Căn tính con người tuy muôn hình muôn vẻ nhưng quy nạp lại được phân làm bốn nhóm chính trong Phật giáo. Ngoài nhóm Đại thừa và Tiểu thừa còn có nhóm hướng ngoại và hướng nội.
Vậy pháp môn Niệm Phật Tam muội khác với các pháp môn Đại thừa khác ở chỗ nào? Trong các pháp môn Đại thừa, ta thấy nó cũng phân ra làm hai nhóm chính, là nhóm hướng ngoại và nhóm hướng nội. Tại sao lại có hai nhóm căn tính này?
Ảnh minh họa: cottonbro. |
Hướng ngoại
Theo giáo lý Duyên khởi, ta thấy có hai loại quả báo, là y báo và chánh báo. Người còn hướng ngoại thường là các cư sĩ tại gia hoặc thuộc các nhóm tôn giáo hữu thần v.v.. Họ sẽ có xu hướng muốn thay đổi cái y báo nhiều hơn và người hướng nội thường là người xuất gia thì họ chủ yếu muốn thay đổi cái chánh báo là chính, nghĩa là họ muốn chuyển hóa bản thân từ phàm thành thánh, chuyển Bát thức thành Tứ trí.
Còn người cư sĩ tại gia chưa biết nhiều về Phật pháp hoặc nhiều đời nhiều kiếp họ đi theo các tôn giáo hữu thần nên kiếp này vẫn còn tập khí hướng ngoại, vì thế nên chủ yếu là muốn chuyển hóa cảnh giới, chuyển hóa hoàn cảnh sinh sống của mình. Mà muốn chuyển hóa hoàn cảnh sinh sống của mình thì phải có người đứng đầu tạo ra cái hoàn cảnh đó, hoặc phải có người giới thiệu cho mình biết có tồn tại cái nơi chốn, hoàn cảnh đó.
Muốn tạo ra một hoàn cảnh sống tốt đẹp thì phải có sự hợp tác giữa mọi người với nhau, nghĩa là phải có một cơ cấu tổ chức từ trên xuống dưới rõ ràng và phải có sự tin tưởng mới có sự hợp tác với nhau được. Nên người cư sĩ tại gia hay những người thuộc tôn giáo hữu thần còn rất năng nổ, thích hoạt động và thích quản lý mọi người, mà muốn quản lý dễ thì cần phải duy trì một nền tảng đức hạnh thì mọi người mới tin tưởng với nhau được, đặc biệt là người đứng đầu.
Còn ai muốn tìm tới một hoàn cảnh sống nào đó tốt hơn nơi mình đang sống thì phải biết đặt niềm tin vào người đã giới thiệu cho mình về một cảnh giới nào đó tốt đẹp hơn.
Và ngược lại, muốn cho người khác đặt niềm tin vào mình thì người giới thiệu này phải có một cuộc sống chuẩn mực, không có sự dối trá thì người khác mới đặt hết niềm tin vào họ, mới dám đi theo họ để đi tới cảnh giới đó. Ta thấy phong cách này rất giống với những người theo các tôn giáo hữu thần. Những người giới thiệu này giống như dạng nhân viên marketing, quảng bá sản phẩm vậy, nghĩa là muốn cho người khác mua sản phẩm này, trước hết cần phải tạo niềm tin của họ đối với mình thì họ mới dám bỏ tiền ra mà mua sản phẩm đó.
Hướng nội
Ngược lại với người còn đang hướng ngoại là những người hướng nội. Dạng người này thì muốn thay đổi con người mình, muốn chuyển hóa bản thân. Muốn chuyển hóa được bản thân thì họ cần phải nắm rõ các quy luật biến hóa trong tự nhiên, khi nắm được các quy luật đó rồi, chính là lý giải một cách chính xác rồi, thì lúc đó mới biết cách phải thực hiện như thế nào để tạo ra được sự chuyển hóa đó.
Như ở phương Đông có đạo Lão, có yoga, đều có những mô tả về các quy luật biến hóa này, như đạo Lão thì có thuyết âm dương, ngũ hành, còn yoga thì có sự mô tả về hệ thống các luân xa, khí mạch. Còn các nước phương Tây thì rất giống với các nhà khoa học, là khi họ nắm rõ được các quy luật biến hóa trong tự nhiên thì họ mới có thể chuyển hóa tự nhiên, cải tạo tự nhiên.
Nên đối với Phật giáo, một khi xuất gia thì cần phải nắm rõ giáo lý nhà Phật, nó gần giống với các môn khoa học tự nhiên như toán, lý, hóa vậy. Còn người cư sĩ tại gia hoặc những người nhiều đời nhiều kiếp đã tin theo các tôn giáo hữu thần thì chủ yếu là họ muốn giới thiệu mọi người tới một cảnh giới nào đó, nên họ chỉ cần những kỹ năng thuyết giảng sao cho cuốn hút mọi người, để họ đặt hết niềm tin vào mình.
Muốn có được điều này thì họ phải có khả năng ngôn ngữ, khả năng truyền cảm tốt, nên thường họ sẽ chú trọng tới mặt giáo nghĩa trong kinh Phật nhiều hơn, gần giống với các môn văn, sử, địa, là thuộc về các môn xã hội nhân văn, nghĩa là cần phải có một trí nhớ tốt, một lượng kiến thức phong phú thì mới cuốn hút người khác được.
Còn một khi xuất gia thì đòi hỏi người này phải có sự chuẩn xác, nghĩa là một khi nắm chắc được hay nhận thức được một nguyên lý, một quy luật, hiện tượng nào đó một cách chính xác rồi thì lúc đó mới bắt đầu triển khai và mở rộng, tức là dùng khả năng tư duy logic để hệ thống và kết nối những thông tin còn đang rời rạc để tìm ra được những nguyên tắc, nguyên lý hay những quy luật căn bản hơn, có sự thống nhất cao hơn, phổ quát hơn, giống như trong Bát chính đạo, đức Phật có đề cập tới hai yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất là Chính kiến và Chính tư duy.