Phá giá nhân dân tệ còn nguy hiểm hơn là Fed nâng lãi suất

Sự kiện đồng nhân dân tệ giảm giá xuống mức thấp nhất 5 năm đã ít nhiều khiến thị trường tài chính đã rung lắc nhẹ. Nếu đồng tiền này tiếp tục giảm giá sâu hơn nữa, giới phân tích cho rằng “động đất” cũng có thể xảy ra.

Thế giới đã có một năm để chuẩn bị cho quyết định nâng lãi suất sắp tới của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed).

Các thị trường mới nổi vốn đang phải trải qua một cơn sốc về USD. “Đồng bạc xanh” đã tăng giá tới 20% kể từ tháng 7/2014, khi Fed phát đi những tín hiệu đầu tiên về động thái nâng lãi suất lần đầu tiên trong 9 năm.

Chỉ số U.S Dollar Index

Thanh khoản USD bị siết chặt là một trong những nguyên nhân khiến hoạt động sản xuất trên toàn cầu suy yếu và các đồng tiền trên thị trường mới nổi sụp đổ vào đầu năm nay. Tình hình trở nên tồi tệ hơn khi mà Trung Quốc hạn chế bơm tiền ồ ạt vào thị trường cũng như mở rộng tài khóa vì nước này đang trong nỗ lực “hãm phanh” tăng trưởng tín dụng.

Đêm dài lắm mộng. Một số quốc gia như Ấn Độ và Mexico đã thúc giục Fed đẩy nhanh tiến trình ra quyết định. Có lẽ họ đã suy tính rất kỹ về những hậu quả có thể xảy ra sau khi Fed nâng lãi suất.

Viễn cảnh an toàn là bà Janet sẽ cho ra một quyết định ôn hòa. Đã nhiều lần bà nảy sinh ý tưởng rằng sẽ giữ lãi suất thực ở mức an toàn dưới 0 trong dài hạn, ngay cả khi thất nghiệp bắt đầu giảm xuống dưới 5%.

Lý giải cho quan điểm này là một nghiên cứu của Fed cho rằng nền kinh tế Mỹ đang ở trong tình trạng trì trệ hơn nhiều so với những gì mọi người vẫn nghĩ. Sau 7 năm nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, đã đến lúc để tăng trưởng nóng thay vì tiếp tục duy trì sự ổn định để có thể thu hút những người lao động chán nản quay trở lại thị trường lao động và đồng thời kích thích dòng vốn đầu tư (vốn đã bị trì hoãn trong thời gian dài) quay trở lại.

Quan điểm này khá giống với những gì các nhà hoạch định chính sách của nước Mỹ đã suy nghĩ trong thời kỳ đầu những năm 1970 và do đó rất có thể lịch sử sẽ lặp lại, tức là Fed phải “hãm phanh” quá trình nâng lãi suất để nền kinh tế không rơi vào suy thoái. Tuy nhiên, đó là điều còn xa xôi và chưa chắc chắn.

Thế giới sẽ phải đón một nguy cơ lớn hơn và gần hơn từ phía bên kia bán cầu.

Trong vài tháng tới, Trung Quốc sẽ phải ngừng can thiệp vào tỷ giá và nhân dân tệ sẽ giảm giá sâu hơn nữa. Như vậy một làn sóng giảm phát sẽ ăn mòn nền kinh tế toàn cầu.

Nỗi lo sợ Trung Quốc sẽ kích hoạt lên một cuộc chiến tranh tiền tệ đã ám ảnh các ngân hàng lớn và các quỹ đầu tư tại London. Phần lớn các nhà đầu tư đều phản ứng tiêu cực sau khi tỷ giá trượt xuống còn 6,4260 nhân dân tệ đổi 1 USD – mức thấp nhất 5 năm.

Tỷ giá USD – CNY

Ngân hàng Bank of America dự đoán tỷ giá sẽ đạt 6,90 trong năm tới để bù lại chuỗi phản ứng phức tạp và vòng xoáy giảm giá trên thị trường hàng hóa và dầu mỏ.

Tờ Telegraph cho rằng cơn trượt giá đồng nhân dân tệ sẽ khơi dậy cuộc chiến tranh tiền tệ trên toàn châu Á và hơn nữa kịch bản khủng hoảng năm 1998 sẽ trở lại với một phiên bản nguy hiểm hơn trước.

