Kết hôn là một cuộc phiêu lưu.
Ngoài những yêu cầu về kinh tế, hoàn cảnh gia đình, học vấn, tính cách,… bạn không thể bỏ qua ba điều sau đây trước khi bước vào hôn nhân.
1. Sự thấu hiểu của chồng
Tất cả những gia đình hạnh phúc và mối quan hệ vợ chồng tốt đẹp đều có một điểm chung, đó là “đàn ông đặc biệt thấu hiểu”. Anh ấy sẽ thực sự thấu hiểu những cố gắng, khó khăn của vợ và tìm cách đối xử tốt với vợ. Khi gặp mâu thuẫn, người chồng sẽ đặt mình vào vị trí của vợ để hiểu cảm xúc của vợ hơn. Đặc biệt, người chồng tốt sẽ cố gắng khiến mối quan hệ giữa mẹ chồng và nàng dâu hài hoà hơn.
Một cô gái giấu tên chia sẻ, cô và chồng đã kết hôn được 8 năm và mỗi ngày đều tẻ nhạt hoặc xảy ra cãi vã. Chồng cô được mọi người gọi là người đàn ông tốt tính, chu đáo. Anh ấy chăm sóc tốt cho những người xung quanh, bạn bè gọi là có mặt. Tuy nhiên, anh không thể hiểu được nỗi khó khăn của vợ mình.
“Anh ấy không hiểu việc tôi ở nhà chăm con vất vả như thế nào, anh ấy chỉ nghĩ ngày nào anh ấy cũng đi làm mệt mỏi. Anh ấy sẽ không hiểu tại sao tôi muốn dọn ra ngoài sống và cho rằng tôi không có hiếu với bố mẹ chồng.
Mỗi lần chúng tôi cãi nhau, anh ấy chỉ tỏ ra lạnh lùng, nhất định không chịu dỗ dành vợ. Anh ấy là người lương thiện trong mắt mọi người. Mọi người đánh giá, sự bất hòa đều là do tính cách quá nóng nảy của tôi gây ra”, cô gái nghẹn ngào tâm sự.
Người ta nói hôn nhân không có sự thấu hiểu là tổn thương nhất. Bởi khi kết hôn, phụ nữ có xu hướng coi trọng và dựa vào cảm xúc nhiều hơn nam giới. Họ mong muốn được quan tâm và chăm sóc. Nhưng tiếc thay, hầu hết các ông chồng đều không hiểu, chỉ nghĩ vợ mình gây rắc rối một cách vô lý.
Theo thời gian, nhiều người vợ bắt đầu nghi ngờ chính mình: Tôi là người sinh con, tôi là người chăm sóc con cái, tôi là người chăm lo cho gia đình. Vậy tại sao tôi phải lấy chồng để có bờ vai vững chắc dựa vào?
Trong hôn nhân, trách nhiệm của người đàn ông không chỉ là trụ cột về kinh tế mà còn phải sẵn sàng dành thời gian, sức lực và sự quan tâm cho gia đình. Người chồng cần phải biết lắng nghe vợ, an ủi, động viên và ghi nhận những nỗ lực của vợ mình.
2. Sự tôn trọng từ mẹ chồng
Trong bộ phim truyền hình “Mẹ ơi”, trải nghiệm của người mẹ nội trợ Hà Tiểu Hàn vẫn còn in sâu trong ký ức của nhiều người. Cô là một y tá, có chồng là một bác sĩ trẻ đầy triển vọng. Mọi người xung quanh cho rằng số cô may mắn khi lấy được người chồng tài giỏi như vậy.
Nhưng trên thực tế, Hà Tiểu Hàn cô đơn trong chính căn nhà của mình. Chồng suốt ngày bận đi làm, không để ý tới việc nhà. Mẹ chồng không quý mến cô từ đầu nên thường gây khó dễ cho cô. Chẳng hạn như bà thường chê gia cảnh, trình độ học vấn của cô.
