TTO – Cựu phó thủ tướng Đức Philipp Roesler cho rằng trở về Việt Nam hỗ trợ cho cộng đồng khởi nghiệp, tạo cảm hứng, khơi gợi tinh thần doanh nghiệp cho giới trẻ Việt Nam là định mệnh của cuộc đời ông. Và đây là thời điểm rất thích hợp.
Cựu phó thủ tướng Đức Philipp Roesler trên đường phố Sài Gòn – Ảnh: NHẬT ĐĂNG
Từng là một chính trị gia đầy tham vọng tại Đức, cựu phó thủ tướng Đức Philipp Roesler nhẹ nhàng rời chính trường và đảm nhận nhiều bị trí khác nhau trước khi quyết định trở về Việt Nam tham gia Hội đồng cố vấn Quỹ đầu tư VinaCapital Ventures, trực tiếp hỗ trợ nhiều hoạt động khởi nghiệp Việt Nam.
Chia sẻ về câu hỏi của Tuổi Trẻ Online về quyết định trở về Việt Nam ngày 17-4 ở TP.HCM, Philipp Roesler nói:
– Đầu tiên, quyết định rời khỏi chính trường cũng dễ hiểu thôi, vì… cử tri thống nhất rằng tôi phải rời chính trường (cười). Đảng của tôi thất bại tại cuộc bầu cử năm 2013, và tôi phải từ chức, rời khỏi nhiệm vụ phó thủ tướng. Nhưng tất cả cũng ổn thôi, vì tôi chấp nhận quyết định ấy. Nó giúp tôi có cơ hội thực hiện các mục tiêu khác của mình.
* Vì sao ông chọn thời điểm này để quay về Việt Nam, ít nhất quay về để làm việc liên quan tới Việt Nam?
– Giờ đây, tôi được thể hiện mình ở một vai trò khác, một sứ mệnh khác là đóng góp ngược trở lại cho nơi tôi đã trưởng thành. Đầu tiên, tại Đức, tôi đã đóng góp khi còn là sĩ quan trong quân đội Đức.
Còn lúc này, đây là thời điểm hợp lý để tôi phục vụ cho xã hội Việt Nam.
* Ông đã từng cương qua nhiều cương vị, trong đó có cả phó thủ tướng Đức, bây giờ ông phụ trách công việc cho một quỹ đầu tư, đó có thể là “bước lùi” không?
– Tôi không nghĩ vậy. Đó là bước tiến đúng hơn. Nước Đức có thể là nền kinh tế phát triển nhưng vẫn có điểm chung giữa kinh tế hai quốc gia Việt Nam và Đức: đó là phát triển dựa trên chất xám chứ không phải bán tài nguyên thô. Giờ đây, tôi có thể đóng góp ý tưởng, sáng tạo của mình vào quá trình phát kinh tế, khởi nghiệp của Việt Nam, nơi đang có sự phát triển kinh tế vượt bậc.
Tôi xem trở về Việt Nam là định mệnh, và những kinh nghiệm, mối quan hệ, mạng lưới có được từ những vị trí đã từng trải qua chính là một sự chuẩn bị tuyệt vời cho vị trí ngày hôm nay.
* Những sự chuẩn bị đó gồm những gì?
Câu chuyện khởi nghiệp VN cũng giống như ẩm thực Việt Nam. Tiềm năng, ngon lành có thể nói ẩm thực Việt Nam là một trong những nhà bếp hàng đầu của thế giới nhưng không phải ai cũng biết đến. Vai trò của tôi là giới thiệu, nói chuyện với thế giới về những cái ngon, lành đó. Đó là quá trình nhiều hoạt động khác nhau, bao gồm cả đưa khởi nghiệp Việt Nam đi ra thế giới, ra toàn cầu.
