Paul Krugman, vì sao nên nỗi? (phần 1)

Mức độ công kích cá nhân và bóp méo sự thật trong bài viết của Krugman nhiều đến kinh ngạc.

TIN MỚI

Bài viết của John H. Cochrane, GS Tài chính Trường Kinh doanh
Booth, ĐH Chicago, Chủ tịch Hiệp hội Tài chính Hoa Kỳ.

Nhiều bạn bè và
đồng nghiệp đã hỏi tôi thấy thế nào về bài viết “Kinh
tế học, vì sao nên nỗi” của Paul Krugman.

Chủ yếu là buồn.
Thử hình dung nó có cái gì đó không phải kinh tế học. Thử hình dung một nhà
khoa học đáng kính biến thành cây bút được nhiều người mến mộ, và ông ta cho
rằng về cơ bản tất cả những gì mà bao nhiêu người cùng chuyên môn đã làm kể tử
giữa thập kỷ 60 là hoàn toàn vứt đi. Tất cả những gì viết trên các tạp chí hàn
lâm, được dạy trong các chương trình tiến sỹ, thuyết trình tại các hội thảo,
tổng kết trong giáo trình bậc sau đại học, và được trao tất cả những giải mà
một nhà khoa học có thể dành được, trong số đó có vô số giải Nobel, là hoàn
toàn sai. 

Thực tế, ông ta đang kêu gọi quay trở về với “chân lý vĩnh cửu” của
một cuốn sách rối rắm được viết từ những năm 30, giống như những gì Krugman đã
học ở các lớp nhập môn kinh tế học từ hồi còn trên giảng đường. Nếu là một nhà
khoa học, Krugman không tin có bệnh AIDS, nếu là một người theo thuyết sáng
tạo, Krugman sẽ khăng khăng rằng chẳng hề có chuyện lục địa trôi dạt.

Mọi chuyện còn tệ
hơn khi Krugman ám chỉ có âm mưu đen tối nào đó, “gạt sang bên lề những người
bất đồng chính kiến.” Phần lớn bài viết nhắm tới công kích cá nhân hết người
này đến người khác, bao gồm cả những nhà kinh tế theo trường phái “Keynes mới”
như Olivier Blanchard và Greg Mankiw. Thay vì trích dẫn các bài viết khoa học,
ông ta chọn cách dẫn nguồn thứ cấp từ các cuộc phỏng vấn của giới truyền thông
trong khi hoàn toàn bỏ qua văn cảnh. 

Ông ta dựng chuyện, trơ trẽn đặt vào mồm
người khác những lời hoàn toàn trái ngược với ý họ khi viết. Chưa hết, ông ta
vẽ thêm tranh hoạt họa để biến đối thủ của mình thành tên ngốc. Ông ta buộc tội
chúng tôi chỉ tin theo tiền, vì “các cuộc nghỉ phép ở Viện Hoover” và “các
khoản chi từ Phố Wall”. Thật là hoang đường.

Nạn nhân nào chẳng
thấy khó chịu, nhưng chúng tôi lớn cả rồi, nhưng chỉ khổ cho những người đọc tờ
New York Times. Họ dựa vào Krugman để biết và hiểu được các tài liệu hàn lâm,
họ mới là người chịu thiệt. Và điều đó cũng chẳng hiệu quả vì bất kỳ người đọc
sắc sảo nào cũng biết công kích cá nhân và nói cạnh nói khóe có nghĩa là tác
giả đã hết mất ý tưởng.

Đây mới là cái tin
lớn nhất mà cũng buồn nhất: Paul Krugman chẳng có ý kiến đáng kể nào về nguyên
nhân của các vấn đề kinh tế tài chính hiện nay, chính sách nào đã có thể ngăn
chặn nó, hay chúng ta nên làm gì trong tương lai. Và ông ta cũng chẳng biết ai
đang nghiên cứu những thứ ấy.

Thật đáng buồn.

Đó là những gì tôi
nghĩ, nhưng tôi không hy vọng người đọc sẽ bị thuyết phục bởi ý kiến của tôi
hay sự đồng thuận trong giới chuyên môn. Có lẽ ông ta cũng đúng. Thường thì
khoa học, đặc biệt là khoa học xã hội, hay đi sai đường trong một hai thập kỷ.
Tôi nghĩ kinh tế học theo Keynes là một sự lạc lối như thế. Vì thế hãy tóm lược
lại xem Krugman đã nghĩ những gì.

Krugman tấn công
theo hai hướng. Thứ nhất, ông ta nghĩ thị trường tài chính là “phi hiệu quả,”
cơ bản là vì các nhà đầu tư “bất hợp lý”, và do đó là nạn nhân của những biến
động cực đoan và cần sự kiểm soát từ chính phủ. Thứ hai, ông ta thích một “gói
kích thích tài khóa” khổng lồ lấy từ hàng ngàn tỷ đôla thâm hụt ngân sách.

