Hà NộiTại vòng thứ 5 của phiên đấu giá, 36 thửa đất được nhóm khách ra giá cao bất thường rồi bỏ, trong đó ông Phạm Ngọc Tuấn trả tới 30 tỷ một m2 cho 3 thửa đất.
Ngày 29/11, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Sóc Sơn tổ chức đấu giá 58 thửa đất tại thôn Đông Lai, xã Quang Tiến. Các lô đất diện tích 90-224 m2 với giá khởi điểm 2,48 triệu đồng một m2. Tiền đặt trước tương ứng 223-550 triệu đồng một lô (20% tổng giá trị thửa đất tính theo giá khởi điểm).
Theo quy chế, cuộc đấu giá được tổ chức trực tiếp, phải trải qua tối thiểu 6 vòng bắt buộc. Khách hàng trả giá cao nhất tại vòng 6 sẽ là người trúng đấu giá.
Theo báo cáo của UBND huyện Sóc Sơn, tại vòng thứ 5, một số thửa đất được người tham gia trả giá cao bất thường. Trong đó, Phạm Ngọc Tuấn (33 tuổi, trú tại tổ 4, thị trấn Đông Anh) trả 30 tỷ đồng một m2 cho 3 thửa đất (số A12, A13, C6).
Chia sẻ với VnExpress, Tuấn cho biết tham gia phiên đấu giá vì có nhu cầu thật. Ông lựa chọn lô hướng Tây vì hợp mệnh với người thân và cho rằng quỹ đất còn thửa diện tích 150-200 m2 ở Hà Nội không còn nhiều. Tuy nhiên, Tuấn nói “không nghĩ cuộc chơi lại khốc liệt đến như vậy”. Khi phiên đấu đến vòng thứ 4 xuất hiện người trả mức giá 95 triệu đồng một m2 khiến hội trường bất ngờ.
Cuối cùng, Tuấn quyết định trả giá lên đến 30 tỷ một m2 đất tại Sóc Sơn “theo ý chí của bản thân, không cần biết mức đó là cao hay thấp”. Sau đó, không khí phiên đấu giá diễn ra hỗn loạn, “nhiều người lăng mạ, chửi bới” nên Tuấn trả mức như trên rồi quyết định dừng lại. Tuấn cho biết “không có ý định phá phiên đấu giá”, nếu không xảy ra tình trạng hỗn loạn trên, người này “thậm chí muốn lấy một lô ở vòng 6”.
Khách hàng Ngô Văn Dương trả 101,4 triệu đồng một m2 cho 13 thửa đất. 2 khách hàng gồm Nguyễn Thế Quân, Nguyễn Thế Trung trả 98,4 triệu một m2 cho 10 thửa đất. Nhóm 3 người này đều ở Lương Quy, Xuân Nộn, Đông Anh, Hà Nội.
Tương tự, 10 lô đất khác cũng được bà Nguyễn Thị Quỳnh Liên và ông Nguyễn Đức Thành trả giá lần lượt 50,4 triệu đồng một m2; 59,4 triệu một m2; 62,4 triệu một m2; 68,4 triệu một m2. Bà Liên ở Khối Phố, Nguyên Khê, Đông Anh, còn ông Thành ở TP Bắc Ninh.
Đến vòng đấu cuối cùng – vòng 6, các khách hàng này không tiếp tục trả giá 36 thửa đất trên nữa. Vì vậy, các lô đó không thể đấu giá thành công.
Kết thúc buổi đấu, chỉ có 22 trên tổng số 58 thửa đất được bán thành công. Giá trúng thấp nhất là 32,4 triệu đồng một m2 và cao nhất 50,4 triệu một m2. Nếu khách hàng trúng nộp đủ tiền, huyện Sóc Sơn sẽ thu về hơn 112 tỷ từ phiên đấu giá này.
Theo một lãnh đạo huyện Sóc Sơn, đơn vị này sẽ báo cáo vấn đề này với cơ quan chức năng, cũng như đề nghị cơ quan công an điều tra. Trong thời gian tới, huyện sẽ tổ chức bán lại 30 thửa đất có dấu hiệu bị “phá” hôm 29/11.
Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Phạm Thanh Tuấn, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, cho biết hiện chưa quy định nào xử lý việc nhà đầu tư trả giá cao bất ngờ rồi dừng đấu dẫn đến phiên tổ chức thất bại. Thậm chí, việc xử lý mới chỉ xem xét đến khoản tiền đặt trước của người đấu giá. Các chế tài hành chính, hình sự với các hành vi này nếu có, cần phải do cơ quan có thẩm quyền làm rõ.
Với trường hợp tại Sóc Sơn, luật sư cho biết vụ việc có yếu tố hình sự hay không do cơ quan điều tra có thẩm quyền xem xét.
“Tuy nhiên hệ lụy có thể nhìn thấy từ tình trạng trả giá cao bất thường rồi bỏ ngang là thị trường nhiễu loạn thông tin, gây hoang mang dư luận”, ông Tuấn cho hay.
Hồi cuối tháng 8, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu các địa phương chấn chỉnh công tác đấu giá quyền sử dụng đất khi một số trường hợp trúng với giá cao gấp nhiều lần khởi điểm, có dấu hiệu bất thường. “Việc này thu hút sự quan tâm lớn của dư luận xã hội, có thể tác động đến phát triển kinh tế – xã hội, môi trường đầu tư, kinh doanh và thị trường nhà ở, bất động sản”, Thủ tướng cho biết.
Sau đó, các Bộ, ngành, TP Hà Nội cũng liên tiếp có thêm các chỉ đạo, đề xuất để ngăn chặn tình trạng này. Một số huyện tại Hà Nội cũng chủ động dừng các phiên đấu giá để rà soát lại quy trình, thủ tục pháp lý.
Từ cuối tháng 10 đến nay, nhiều huyện ngoại thành sau quá trình rà soát đã bắt đầu tổ chức lại các phiên đấu giá. Hoạt động này cũng giảm nhiệt đáng kể như ở Hoài Đức, các phiên đấu giá gần đây lượng người tham gia giảm 3-4 lần so với hai tháng trước.
9 tháng đầu năm, các quận, huyện tại Hà Nội thu hơn 11.000 tỷ đồng từ đấu giá quyền sử dụng đất. Trong khi cùng kỳ năm ngoái, thành phố chỉ thu được khoảng 9.200 tỷ đồng.
Võ Hải – Anh Tú – Ngọc Diễm