Chúng tôi đã có một vài startup Việt sẵn sàng cho việc này. Để khuyến khích, tạo động lực khởi nghiệp VN bạn cần xác định được vai trò của mình trên con đường đó. Hiện rất nhiều quốc gia tập trung cho khởi nghiệp, điều tôi có thể chắc chắn rằng Việt Nam đang có nhiều lợi thế phát triển hơn.
Tuần tới sẽ có một vài nhà đầu tư Thụy Sĩ đến Việt Nam và tôi tin họ cũng có chung nhận xét này. Nếu chúng ta cứ nghĩ ẩm thực Việt Nam ngon, tuyệt vời thì chưa đủ, cần phải làm cho mọi người biết đến nhiều hơn. Tiềm năng dân số trẻ, thị trường khu vực… cộng đồng khởi nghiệp năng động là điều các nhà đầu tư quốc tế đều nhìn thấy và họ sẽ đến Việt Nam ngày càng nhiều hơn.
* Việc là một người Đức gốc Việt có ý nghĩa với ông như thế nào đối với sự nghiệp của ông ở lĩnh vực chính trị và kinh doanh?
– Một người Việt Nam có ý nghĩa như thế nào với tôi trong chính trường Đức ư? Chắc chắn người ta rất dễ nhận ra tôi, vì tôi có vẻ ngoài của một người châu Á mà! Vì vậy điều này ít nhất là điềm may ngay từ đầu rồi. Nhưng nói cho cùng thì chuyện này cũng không phải lợi hay hại gì cả, vì bạn sẽ bị đánh giá dựa trên những quyết định bạn phải đưa ra từ ngày này qua ngày khác dưới tư thế một bộ trưởng.
Tôi nghĩ rằng đó cũng là minh chứng cho thấy Đức là một xã hội rất bao dung, nơi mọi người đều có cơ hội tiến tới những cấp bậc cao nhất trong chính trị, đơn cử là phó thủ tướng như các bạn thấy đấy. Tôi nghĩ rằng tất cả như một món quà, và bạn sẽ cảm thấy mình phải làm điều gì đó để đáp lại cho cộng đồng, cho quốc gia của tôi hiện tại, và nơi mà tôi đã sinh ra.
Việt Nam sẽ sớm có startup kỳ lân
* Cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam trong mắt ông như thế nào?
– Tôi đi nhiều nơi trên thế giới nhưng chưa nơi đâu tinh thần kinh doanh, máu khởi nghiệp của người dân lại cao như ở Việt Nam. Điều quan trọng hơn tôi nhìn thấy sự ủng hộ mạnh mẽ từ một hệ thống hệ sinh thái khởi nghiệp đang phát triển nhanh, tuyệt vời đến môi trường kinh doanh, tiềm năng thị trường Việt Nam.
Có thể nói, Việt Nam đang trong điều kiện “thiên thời, địa lợi, nhân hoà” cho phát triển khởi nghiệp. Chúng ta có cộng đồng những người trẻ tinh thần kinh doanh cao, đam mê sáng tạo, và sự ủng hộ lớn từ chính phủ thúc đẩy môi trường kinh doanh. Tôi nghĩ startup Việt Nam hoàn toàn có cơ sở bước ra khu vực với những điều kiện như vậy, tất nhiên khởi nghiệp phải dựa trên kết hợp những di sản thừa hưởng từ văn hóa bản địa.
* Vậy tại sao Việt Nam vẫn chưa có một startup kỳ lân (unicorn – dùng để chỉ các startup được định giá từ 1 tỉ USD trở lên) đúng nghĩa khi Việt Nam cũng có những điều kiện tương tự các nước xung quanh như dân số trẻ, đông, dễ dàng tiếp cận công nghệ?
Thực ra, Việt Nam đã có một startup kỳ lân, nhưng tôi hiểu ý của bạn. Chúng ta hoàn toàn có thể có một startup kỳ lân khác trong tương lai, tôi cá với bạn đấy. Đây là thời điểm quan trọng vì Việt Nam chỉ vừa mới khởi động trong một guồng của hệ sinh thái khởi nghiệp.