Sự nhạo báng

Mức độ công kích
cá nhân và bóp méo sự thật trong bài viết đó nhiều đến kinh ngạc.

Một ví dụ là khi
Krugman trích dẫn câu nói của tôi về thợ mộc ở Nevada. Tôi không viết điều đó. Nó được
trích không kèm văn cảnh từ một bài báo trên bloomberg.com, tác giả bài báo đó
lại là người mà tôi từng mất tới 10 tiếng đồng hồ kiên nhẫn giải thích những điều hết sức cơ
bản nhưng rút cục anh ta lại chỉ chực vớ được một câu nói hớ nào đó. (Đó là lần
cuối cùng tôi làm vậy!). Khi ấy tôi đang giải thích chuyển dịch cơ cấu ngành
tác động thế nào tới thất nghiệp. Krugman tiếp tục dối trá vì tôi chưa bao giờ
khẳng định “cần một làn sóng thất nghiệp khắp cả nước mới khiến thợ mộc rời
khỏi Nevada.”
Làm sao có thể nói ra một điều quái đản như thế được.

Vấn đề ở đây là
gì? Tôi không nghĩ Paul không cho rằng chuyển dịch cơ cấu ngành có dẫn tới thất
nghiệp, vì thế về mặt kinh tế học mà nói thì câu trích dẫn đó thực ra là cũng
có ý nghĩa. Nhưng mục đích duy nhất ở đây là biến cá nhân tôi trở thành một kẻ
nhẫn tâm, đây hoàn toàn là vu khống cá nhân và chẳng liên quan gì tới kinh tế
học.

Bob Lucas đã viết
rất nhiều về kinh tế học tiền tệ và kinh tế học theo trường phái Keynes.
Krugman chọn trích lại một câu nói đùa từ năm 1980 trong cuộc trò chuyện giữa
bữa trưa với một số bạn học cũ ở trường kinh doanh.

Tiếp nữa, Krugman
khẳng định rằng tôi và những người khác “tin rằng” “tăng chi tiêu chính phủ
không thể, dưới bất kỳ điều kiện nào, làm tăng việc làm,” hay chúng tôi “cho
rằng biến động giá và cú sốc cầu thực ra chẳng liên quan gì tới chu kỳ kinh
doanh.” Một sự bóp méo khủng khiếp, không được ghi lại trong bất kỳ một văn bản
nào chứ chưa nói đến các bài viết chuyên môn. Ắt Krugman phải biết điều đó. 

Tất
cả các mô hình kinh tế được đơn giản hóa để thể hiện một điều, đó là chúng ta
đều hiểu thế giới thực quá phức tạp và công việc của một nhà kinh tế là giải
thích nó cho những người đọc không chuyên. Nghĩ như Krugman cũng chẳng khác mấy
khi ai đó lục lại các nghiên cứu trước kia của ông ta có giả định không có chi
phí vận chuyển rồi viết trên tờ Wall Street Journal: “Paul Krugman tin rằng vận
tải đường biển là miễn phí, thật là ngốc”.

Ý nghĩ cho rằng
chúng tôi làm việc là vì được Phố Wall phát lương hay vì những kỳ nghỉ êm đềm
tại Hoover thật
là vớ vẩn. (Nếu Krugman biết chút ít về quỹ đầu cơ thì ông ta sẽ biết rằng tin
vào thuyết thị trường hiệu quả sẽ khiến bạn thất nghiệp. Không quỹ nào muốn
thuê một người nghĩ rằng anh ta không thể kiếm lời từ đầu cơ các tài sản tài
chính!). Nhìn vào khoản tiền trả cho các buổi nói chuyện của Krugman, thật bất
ngờ khi thấy ông ta đi công kích người khác.

Chưa hết, Krugman
vẽ thêm cả tranh để các đối thủ của mình trở thành tên ngốc. Bức vẽ mô tả
Lucas, Blanchard và Bernanke cụng ly chúc mừng chấm dứt suy thoái trông thật
ngớ ngẩn. Vẻ mặt thất vọng của họ khi đọc thấy chữ “suy thoái” trên báo cũng
vậy. Không ai đi dự hội thảo với kiểu tóc dựng ngược và bộ đồ từ thế kỷ 19 như
thế. Keynes không tái xuất tại Cục nghiên cứu kinh tế quốc gia và bị coi là “kẻ
ngoài cuộc.”

Trên hết là
Krugman không làm công việc của một nhà kinh tế. Đáng lẽ ông ta phải đọc, giải
thích và phê phán những điều các nhà kinh tế viết trên những bài báo chuyên
ngành thực sự chứ không phải bài phỏng vấn hay bài post trên blog. Ít nhất thì
cái kiểu phê phán này buộc chúng ta phải đi đến kết luận rằng Krugman không còn
tìm hiểu kinh tế học thực thụ nữa.

Minh Tuấn
Theo Economist

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin