Trên nhiều dòng ô tô hiện nay được trang bị phanh tay điện tử thay cho phanh tay cơ, nhiêu người thắc mắc liệu phanh tay điện tử có an toàn hơn phanh tay cơ?
Phanh tay điện tử là gì?
Phanh tay điện tử, hay còn gọi là phanh đỗ xe điện tử, loại phanh này được điều khiển hoàn toàn tự động, thường có ký hiệu chữ P nằm trong một vòng tròn gần cần số hoặc ở bảng táp-lô của xe.
Hệ thống phanh điện tử cũng có chức năng tương tự phanh tay cơ truyền thống, đảm bảo an toàn cho người sử dụng, giúp tránh trường hợp quên không kéo phanh khi dừng/đỗ.
Phanh tay điện tử hoạt động thế nào?
Khi muốn dừng/đỗ xe, tài xế chỉ cần gạt cần nhấn nút, lúc này hệ thống sẽ tự động hãm phanh (chuyển về chế độ Lock) thay vì phải kéo phanh lên như phanh tay cơ thông thường. Phanh điện tử cũng có chức năng tương tự như phanh tay cơ, chỉ khác một bên sử dụng cơ khí, còn một bên được điều khiển bằng điện.
Nguyên lý hoạt động của phanh tay điện tử là sử dụng mô-tơ điện để hỗ trợ việc hãm và nhả phanh thông qua lẫy được ký hiệu chữ P. Khi đỗ xe, tay số chuyển về vị trí P và phanh tay điện tử sẽ tự động chuyển qua chế độ Lock khi tắt máy. Điều này giúp tránh được rủi ro khi các bác tài quên kéo thắng tay.
Khi tài xế quên nhả phanh tay mà vẫn đạp ga, hệ thống sẽ tự động Unlock để tránh gặp tình trạng bó phanh/cháy phanh để bảo vệ hệ truyền động. Nếu muốn nhả phanh, tài xế cần thực hiện đồng thời thao tác đạp phanh chân và gạt nút điều khiển phanh điện tử. Lập tức, đèn cảnh báo phanh tay sẽ tắt báo hiệu phanh tay đã được nhả.
Khi đang ở các số khác, nếu muốn sử dụng phanh tay, người điều khiển cần đồng thời thực hiện đạp phanh chân và kéo lẫy điều khiển phanh điện tử thì hệ thống sẽ giúp hãm phanh lại.
Ưu điểm của phanh điện tử
Chúng ta dễ dàng nhận thấy phanh điện tử thuận tiện hơn nhiều so với phanh tay cơ truyền thống. Chỉ cần vài thao tác cơ bản đã có thể kích hoạt được 2 mô-tơ nhỏ giữ phanh sau. Nó sẽ không giải phóng nếu không thắt dây an toàn hoặc một trong các cửa trên xe chưa đóng kín.
Hấp dẫn hơn: Phanh điện tử tối ưu hóa được không gian bên trong xe, đơn giản hóa các thao tác và làm nội thất sang trọng hơn. Đây cũng chính là lý do phanh tay điện tử xuất hiện nhiều xe hạng sang.
An toàn hơn: Nếu phanh đột ngột, người lái có thể phanh gấp bằng cách kích hoạt phanh tay điện tử. Sau khi phanh tay điện tử được bật, chương trình máy tính của xe sẽ phanh thủy lực bốn bánh thông qua bộ điều khiển ESP (hệ thống ổn định thân xe) với một lực nhỏ hơn một chút so với lực phanh hoàn toàn cho đến khi tốc độ xe gần như dừng lại. Lực phanh do phanh tay cơ học thông thường cung cấp rất cứng nhắc, dễ khiến xe mất kiểm soát do chỉ có thể phanh được bánh sau.
Vận hành thuận tiện: So với phanh tay cơ, phanh tay điện tử sử dụng thuận tiện hơn. Phanh tay cơ truyền thống cần nâng lên để khóa bánh sau. Phanh điện rất dễ thao tác, chỉ cần nhấn nút và nhả nút, đặc biệt với phụ nữ.
Hỗ trợ dừng và khởi hành ngang dốc: Phanh điện tử còn có tính năng tự động ngừng kích hoạt khi xe chạy, kèm khả năng giữ phanh tự động (Brake Hold) khi dừng ngang dốc.
Tiết kiệm không gian: Phanh tay cơ có cần gạt dài, chiếm nhiều không gian ở khu vực điều khiển trung tâm, trong khi phanh tay điện tử gần như không tốn diện tích và không gian.
Nhược điểm của phanh điện tử
Chi phí sản xuất và sửa chữa của phanh điện tử đắt hơn phanh cơ.
Tuổi thọ của loại phanh này cũng thấp hơn.
Khi ắc quy hết điện, phanh điện tử sẽ không thể hoạt động. Ngoài ra, tài xế còn gặp hiện tượng khi đạp phanh sẽ rung nhẹ.
Những điểm cần lưu ý khi sử dụng phanh điện tử
Theo kinh nghiệm lái xe của chuyên gia, tài xế cần thực hiện một số phương pháp sau đây để kéo dài tuổi thọ cũng như sử dụng phanh điện tử một cách hiệu quả:
Không nên di chuyển trong khi đèn cảnh báo vẫn bật sáng. Mặc dù hệ thống phanh điện tử vẫn tự động mở khóa, nhưng nếu lặp lại nhiều lần có thể ảnh hưởng đến tuổi thọ của các chi tiết bên trong.
Tài xế không cần quá lo lắng nếu thấy các tiếng động lạ, rung ở bàn đạp. Đây là các biểu hiện bình thường trên phanh điện tử. Nguy cơ bị lỗi phanh điện tử ít hơn so với phanh tay truyền thống.
Trên nhiều dòng xe sang còn có chức năng Auto Hold, công dụng của chức năng này là tự động áp phanh khi dừng lại và tắt kích hoạt khi chủ xe vận hành.