Hakoom, người sở hữu 5 kỷ lục Guinness, cáo buộc nhân viên PlayStation bán dữ liệu người dùng trên chợ đen và lợi dụng các tài khoản hiếm để trục lợi bất chính.
Game thủ lâu năm từ bỏ PlayStation sau bê bối dữ liệu rò rỉ
Theo Gameranx, Hakoom, tên thật Abdul Hakam, là một game thủ kỳ cựu từng đạt năm kỷ lục Guinness về số điểm Trophy cao nhất trên PlayStation Network (PSN) vừa tuyên bố từ bỏ cộng đồng PlayStation sau gần hai thập kỷ gắn bó.
Sự việc bắt đầu vào ngày 9.9.2024, khi Hakoom không thể truy cập vào tài khoản PSN của mình. Sau nhiều ngày chờ đợi và liên hệ với bộ phận hỗ trợ khách hàng mà không nhận được câu trả lời, anh phát hiện tài khoản của mình đã bị rò rỉ. Một tin nhắn WhatsApp từ người lạ gửi đến tiết lộ thông tin rằng nhân viên nội bộ của Sony đã bị hối lộ để đánh cắp và bán các tài khoản hiếm, hoặc khóa chúng để trục lợi.
Hakoom cung cấp bằng chứng cho Sony, bao gồm ảnh chụp màn hình giao diện quản trị viên PSN – thứ mà chỉ nhân viên nội bộ mới có quyền truy cập. Bên cạnh đó, anh còn ghi lại các cuộc gọi lừa đảo từ kẻ xưng là nhân viên Sony, cố gắng thu thập thông tin cá nhân của anh. Dù đã gửi toàn bộ dữ liệu này cho Sony, anh chỉ nhận được phản hồi rằng tài khoản bị khóa do vi phạm các điều khoản dịch vụ.
Theo thông báo từ Sony, Hakoom bị cáo buộc sử dụng tính năng “auto-pop” để đạt cúp Bạch Kim một cách bất thường, hoàn thành trò chơi trong thời gian không hợp lý, đăng nhập vào hơn 2.000 tài khoản khác nhau và sử dụng tài khoản trên 29 thiết bị PlayStation. Hakoom phản bác rằng tính năng “auto-pop” là một công cụ chính thức của PlayStation, cho phép người chơi chuyển đổi giữa các phiên bản game PS4 và PS5 để nhận danh hiệu nhanh hơn. Anh cũng nhấn mạnh rằng các trò chơi ngắn có thể được hoàn thành trong vài giây đã tồn tại hợp pháp trên PSN từ lâu.
Tài khoản của Hakoom được khôi phục sau 45 ngày, nhưng Sony đã loại anh khỏi chương trình đối tác. Quá thất vọng trước cách xử lý từ công ty, Hakoom quyết định từ bỏ cộng đồng PlayStation và công khai vụ việc để cảnh báo người dùng về lỗ hổng bảo mật. Trên các nhóm Telegram, nhiều đoạn hội thoại cho thấy các tài khoản PSN hiếm đang bị rao bán công khai, kèm theo những bình luận mỉa mai về việc Hakoom là nạn nhân tiếp theo trong chuỗi tấn công này.
Cộng đồng lo ngại về sự an toàn của tài khoản PSN
Sự việc đã thu hút sự chú ý từ cộng đồng game thủ trên nhiều nền tảng, bao gồm Reddit, nơi nhiều người bày tỏ sự đồng cảm nhưng cũng không ít người đưa ra các quan điểm trái chiều. Một số người ủng hộ Hakoom và nhấn mạnh vấn đề bảo mật. Một tài khoản Reddit cho rằng: “Sony cần tập trung vào vấn đề thực sự, đó là sự an toàn của dữ liệu người dùng, thay vì đổ lỗi cho Hakoom. Điều này cho thấy dữ liệu của tất cả chúng ta đều có nguy cơ bị lộ”.
Ngoài ra, một số người chỉ trích Sony vì sự thiếu nhất quán trong cách thực thi chính sách và quản lý tài khoản người dùng. Một tài khoản chia sẻ: “Dịch vụ khách hàng của Sony ngày càng tệ. Họ thường đưa ra những hình phạt vô lý mà không giải thích cụ thể lý do, khiến người dùng như chúng tôi cảm thấy thất vọng”.
Trong khi đó, có người nhìn nhận vấn đề từ góc độ rộng hơn, nhấn mạnh nguy cơ nội bộ Sony bị tham nhũng, với nhân viên bị cáo buộc bán dữ liệu người dùng trên chợ đen. Một tài khoản viết: “Việc thông tin quản trị viên PSN bị rò rỉ là dấu hiệu nghiêm trọng. Nếu không xử lý, điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến uy tín của PlayStation”.
Hiện tại, Sony vẫn chưa đưa ra bất kỳ tuyên bố chính thức nào về các cáo buộc liên quan đến nội bộ công ty. Trong khi đó, cộng đồng người dùng PlayStation được khuyến cáo nên kích hoạt xác thực hai yếu tố, không liên kết thông tin tài chính với tài khoản và theo dõi các hoạt động bất thường để tự bảo vệ mình trước nguy cơ mất dữ liệu.