Chúng ta đã có đủ thành phần trong một công thức tạo nên một unicorn rồi, đó là nền tảng dân số hơn 90 triệu, đam mê công nghệ, thân thiện và dễ dàng tiếp nhận công nghệ smartphone, hệ thống hạ tầng internet… Đó là 90 triệu khách hàng tiềm năng cho các startup. Chúng ta cần thời gian, và sẽ sớm thôi.
* Một dự án khởi nghiệp như thế nào sẽ lọt vào mắt xanh của VinaCapital?
– Đầu tiên, họ cần quan tâm đến mô hình kinh doanh của mình, cần phải xác định mình ngang bằng với những startup tương đương như ở thung lũng Silicon ở Mỹ, cũng có tố chất thông minh, và hoàn toàn có thể đột phát như họ. Các startup cần biết đặt câu hỏi về sự phát triển của mô hình kinh doanh của mình trong tương lai, cần giữ được cái riêng, nhận diện riêng, không đồng nhất trong quá trình phát triển ngay cả trong nước và ra khu vực.
Vì nếu phát triển một mô hình giống như tất cả những mô hình khác thì bạn sẽ chẳng bao giờ thành công. Phải biết nghĩ khác, làm khác và biết đưa các giá trị văn hóa Việt Nam ra thế giới. Chúng không chỉ nhìn vào mô hình kinh doanh, mà quan trọng hơn chúng tôi nhìn vào con người. Chúng tôi đầu tư con người, những nhà sáng lập dẫn dắt các mô hình phát triển.
Một doanh nghiệp khởi nghiệp có thể tham khảo từ các mô hình kinh doanh ở những cộng đồng khởi nghiệp ở quốc gia khác nhưng cần phải giá trị đặc trưng riêng, văn hóa riêng.
Ở Đức, trung tâm khởi nghiệp Berlin mỗi năm cũng gửi sang thung lũng Silicon (Mỹ) khoảng 20 startup để tạo mạng lưới kết nối, cách thức phát triển, kinh nghiệm. Đó cũng có thể là kinh nghiệm quý giá cho Việt Nam.
* Ông chia sẻ gì với người trẻ Việt Nam để tạo động lực cho họ khởi nghiệp?
– Tôi đang ngồi xung quanh với một thế hệ trẻ của Việt Nam. Điều tôi muốn nói là các bạn đang có cơ hội khởi nghiệp thành công hơn bất kỳ thế hệ nào từ trước đến nay nhờ sự phát triển của khoa học, công nghệ. Đừng quan tâm nhiều mình đang khởi nghiệp ở đâu.
Chúng ta đang sống trong một thế giới phẳng, khởi nghiệp ở Việt Nam cũng giống như ở Berlin. Ở Việt Nam, chúng ta có những nền tảng gọi xe “made in Vietnam” nhưng ngay ở Berlin, chúng tôi vẫn chưa có nền tảng nào tương tự như Uber đang làm. Cơ hội ở khắp nơi, tùy thuộc vào cách bạn nắm bắt như thế nào thôi.
* Điểm khác nhau giữa việc lãnh đạo một quốc gia và lãnh đạo một doanh nghiệp là gì?
– Lãnh đạo một quốc gia, bạn phải tìm cách thỏa hiệp nhiều hơn, và phải đánh đổi thôi, chứ không thể tự ra quyết định được. Thật đấy, kể cả khi là một bộ trưởng, bạn cũng không thể tự mình ra quyết định. Bạn còn có đảng của mình đang theo, còn có các thành viên của đảng, còn có xã hội nữa.
Khi lãnh đạo một doanh nghiệp, bạn có thể ra quyết định theo cách của mình nhiều hơn. Tuy nhiên, cả hai đều phải là những người có khả năng làm việc nhóm, đều phải hiểu mình và xung quanh, nên thực chất hai vai trò này mang nhiều nét tương đồng hơn là khác biệt.