻ của vườn hoa hồng nhập ngoại tại Điện Nam Trung, Điện Bàn, Quảng Nam – tất bật với vườn hồng đang trong những ngày ủ mầm để kịp giao cho khách chơi hoa dịp cuối năm.

Chiếc điện thoại anh mang theo reo liên tục. Đó là những cuộc gọi của khách hàng từ khắp nơi, từ Đà Nẵng, Hà Nội cho tới TP.HCM gọi chuyển hàng, tư vấn chăm sóc vườn hồng “sang chảnh”.

Vốn liếng đã bỏ vào rồi nên nguyên tắc là không được tiếc của, càng chết nhiều thì càng có thêm kinh nghiệm.

TỪ HIẾU

Săn tìm những gốc hồng hiếm

Bộ sưu tập hồng ngoại của Từ Hiếu hiện đã lên trên 600 loài, với nhiều giống hồng quý như Midsummer, Teasing Georgia, Elizabeth Stuart, Ivory Meidiland…

Không giống như hồng nội, các giống hồng ngoại có màu hoa, mùi hương và thân đặc trưng. Hồng mọc thành dây leo, cây càng lớn, gốc to, tuổi nhiều thì càng có giá.

Những giàn hồng cổ thụ hàng chục năm được kết thành vòm trong các khu nghỉ dưỡng, các biệt thự luôn là niềm kiêu hãnh của gia chủ.

Ông chủ hoa hồng ngoại trên cát bỏng Điện Bàn - Ảnh 3.

Những hình khối đầu tiên của dự án biến vườn hồng ngoại thành điểm tham quan tại vườn hoa của Hiếu – Ảnh: BÁ DŨNG

Một chậu hồng gốc sần sùi, đen trũi, tỏa nhánh làm ba, mỗi nhánh to bằng ngón tay cái được Hiếu báo giá 15-20 triệu đồng/gốc. “Những gốc thế này chủ yếu để làm giống, trồng được khoảng 5-7 năm. Nhưng những người chơi sành sỏi sẵn sàng bỏ cả chục triệu, thậm chí hàng trăm triệu để săn tìm một gốc hoa hồng hiếm. Vườn mình có khá nhiều gốc giá hàng chục triệu đồng” – Từ Hiếu nói.

Trên chất đất cằn cỗi, quanh năm cát bỏng của huyện Điện Bàn, vì sao lại chọn cách lập nghiệp ươm vườn hoa hồng nhập ngoại? Hiếu bảo rằng gia đình đi lên từ nghề cây cảnh. Đến giờ, cha mẹ anh vẫn kiên trì bám trụ với những vườn cúc, hoa tết để đưa ra chợ xuân dịp cuối năm.

Hiếu phụ nghề cùng cha mẹ từ nhỏ, khi học xong 12 thì vào trường cao đẳng học nghề, nhưng sau đó lại chọn con đường đi thi công xây dựng tại các đô thị lớn. Cách đây hai năm, sau nhiều năm lăn lộn kiếm sống, Hiếu bàn với cha mẹ để đi học nghề trồng hoa để lập nghiệp lâu dài.

Thứ hoa Hiếu chọn cũng khiến hai cha con trái ý nhau một thời gian vì độ rủi ro cao, kiến thức cũ ít áp dụng được cho công việc mới.

Cha Hiếu không đồng ý vì ông hiểu rõ sự may rủi của nghề ấy, một khi đã dây vào thì nguy cơ tay trắng hoàn toàn có thể xảy ra. Nhưng Hiếu đã thuyết phục được gia đình bằng những thông tin về kiến thức, thị trường, tiềm năng, đầu ra…

Đến khi vườn không còn chỗ trống

Ông chủ hoa hồng ngoại trên cát bỏng Điện Bàn - Ảnh 4.

Một trong nhiều gốc hồng có giá tiền hàng chục triệu đồng – Ảnh: BÁ DŨNG

Để có vườn hồng trị giá cả tỉ bạc hiện nay với trên 6.000 gốc, Từ Hiếu lặn lội cả năm trời trên các vùng chuyên canh hoa lớn như Hà Nội, Lâm Đồng học nghề, tìm hiểu thị trường, học kỹ thuật chăm sóc hoa, tìm các trang trại bán giống hồng ngoại đặt hàng…

Anh cho biết, đặc tính của hồng ngoại là chịu thời tiết khắc nghiệt kém, dễ bệnh nên không dễ chơi. Hoa hồng ngoại chỉ dành cho giới biết chơi hoa, không thông dụng như hoa hồng đang được trồng nhiều tại các tỉnh.

Giá cả vì thế cũng rất đắt, mỗi cành giống từ vài trăm ngàn đến hàng trăm triệu, tùy loại.

Sự khắt khe này cũng tạo ra cái thú vị cho người chơi, và hiện nay thị trường hoa hồng ngoại đang rất sôi động. Nhưng mọi thứ hoàn toàn không dễ.

Những ngày mới đưa hoa về, tỉ lệ cây giống chết có khi tới 50%. Nhìn những cành hoa bạc triệu đưa từ nước ngoài về nằm chất đống thành phế phẩm, Hiếu nói, có lúc anh cũng dao động. “Nhưng vốn liếng đã bỏ vào rồi, nên nguyên tắc là không được tiếc của, càng chết nhiều thì càng có thêm kinh nghiệm” – Hiếu cho biết.

Rồi những mầm hoa sau nhiều tháng được thử thách trên đất cát bỏng cháy đã bắt đầu chịu đựng được và bứt những mầm non đầu tiên. Vườn hồng cứ thế nảy nở ra, chẳng mấy chốc chật kín.

Giải cứu hoa hồng

Từ năm 2017 tới nay, mỗi năm Hiếu bán ra thị trường hàng ngàn cây giống. Anh đang có kế hoạch dốc vốn mở rộng ra các khu vườn khác, biến các khu vườn này không chỉ là nơi cung cấp giống mà sẽ là một địa điểm vừa học kiến thức trồng hoa, vừa phục vụ khách tới tham quan, thưởng lãm, uống cà phê…

Từ thú chơi này, nhiều năm nay ngoài việc bán cây giống ra thị trường, Hiếu còn nhận chăm sóc, tư vấn kỹ thuật cho nhiều nhà vườn, các chủ chơi hoa hồng ngoại tại Đà Nẵng và nhiều tỉnh thành khác.

Nhiều chủ vườn kỳ công chăm được những giàn hoa hàng trăm triệu đồng, khi hoa đổ bệnh, nấm… thì trơ trọi chỉ còn lại cành. Lúc này, Từ Hiếu trở thành người “giải cứu hoa hồng” nhờ rành nghề và am hiểu.

Tiến sĩ tuổi 34 với 5 bằng sáng chế Tiến sĩ tuổi 34 với 5 bằng sáng chế

TTO – Vòng Bính Long (sinh năm 1984) – Giảng viên Khoa Sinh học – Công nghệ Sinh học Trường ĐH Khoa học Tự nhiên Đại học Quốc gia TP.HCM lấy bằng tiến sĩ ngành vật liệu sinh học (Đại học Tsukuba – Nhật Bản) năm 31 tuổi.

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin