Phó thống đốc NHNN: “Không có chính sách tiền tệ hoàn hảo cho mọi quốc gia”

Vấn đề là trong từng giai đoạn, chúng ta cần xác định được cơ chế như thế nào để phù hợp nhất, hiệu quả nhất.

Tăng hiệu quả điều hành

Khuôn khổ chính sách tiền tệ (CSTT) lạm phát mục tiêu được thiết lập dựa trên cơ sở lý thuyết kiểm soát tối ưu kỳ vọng lạm phát trong tương lai. Bản chất của nó là xác định mục tiêu lạm phát trong trung hạn và sử dụng các công cụ, biện pháp chính sách để kiểm soát được lạm phát theo mục tiêu đã định.

Theo TS. Nguyễn Thị Kim Thanh – Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, NHNN, điều hành theo lạm phát mục tiêu mang lại nhiều lợi ích rất lớn như giúp tăng khả năng neo giữ và dẫn dắt kỳ vọng lạm phát của thị trường; nâng cao uy tín và độ tin cậy của dân chúng vào các chính sách của NHTW; giúp NHTW kiểm soát được độ trễ của chính sách đồng thời góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế trong dài hạn và giảm thất nghiệp…

Có lẽ vì những lợi ích rất lớn như vậy nên ngày càng có nhiều NHTW trên thế giới áp dụng chính sách này trong điều hành (cụ thể, hiện đã có khoảng 27 nước áp dụng).

Tuy nhiên, để áp dụng cơ chế điều hành này hiệu quả, điều kiện đặt ra là một mặt, nền kinh tế cần phải có các yếu tố cơ cấu phù hợp và giá cả phải được tự do hóa hoàn toàn. Đồng thời, NHTW cần có sự độc lập vừa đủ trong việc sử dụng các công cụ CSTT để sẵn sàng phản ứng nhanh và kịp thời trước những cú sốc của thị trường cũng như điều chỉnh tác động của các nhân tố đến lạm phát trong trung hạn.

Bên cạnh đó, CSTT phải không bị chi phối bởi chính sách tài khóa (CSTK). Theo đó, kỷ luật tài khóa phải được thực hiện nghiêm ngặt để hạn chế thâm hụt ngân sách (dẫn tới phải sử dụng tiền phát hành để bù đắp thâm hụt). Cùng với đó, cần có một thị trường tài chính phát triển để tạo nền tảng cung ứng vốn cho đầu tư phát triển, từ đó không gây áp lực phát hành tiền và tạo điều kiện để CSTT không bị chi phối bởi CSTK.

Song song với đó, cũng cần có một thị trường tiền tệ phát triển, mức độ đô la hóa thấp và đặc biệt là các định chế tài chính khỏe mạnh, tự chống đỡ được các cú sốc của thị trường. Điều kiện này để đảm bảo sự thông suốt của cơ chế truyền tải CSTT và đảm bảo sự phản ứng nhanh của các thành viên thị trường trước những thay đổi chính sách của NHTW. Mặt khác, tại thời điểm áp dụng, tỷ lệ lạm phát cần ở mức thấp hợp lý và có tính ổn định cao.

Khả năng áp dụng tại Việt Nam

Theo đa số ý kiến của các chuyên gia tham dự Hội thảo Khoa học “Chính sách tiền tệ lạm phát mục tiêu: Sự lựa chọn thích hợp cho Việt Nam?” diễn ra ngày 18/5/2013 tại Hà Nội, với thực trạng hiện nay là mức độ phát triển của thị trường tài chính, thị trường tiền tệ còn thấp; mức độ đô la hóa cao; tính ổn định của lạm phát, của thị trường chưa cao; sức khỏe của các TCTD không đồng đều; mức độ tác động của tín dụng đến lạm phát và tăng trưởng kinh tế nhạy cảm hơn lãi suất thì khuôn khổ CSTT như hiện nay (nghiêng về kiểm soát cung tiền, lãi suất, tín dụng, tỷ giá) là phù hợp.

Điều này đồng nghĩa với các điều kiện cần thiết để chuyển hoàn toàn sang điều hành CSTT lạm phát mục tiêu là chưa đủ.

Tuy nhiên, các ý kiến cũng cho rằng, cùng với quá trình hoàn thiện dần các điều kiện kể trên, CSTT nên được chuyển dần sang khuôn khổ lạm phát mục tiêu trên cơ sở điều chỉnh phù hợp với thực tiễn Việt Nam.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho rằng, việc tìm được một khuôn khổ, cơ chế điều hành CSTT như thế nào cho phù hợp với Việt Nam trong điều kiện thực tế hiện nay và trong tương lai là một vấn đề lớn vì CSTT có ảnh hưởng lớn đến hoạt động KTVM. Việc hoàn thiện là cần thiết, nhưng không phải một lần là xong mà phải là quá trình liên tục, đi cùng với sự phát triển không ngừng của nền kinh tế.

“Vấn đề là trong từng giai đoạn, chúng ta cần xác định được cơ chế như thế nào để phù hợp nhất, hiệu quả nhất chứ không thể nào có một chính sách hoàn hảo cho mọi quốc gia hay cho cả thế giới này”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh.

Một số quan điểm cũng cho rằng, CSTT mà Việt Nam đang áp dụng hiện nay cũng không phải quá xa rời với khuôn khổ CSTT lạm phát mục tiêu vì Luật NHNN cũng như trong thực tế điều hành của NHNN thời gian qua, kiểm soát lạm phát vẫn là mục tiêu lớn nhất.

Tất nhiên, thực tế CSTT cũng đang phải gánh nhiều mục tiêu khác (mà chúng ta hay nói CSTT đang theo đuổi đa mục tiêu) nhưng thực tế các mục tiêu như: cung ứng vốn cho nền kinh tế; kiểm soát lãi suất; tỷ giá… chỉ là các mục tiêu trung gian. Mục tiêu lớn nhất và cuối cùng vẫn là kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền.

TS. Vũ Nhữ Thăng – Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính:

CSTK cần giảm “ảnh hưởng”, tăng hỗ trợ cho CSTT

519998770d358 medium

CSTK đóng vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo thành công của việc thực hiện khuôn khổ CSTT lạm phát mục tiêu, bởi: Một là, trong một số trường hợp, việc thực hiện CSTK sẽ có ảnh hưởng nhất định đến tính độc lập của CSTT. Vì vậy, để CSTT đạt mục tiêu đề ra, cần có sự cam kết rõ ràng về thể chế; Hai là, CSTK phải tạo điều kiện bổ trợ để nâng cao tín nhiệm cho CSTT.

Theo đó, các cân đối về tài khóa cần có sự ổn định và bền vững, hạn chế thâm hụt ngân sách kéo dài làm nợ công tăng và tất yếu gây áp lực lên lạm phát; Ba là, phải đảm bảo sự đồng bộ trong việc thực hiện CSTK và CSTT. Trong quá trình phối hợp này, kiểm soát lạm phát phải được xem là mục tiêu chủ đạo của NHNN trong khi CSTK nên tập trung vào việc xử lý những vấn đề có tính chất chu kỳ của nền kinh tế, hỗ trợ nền kinh tế trước các cú sốc.

Ông Sanjay Karla – Trưởng đại diện IMF tại Việt Nam:

Việt Nam nên áp dụng

519998790f22c medium

Các nghiên cứu cho thấy hiệu quả khác nhau khi các nước áp dụng CSTT lạm phát mục tiêu. Thực tế này chủ yếu do mức độ sẵn sàng; các cam kết đối với ổn định KTVM và chất lượng ngành Ngân hàng của các nước không giống nhau. Điều đó cho thấy, mức độ sẵn sàng áp dụng; các cam kết đối với ổn định KTVM và chất lượng ngành Ngân hàng là những yếu tố vô cùng quan trọng để khuôn khổ này có thể phát huy hiệu quả.

Nghiên cứu cũng cho thấy, các nước có mức lạm phát thấp hoặc các nước có lạm phát cao hơn (nhưng mức lạm phát tương đối ổn định qua các năm) thì khi áp dụng chính sách này đều cho thấy hiệu quả tốt hơn so với những nước không áp dụng.

Khuyến nghị của IMF là Việt Nam nên áp dụng khuôn khổ CSTT lạm phát mục tiêu, không chỉ vì những lợi ích định hướng thị trường mang lại mà còn giúp nâng tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và khả năng dự báo của NHNN.

PGS.TS. Nguyễn Thị Mùi – Giám đốc Trường Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực, Vietinbank:

CSTT không phải là cây đũa thần

5199987b0f9e6 medium

DN thiếu vốn cũng đổ lỗi cho hệ thống ngân hàng; DN “chết” hàng loạt cũng tại ngân hàng… Điểm một số vấn đề như vậy để thấy có một thực tế hiện nay là CSTT đang phải “gánh” quá nặng. Và nếu cứ nhìn nhận như vậy thì CSTT chẳng khác gì là cây đũa thần, nếu sử dụng tốt là tạo động lực tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm, DN phát triển… Trong khi đó các chính sách kinh tế khác, trong đó có CSTK chưa được đánh giá một cách đúng mức.

Với suy nghĩ như vậy, tôi cho rằng đã đến lúc cần phải chuyển CSTT nặng về kiểm soát khối lượng, đa mục tiêu sang khuôn khổ lạm phát mục tiêu. Từ kinh nghiệm của các nước tôi cho rằng, không nhất thiết phải có đầy đủ các điều kiện mới chuyển đổi. Có 2 cơ sở cho điều này: Một là, 4 tháng đầu năm nay, lạm phát đã xuống mức rất thấp và đây là căn cứ để NHNN xem xét. Hai là, đây cũng là cách để giảm bớt áp lực cho CSTT.

Theo Đỗ Lê

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin