Sàn Pinduoduo và Temu đã tạo ra cơn sốt ở quốc tế nhờ giá siêu rẻ. Nhưng động thái siết chặt nhập khẩu từ Mỹ và các quốc gia khác có thể sẽ khiến tốc độ tăng trưởng này chững lại.
Thành công của Pinduoduo là nhờ bối cảnh kinh tế khó khăn. Ảnh: Shutterstock. |
Zhang Xiaomeng, một cư dân tại khu thương mại đắt đỏ ở Bắc Kinh, đồng thời là chủ một công ty thiết kế, từng kiên quyết không tải ứng dụng Pinduoduo. Mặc dù biết ứng dụng này rất phổ biến, cô vẫn cảm thấy khó chịu với các chiến thuật “gamify” (game hóa) của nền tảng. Đặc biệt là tính năng yêu cầu người dùng chia sẻ liên kết với bạn bè để nhận mã giảm giá.
Tuy nhiên, năm nay cô đã quyết định dùng thử. “Mọi thứ trên đó đều rất rẻ”, Zhang chia sẻ với Wired. Đây cũng là lý do hàng triệu người tiêu dùng khác cũng đổ xô vào ứng dụng này.
Bùng nổ nội địa, lấn sân quốc tế
Pinduoduo và Temu thuộc sở hữu của gã khổng lồ thương mại điện tử PDD Holdings. Dù phải đối mặt với suy thoái kinh tế và sự cạnh tranh khốc liệt tại quê nhà, PDD Holdings vẫn tăng trưởng vượt bậc, đặc biệt là với thành công của Temu trên thị trường quốc tế.
PDD Holdings đã đầu tư mạnh mẽ cho thị trường quốc tế trong khi ít công ty bán lẻ Trung Quốc dám làm. Theo Wall Street Journal, Temu là nhà quảng cáo lớn nhất trên nền tảng Meta trong năm 2023. Mức chi tiêu quảng cáo của sàn TMĐT này lên đến 2 tỷ USD. Trong nửa đầu năm 2023, Temu đứng đầu bảng xếp hạng tải xuống ứng dụng tại Mỹ trên cả App Store của iOS và Google Play.
Thành công ở Trung Quốc của Pinduoduo và Temu ở Mỹ cho thấy Trung Quốc muốn tái định vị từ một nguồn hàng giá rẻ thành một trung tâm sản xuất tiên tiến. Ảnh: Financial Times. |
Nhờ giá cả cạnh tranh, Temu và Pinduoduo không chỉ thu hút khách hàng mà còn giúp PDD Holdings vượt qua cả Alibaba về thị phần thương mại điện tử tại Trung Quốc trong một khoảng thời gian ngắn.
Theo báo cáo từ công ty, Pinduoduo đã có 850 triệu người mua hàng thường xuyên hàng năm vào năm 2021. Nhờ chuỗi thành công của Temu ở nước ngoài, Trung Quốc đã dùng mô hình kinh doanh này làm ví dụ điển hình trong truyền thông nội địa.
Theo Wired, thành công của Pinduoduo là nhờ bối cảnh kinh tế khó khăn tại Trung Quốc. Tình trạng thị trường bất động sản nội địa suy thoái và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng đã khiến người tiêu dùng thận trọng hơn trong chi tiêu. “Người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến giá cả trong bối cảnh kinh tế bất ổn”, Aishwarya Tendolkar, nhà phân tích nghiên cứu tại Economist Intelligence Unit, nhận định.
Trong mùa mua sắm tháng 6 năm nay, tổng doanh thu thương mại điện tử tại Trung Quốc đã giảm 7% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt 742,8 tỷ nhân dân tệ (102,3 tỷ USD). Đây là tín hiệu cho thấy người tiêu dùng đang tìm kiếm giá trị tốt hơn cho số tiền họ bỏ ra. Do đó, Pinduoduo đã nhanh chóng chiếm ưu thế nhờ các chính sách giá rẻ.
Là 2 nền tảng thương mại điện tử lớn của Trung Quốc, JD và Taobao đã cố gắng đưa ra các chính sách giảm giá sâu hơn để cạnh tranh với Pinduoduo, nhưng vẫn chưa thể đánh bật sự thống trị của nền tảng này.
Trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 4, Joseph Tsai, chủ tịch tập đoàn Alibaba, từng thừa nhận rằng Alibaba đã “bị tụt lại phía sau” vì “chúng tôi đã quên mất khách hàng thực sự của mình là ai”.
Pinduoduo không chỉ cạnh tranh bằng giá rẻ, mà còn bằng chiến lược đặt lợi ích của người tiêu dùng lên hàng đầu. Người dùng có thể yêu cầu hoàn tiền mà không cần trả lại sản phẩm, nếu món hàng không giống mô tả của người bán. Chính sách này được triển khai từ năm 2021 và sau đó được nhiều nền tảng khác như Douyin, Taobao và JD áp dụng.
Chiến lược giá rẻ không còn hiệu quả
Tuy nhiên, chuỗi tăng trưởng này có thể bị ảnh hưởng do hàng loạt thách thức trước mắt.
Chính phủ Mỹ đã công bố kế hoạch siết chặt các ưu đãi thuế đối với các gói hàng trị giá dưới 800 USD. Điều này sẽ ảnh hưởng mạnh đến hàng trăm triệu gói hàng từ các công ty như Shein và Temu.
Ngoài ra, quy định tăng cường kiểm tra hàng dệt may và quần áo – những danh mục sản phẩm phổ biến của Temu – là một thách thức lớn. Ứng cử viên Tổng thống Mỹ Donald Trump còn đề xuất mức thuế 60% hoặc cao hơn đối với tất cả hàng hóa từ Trung Quốc, đe dọa trực tiếp đến mô hình kinh doanh bằng giá rẻ của Temu.
Mỹ có kế hoạch hạn chế miễn thuế đối với các gói hàng có giá trị dưới 800 USD. Ảnh: YouTube. |
Ngoài Mỹ, nhiều quốc gia khác cũng đang đưa ra các biện pháp bảo vệ ngành công nghiệp trong nước. Brazil đã áp dụng mức thuế 20% đối với các đơn hàng dưới 50 USD vào tháng 6. Liên minh châu Âu cũng đang xem xét loại bỏ ngưỡng miễn thuế 150 USD. Ở Nam Phi, thuế giá trị gia tăng được áp dụng cho hàng hóa nhập khẩu giá trị thấp kể từ tháng 8.
Theo Jason Yu, Giám đốc điều hành CTR Market Research, nếu Mỹ thực hiện các biện pháp hạn chế, khả năng cao Temu sẽ chịu không ít ảnh hưởng. “Cạnh tranh bằng giá thấp sẽ không phải là chiến lược bền vững cho các công ty như Temu hoặc Shein trong dài hạn”, Yu nhận định. Với những thay đổi về luật pháp, lợi thế cạnh tranh về giá của họ sẽ ngày càng mờ nhạt.
Nhà phân tích nghiên cứu Tendolkar nhận định tất cả đều tạo nên “một triển vọng ảm đạm cho hoạt động mua sắm trực tuyến xuyên biên giới vào năm 2025”.
Những chiếc bẫy vô hình trên mạng xã hội
Cuốn sách Vũ trụ kĩ thuật số của giáo sư Kim Sang Kyun đã đi sâu phân tích, mổ xẻ một cách tường tận, những tác động các thiết bị thông minh, thế giới ảo và mạng xã hội trong cuộc sống hiện đại.