Dù cô đã cố gắng rất nhiều nhưng mẹ chồng vẫn không ghi nhận lòng tốt. Gần đây, khi cô mua thịt xông khói về cho bữa tối đã bị mẹ đổ thẳng vào thùng rác với lý do: Đây là thực phẩm độc hại, có thể gây ung thư. Cách hành xử thiếu tế nhị của mẹ chồng khiến Hà Tiểu Hàn tủi thân bật khóc. Sống với một người mẹ chồng như vậy, Hà Tiểu Hàn bị trầm cảm trong vài năm.
Chúng ta thường nói trước khi kết hôn phải xét hoàn cảnh gia đình của đối phương. Cái gọi là hoàn cảnh gia đình không chỉ là điều kiện tài chính bên ngoài mà còn bao gồm thái độ, tính cách,… của người thân đối phương.
Việc cha mẹ bạn đời có tôn trọng bạn và gia đình bạn hay không sẽ quyết định phần lớn đến việc cuộc hôn nhân của bạn có hạnh phúc hay không.
Có câu nói: “Phụ nữ được chồng che chở sẽ không bị nhà chồng ức hiếp. Phụ nữ được nhà chồng che chở sẽ không bị người ngoài bắt nạt”.
3. Không đánh mất giá trị bản thân
Trong cuộc hôn nhân, nhiều người phụ nữ gặp bất hạnh, hao mòn tuổi thanh xuân, cuối cùng trở thành khách nhà ngoại, người ngoài đối với nhà nội.
Trong cuộc sống hàng ngày, họ cống hiến hết mình cho gia đình và dần đánh mất đi chính kiến bản thân. Họ đánh mất chính mình, đánh mất sự nghiệp và cả các mối quan hệ xung quanh.
Một cô gái nọ từng là sinh viên ưu tú tốt nghiệp đại học danh tiếng. Sau khi lấy chồng và có thai, cô ấy xin nghỉ việc và ở nhà làm nội trợ.
Không ngờ, điều này lại trở thành khởi đầu cho cơn ác mộng của cô: Công việc nhà bừa bộn và chứng mất ngủ kéo dài khiến cô hốc hác, những cuộc cãi vã với chồng ngày càng thường xuyên hơn.
Trong lúc cãi nhau, người chồng buột miệng: “Cô ngày ngày đều ở nhà, dựa vào tôi chu cấp, còn có điều gì không hài lòng?”. Nghe vậy, cô vô cùng tổn thương, nhưng vẫn tự động viên: “Mình chỉ tạm thời rời nơi làm việc trong vài năm vì con còn nhỏ. Mình vẫn còn giá trị khi quay trở lại công việc”.
Nhưng càng về sau, cô càng bắt đầu nghi ngờ chính mình: “Ừ, tôi chỉ là một phụ nữ trung niên vô dụng, có thể tìm được công việc gì?”.
May mắn sau này cô được đồng nghiệp cũ hướng dẫn cách kiếm tiền tự do như viết báo, thiết kế ấn phẩm. Tuy số tiền cô kiếm được không nhiều nhưng giúp cô thấy yêu đời, lạc quan hơn và không thấy bản thân kém cỏi nữa.
Không thể phủ nhận rằng phụ nữ dường như phải hy sinh trong hôn nhân và trong việc làm mẹ. Nhưng điều này không có nghĩa là người phụ nữ phải từ bỏ chính mình, đầu hàng trước số phận. Phụ nữ không bao giờ được từ bỏ việc phát triển bản thân.
Ở bất kỳ giai đoạn nào của cuộc đời, bạn phải hiểu giá trị của mình và nỗ lực phấn đấu. Chỉ với ý thức này, bạn mới có thể nhận được sự tôn trọng và trân trọng lâu dài trong cuộc hôn nhân.
Người bạn chọn kết hôn sẽ quyết định hướng đi tương lai của cuộc đời bạn. Một khi bạn mắc sai lầm, mọi bước đi trong suốt quãng đời còn lại đều có thể sai lầm. Vì trách nhiệm với cuộc đời, dù yêu hay cưới, bạn cũng phải tỉnh táo. Hãy quan sát tính cách của đối phương, thái độ của cha mẹ đối phương và quan trọng hơn là hãy xem bạn muốn gì.
Theo Toutiao