Phổ cập giáo dục công nghệ blockchain là một trong 6 mục tiêu hoạt động chính của Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) kể từ khi được thành lập.
Sau hơn một năm hoạt động, VBA đã ký kết biên bản ghi nhớ và bước đầu thực hiện một số hoạt động đào tạo ban đầu với hơn 15 trường đại học, tổ chức giáo dục. Hiệp hội sẵn sàng cho các bước triển khai tiếp theo như thành lập Viện Ứng dụng công nghệ Blockchain, xây dựng tối thiểu 20 câu lạc bộ ứng dụng tại các trường đại học (Blockchain Uni Labs) và tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn trong năm 2024.
Bên cạnh đó, chiến lược đào tạo tổng thể giai đoạn 2024-2030 cũng đã được VBA công bố tại hội thảo “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo và quản trị rủi ro trong ứng dụng blockchain”, tại Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (NIC) Hòa Lạc, Hà Nội. Sự kiện có sự tham gia của hơn 200 khách mời từ các bộ ngành, trường Đại học, doanh nghiệp công nghệ, tài chính.
Theo ông Phan Hồng Quân – Trưởng ban hội viên Hiệp hội Blockchain Việt Nam, trong nước hiện có hàng triệu người biết và tham gia vào các hoạt động liên quan đến blockchain, phần lớn là các bạn trẻ. Do lĩnh vực này chưa được đào tạo chính quy nên các bạn đều phải tự học, tự mày mò tìm hiểu và tỷ lệ bị lừa đảo, mất tiền trong các vụ việc liên quan đến tiền số, tài sản ảo… rất cao nhưng chưa được thừa nhận, chưa được thống kê rộng rãi.
Vì vậy, để xây dựng một hệ thống kiến thức đầy đủ, bài bản, VBA định hướng tạo ra chiến lược giáo dục và phổ cập blockchain từ nhà trường để thế hệ trẻ sớm có định hướng đúng đắn về công nghệ này, tránh trở thành “con mồi” của những dự án lừa đảo.
Ông Phan Hồng Quân cho biết VBA sẽ phát triển các chương trình đào tạo ngắn hạn. Học viên được cấp chứng chỉ của tổ chức quốc tế có liên kết với đơn vị theo các chủ đề cụ thể, đúng theo nhu cầu của từng đối tượng. Hiệp hội sẽ kết hợp với các trường đại học tổ chức chuỗi hoạt động đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho giảng viên dành cho đối tượng là các giảng viên, những chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực kinh tế, tài chính, luật, khoa học… Đồng thời, mời họ tham gia trong việc soạn thảo các giáo trình blockchain, cố vấn, định hướng, đứng lớp các học phần về công nghệ blockchain.
Bên cạnh đó, VBA cũng đang tích cực triển khai dự án Blockchain Uni Lab. Trong năm 2024, đơn vị mong muốn xây dựng tối thiểu 20 câu lạc bộ ứng dụng tại các trường đại học, tổ chức đào tạo. Các câu lạc bộ sẽ do sinh viên quản lý, nhà trường chịu trách nhiệm điều hành, còn VBA và các chuyên gia blockchain đóng vai trò cố vấn chuyên môn, với các hoạt động ban đầu là học ngôn ngữ lập trình, quản lý rủi ro, quản lý danh mục đầu tư…
“Từ những bước đi này, VBA sẽ tiến đến thành lập Viện Ứng dụng Blockchain Việt Nam với tầm nhìn, sứ mệnh là đơn vị đào tạo, giáo dục, nghiên cứu hàng đầu Việt Nam về công nghệ blockchain”, ông Quân nhấn mạnh.
Hoạt động chính của viện là nghiên cứu, thúc đẩy ứng dụng vào các ngành kinh tế – xã hội, đề xuất các chính sách phù hợp có liên quan cho các cấp chính phủ, thúc đẩy hợp tác đồng thời thiết kế chương trình đào tạo, cấp chứng chỉ quốc tế cho các học viên.
Trong khuôn khổ hội thảo, phiên thảo luận “Đổi mới sáng tạo từ giáo dục: Cơ hội và Tương lai cho Việt Nam” được tổ chức để các chuyên gia trong lĩnh vực blockchain và giáo dục có thể đưa những ý kiến đóng góp và phản biện vào chiến lược phát triển chung mà VBA chia sẻ trước đó. Dù đại diện cho các lĩnh vực khác nhau và quan điểm về đào tạo có sự khác biệt nhưng các chuyên gia đều chung quan điểm về việc cần thúc đẩy thực hành và ứng dụng vào giáo dục, tránh lý thuyết suông hay tình trạng sinh viên ra trường không làm được việc dù doanh nghiệp luôn thiếu nhân sự chất lượng cao.
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Ngọc Hưng – Phó Chủ nhiệm Ủy ban xúc tiến đầu tư VBA, các tổ chức giáo dục nước ngoài thường phối hợp với công ty công nghệ thúc đẩy các mô hình Hackathon và Hacker House nhằm đào tạo thực hành cho nhân lực trẻ.
Trong đó, Hackathon là hình thức tổ chức cuộc thi cho sinh viên và doanh nghiệp cùng giải những đề bài mà cuộc thi đặt ra. Đây cũng đồng thời là những bài toán mà doanh nghiệp cần phải tìm kiếm câu trả lời và trao giải dựa trên kết quả. Về bản chất, đó là một cuộc thi tìm kiếm tài năng, chú trọng kết quả đầu ra hơn quá trình, giúp sinh viên có cơ hội thực hành, tiếp cận công nghệ cao và xây dựng mạng lưới kết nối.
Mô hình Hacker House cũng có mục tiêu tương tự nhưng diễn ra tập trung, trong một không gian có đủ tiện nghi để các nhóm thí sinh có thể ở lại từ 2-3 ngày, tập trung vào lập trình, phát triển sản phẩm ngay trong thời gian rất ngắn.
Ông Thái Quang Nhân – CEO Quỹ đầu tư Vietcan StartUp cho rằng blockchain không nên chỉ được học hành và đào tạo trên góc độ lý thuyết mà phải giúp sinh viên xây dựng được mô hình kinh tế ứng dụng blockchain, tạo cơ hội cho các em tham gia vào các dự án, tiếp xúc với doanh nghiệp, quỹ đầu tư… trong suốt quá trình học tập.
Đồng quan điểm, TS. Đỗ Ngọc Minh – Giám đốc Các chương trình đào tạo ngắn hạn, Viện Công nghệ thông tin, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng lưu ý rằng đào tạo về blockchain nên chia thành hai nhóm, nhóm đầu tiên là đào tạo cho cho người làm công nghệ, tập trung vào nguyên lý và lập trình. Còn nhóm thứ hai liên quan đến ngành Nhân văn và các ngành khác, thiên về ứng dụng thực tiễn.
Nhấn mạnh về tầm quan trọng của giáo dục, phổ cập blockchain trong chiến lược phát triển dài hạn, ông Phan Hồng Quân khẳng định VBA đặt trọng tâm phổ cập giáo dục về blockchain tại các trường đại học là mục tiêu dài hạn để chuyển giao tri thức công nghệ. Điều này nhằm xây dựng nguồn nhân lực công nghệ cao thế hệ tiếp theo để góp phần thúc đẩy nhanh sự phát triển kinh tế, xã hội.
Hải My