Đừng quên, nguồn vốn đầu tư cố định của Trung Quốc đã đạt 5.000 tỷ USD/ năm, tương đương với tổng nguồn vốn đầu tư tại châu Âu và Bắc Mỹ cộng lại. Áp lực cho Trung Quốc dần tỏ rõ. Trong tháng 11, dòng vốn chảy ra khỏi quốc gia này chạm mốc kỷ lục 113 tỷ USD. Tờ Capital Economics cho biết, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã đốt gần 57 tỷ USD từ nguồn dự trữ ngoại hối trong tháng vừa qua để bảo vệ cho mỏ neo của đồng nhân dân tệ.

Một nghiên cứu được thực hiện bởi NHTW Úc (RBA) cho thấy, dòng vốn chảy ra khỏi Trung Quốc trong quý III là 300 tỷ USD. Trong đó có 200 tỷ USD là tài sản nước ngoài PBOC phải thanh toán.

Rõ ràng chi phí bảo vệ đồng tiền trong hoàn cảnh này là khá đắt đỏ. Nguồn dự trữ cạn kiệt đòi hỏi thắt chặt tiền tệ và cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR). Đó là khởi nguồn dẫn đến kinh tế Trung Quốc “hạ cánh mềm”.

Theo RBA, một khối lượng lớn trái phiếu Mỹ đang được nắm giữ bởi các nhà đầu tư Bỉ thực ra đều thuộc tài khoản của PBOC mở tại tổ chức Euroclear. Hiện nay tài khoản này đã giảm đi còn một nửa so với ban đầu.

Liệu có phải đồng nhân dân tệ đang ở mức giá quá cao so với giá trị thực là câu hỏi gây nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, rõ ràng là Trung Quốc đang trải qua một cơn sốc tiền tệ. Đồng nhân dân tệ được neo với đồng USD nhưng đồng tiền này lại đang tăng vùn vụt trong khi Trung Quốc đang rất cần một mức tỷ giá thấp hơn. Đồng yên giảm giá cùng với sự lao dốc của đồng rúp Nga và một số đồng tiền ở Đông Á làm cho tình hình càng trở nên tồi tệ.

Tỷ giá hối đoái thực của Trung Quốc đã tăng 30% kể từ giữa năm 2012. Tiền lương tăng gần 2 lần sau khi quốc gia này vượt qua “điểm ngoặc Lewis” – giai đoạn lao động dư thừa nghèo vùng nông thôn đã trở nên khan hiếm và mức lương bắt đầu gia tăng nhanh chóng.

Hiệu ứng kép gây ra những tác động tiêu cực trực tiếp đến các công ty tư nhân Trung Quốc. Cuộc tàn sát trong ngành công nghiệp đóng tàu là khủng khiếp nhất. Hai công ty East Heavy Industry và Mingde Heavy Industry đã phá sản. Tập đoàn Rongsheng hiện đã ngừng sản xuất. Fujian Crown Ocean phải tạm ngừng trả lương cho công nhân.

Ngành công nghiệp thép của Trung Quốc cũng đang trong tình cảnh tương tự với mức sản lượng bằng một nửa tổng sản lượng toàn cầu và đang dư thừa 300 triệu tấn. Sinosteel là một tập đoàn nhà nước hiện cũng đã bị phá sản.

Thủ tướng Lý Khắc Cường từ lâu đã phản đối chính sách phá giá. Ông cho rằng điều này sẽ dẫn đến tình trạng các công ty “zombie” sống nhờ vào các nguồn ngân sách hỗ trợ từ Nhà nước, và sẽ chỉ có nhóm lợi ích được lợi. Như ông đã nhiều lần cảnh báo, Trung Quốc đang hướng thẳng vào bẫy thu nhập trung bình nếu như không thể cải cách thành công.

Với vai trò là một trụ cột vững mạnh của trật tự kinh tế thế giới và vừa mới đây nhất còn được công nhận là thành viên của rổ tiền tệ thế giới, chính sách tiền tệ của Trung Quốc là điều mà cả thế giới phải chú ý với sự thận trọng ở mức cao nhất có thể.

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin