Tại lễ trao Giải thưởng Lương Định Của năm 2024, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến phát biểu nếu không phù hợp làm việc trong cơ quan nhà nước thì dũng cảm bước ra sản xuất, kinh doanh, tạo sản phẩm cho xã hội.
Ông Đỗ Văn Chiến: Thanh niên phải xung kích trong phong trào “Bình dân học vụ số”
Tối 29-11, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức lễ trao Giải thưởng Lương Định Của năm 2024. Giải thưởng năm nay trao cho 36 thanh niên nông thôn là những tấm gương tiêu biểu trong sản xuất, kinh doanh. Nhiều mô hình có doanh thu hàng chục tỉ đồng.
Ông Đỗ Văn Chiến – ủy viên Bộ Chính trị, chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam – bày tỏ xúc động về một cô giáo dạy nhạc dũng cảm dấn thân vào lĩnh vực kinh doanh và được nhận Giải thưởng Lương Định Của.
Ông cho hay hiện nay toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đang thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu lực hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị.
Đây cũng là dịp để những người trẻ, nhất là trong các cơ quan hành chính, sự nghiệp tự đánh giá đúng năng lực, trình độ khả năng thích ứng của mình, nếu không phù hợp với vị trí làm việc trong cơ quan hành chính sự nghiệp thì dũng cảm bước vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, tạo sản phẩm cho xã hội.
“Tôi cho rằng thanh niên có tri thức, có sức khỏe, cùng với sự đồng hành của tổ chức Đoàn, Hội, chúng ta hoàn toàn tự tin để bước vào môi trường làm việc mới” – ông Đỗ Văn Chiến nói.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng cho rằng đoàn viên, thanh niên phải là những người xung kích, đi đầu trong chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số, Internet, trí tuệ nhân tạo vào mọi mặt của đời sống xã hội.
Mỗi đoàn viên, thanh niên phải là hạt nhân trong phong trào “Bình dân học vụ số”.
Ông cho rằng tổ chức Đoàn, Hội phải đồng hành với thanh niên ngay từ khâu tư duy, nuôi dưỡng ý tưởng, xây dựng và thực hiện mô hình cho đến tiếp cận thị trường.
Trong đó hỗ trợ thanh niên phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, nông nghiệp xanh, mô hình sản xuất carbon thấp.
Những chủ doanh nghiệp trẻ dám dấn thân theo đuổi ước mơ
36 thanh niên nhận Giải thưởng Lương Định Của năm nay là 36 tấm gương tiêu biểu tinh thần cần cù, sáng tạo trong lao động. Những mô hình kinh doanh của họ không chỉ làm giàu cho bản thân mà có đóng góp lớn cho cộng đồng, xã hội, truyền động lực để các thanh niên khác nỗ lực phấn đấu.
Chị Trần Thùy Nhi, phó giám đốc Công ty TNHH VINA Handi – Ninh Bình, từng là cô giáo dạy nhạc. Sau khi dấn thân vào con đường kinh doanh, Thùy Nhi đã giúp hàng trăm người dân ở quê hương có thu nhập, gắn bó với nghề đan cói truyền thống. Mô hình kinh tế của cô có doanh thu hơn 30 tỉ đồng mỗi năm.
“Tôi đã nhìn thấy tiềm năng từ những sản phẩm cói truyền thống. Đó không chỉ là những sản phẩm mang nét đẹp cho đời sống mà còn là sự kết nối giữa con người với văn hóa và cội nguồn” – Thùy Nhi nói.
Anh Nguyễn Văn Luân đoạt giải nhì dự án khởi nghiệp năm 2023. Năm nay anh Luân đã là giám đốc một công ty liên kết sản xuất lúa gạo có doanh thu trên 20 tỉ đồng/năm.
Anh tâm sự: “Tôi muốn đóng góp sức mình thay đổi thói quen xưa cũ của người nông dân để họ có thu nhập cao hơn. Tôi chọn con đường đi làm thuê để học hỏi cách làm mới của những người giỏi, trở về quê thực hiện ước mơ của mình với cánh đồng”.
Chủ nhân của giải nhất cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên năm 2024 là chị Trần Thị Hồng Thắm.
Chị Thắm là giám đốc, nhà sáng lập thương hiệu Nano Salt (Muối sức khỏe Việt Nam). Chị cho hay sau khi nhận được Giải thưởng Lương Định Của, chị và cả đội ngũ có những thay đổi mạnh mẽ. Thương hiệu Nano Salt lan tỏa rộng khắp.
“Tại lễ trao giải thưởng và cuộc thi khởi nghiệp năm ngoái, tôi lắng nghe các anh chị, ban giám khảo nhiều điều để hoàn thiện bản thân, hoàn thiện dự án của mình. Năm nay, tôi mang dự án đã hoàn thiện theo hướng dẫn của các anh chị và đoạt giải nhất” – chị Thắm chia sẻ.