PNJ được vinh danh ở ba hạng mục ESG (Môi trường, Xã hội, Quản trị) tại giải thưởng phát triển bền vững Top 50 CSA 2024, do báo Nhịp cầu đầu tư công bố.
Đây là năm thứ hai liên tiếp đơn vị đạt thành tích này. Năm nay, Top 50 CSA có 16 hạng mục vinh danh ba khối doanh nghiệp: FDI, doanh nghiệp niêm yết và doanh nghiệp chưa niêm yết. Hội đồng thẩm định bao gồm lãnh đạo từ HSBC, PwC Việt Nam, Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế tuần hoàn (ICED), Schneider Electric Việt Nam, Talentnet và Mekong Capital.
Theo đại diện ban tổ chức, PNJ triển khai toàn diện ba trụ cột E, S và G trong chiến lược phát triển bền vững. Theo đó, đơn vị được xướng tên vì những nỗ lực trong công tác: quản lý tài nguyên bền vững (E), tiếp thị có trách nhiệm (S) và quản trị doanh nghiệp xuất sắc (G). Giải thưởng ghi nhận sự cống hiến, đầu tư khoa học và chuyên nghiệp của PNJ nhằm kiến tạo nền tảng cho mục tiêu phát triển bền vững.
Bà Trần Phương Ngọc Thảo – Phó chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Chủ tịch Ủy ban ESG PNJ chia sẻ, các chiến lược ESG giúp doanh nghiệp tăng cường tính minh bạch, từ đó, cung cấp góc nhìn toàn diện và uy tín đến đối tác về hoạt động của công ty.
“PNJ tích hợp ESG vào chiến lược phát triển tổng thể, gia tăng sức hấp dẫn trên trường quốc tế, đồng thời, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững và kiên định trước những biến động của thị trường”, bà Thảo nói thêm.
Trong đó, với trụ cột môi trường (E), PNJ tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Đơn vị thực hiện và duy trì kiểm kê khí nhà kính với đơn vị thứ ba từ năm 2021.
Song song, PNJ tích cực bảo vệ tài nguyên nước thông qua việc phát triển và cải tiến hệ thống tái chế nước thạch cao. Nhờ vậy, năm 2023, công ty giảm 4% lượng nước thải ra môi trường và tỷ lệ nước tuần hoàn tăng từ 12% lên 16,42%, so với năm 2022.
Đơn vị cũng giảm phát thải nhà kính nhờ sáng kiến sử dụng nhiên liệu hydro cho các máy hàn và tiến tới loại bỏ hoàn toàn nhiên liệu hóa thạch trong quy trình sản xuất.
Hiện, hơn 80% nguyên vật liệu sử dụng trong sản xuất tại PNJ thuộc nhóm có thể tái tạo và có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới. Đồng thời, công ty cũng triển khai nhiều sáng kiến nhằm quản lý rác thải. Tổng lượng chất thải năm 2023 giảm 11,73% so với cùng kỳ năm 2022, lượng chai nhựa phát thải cũng giảm hơn 41.000 chai.
Trên khía cạnh xã hội, PNJ lấy con người làm trọng tâm, triển khai hoạt động hướng đến người lao động và cộng đồng xã hội (CSR). Theo đó, doanh nghiệp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, hành động có trách nhiệm để tôn vinh vẻ đẹp con người và cuộc sống bền vững.
Thông qua các chương trình truyền thông tiếp thị, công ty góp phần gìn giữ giá trị truyền thống, truyền cảm hứng cho nữ giới và chung tay hỗ trợ các vấn đề xã hội. PNJ đã triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa như chiến dịch “Thần Tài”, chuỗi chương trình bán hàng “Hành trình trang sức xuyên Việt” và ra mắt bộ sản phẩm trang sức Trầu cau trong chiến dịch “Có nhau mình cưới”.
Ở trụ cột quản trị, đội ngũ lãnh đạo PNJ xây dựng và áp dụng 6 nguyên tắc quản trị hiệu quả trên cơ sở tham chiếu là Bộ nguyên tắc quản trị công ty theo thông lệ tốt nhất do Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước phát hành. Công ty đã áp dụng thẻ điểm quốc tế khu vực ASEAN (ACGS) nhằm hướng đến các tiêu chuẩn toàn cầu.
Đại diện doanh nghiệp cũng cho biết, PNJ luôn đảm bảo thành phần và chất lượng Hội đồng quản trị với bề dày kiến thức, kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Qua đó, công ty xây dựng quy trình quản trị rủi ro với cấu trúc đảm bảo tính thống nhất từ công ty mẹ đến đơn vị thành viên. Điều này giúp đánh giá và sớm có phương án phòng tránh rủi ro, tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đơn vị cũng tuyên bố “PNJ hành động có trách nhiệm để tôn vinh vẻ đẹp của con người và cuộc sống một cách bền vững”. Theo đó, trong hành trình 5 năm thực thi ESG, PNJ dự kiến chia làm ba giai đoạn: xây dựng và chuẩn hoá (2022-2024), tạo ra tác động (2024-2026), và hướng đến chuẩn mực quốc tế (2026-2027).
Nhật Lệ