Cuộc xâm lược năm 1990 của Iraq nhằm vào Kuwait – một đất nước nhỏ bé tương tự Qatar – đã dạy Quốc vương Hamad rằng, sống nhún nhường cũng có thể bị nguy hiểm.
Năm 1971 được xem là bước ngoặt trong lịch sử Qatar khi nước này giành được độc lập từ Anh, nhưng phải tới năm 1995, khi Quốc vương Sheik Hamad bin Khalifa al-Thani lật đổ cha mình trong một cuộc đảo chính không đổ máu và đoạt lấy ngôi vương, Qatar mới dần khởi sắc và từng bước hiện diện rõ nét trên bản đồ thế giới.
Mặc dù có tiếng “cướp ngôi” nhưng khoảng thời gian ông trị vì được xem là hòa bình. Với một chính phủ ổn định, Quốc vương Hamad có thể tập trung biến Qatar từ một xó xỉnh nơi hoang mạc thành một thế lực đáng gờm. Điều này không hoàn toàn nhờ nguồn tiền khổng lồ từ dầu khí, mà còn nhờ những tư tưởng đặc biệt tiến bộ của Sheik Hamad.
Thân thiện với tất cả các bên
Trong khi cha ông tránh can thiệp vào các vấn đề quốc tế vì sợ làm mất lòng các nước láng giềng quyền lực, thì cuộc xâm lược năm 1990 của Iraq nhằm vào Kuwait – một đất nước nhỏ bé, giàu hydrocarbon tương tự Qatar – đã giúp Quốc vương Hamad nhận ra rằng, sống nhún nhường cũng có thể bị nguy hiểm.
Quốc vương thừa nhận, thông thường, một nước nhỏ như Qatar sẽ gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là ở Trung Đông, bởi có rất nhiều bất đồng về quan điểm hoặc tầm nhìn với các bên.
Tuy nhiên, ông không tập trung rót tiền vào lĩnh vực quân sự quốc phòng hay tham gia chạy đua vũ trang. So với các nước trong khu vực, lực lượng quân đội của Qatar có thể coi là khá khiêm tốn. Dù vậy, Qatar cho phép Mỹ sử dụng Al-Udeid làm căn cứ quân sự lớn nhất của nước này ở Trung Đông.
Căn cứ quân sự Al Udeid tại Qatar.
Năm 2010, Martin Dickson, phó tổng biên tập Financial Times, và Roula Khalaf, biên tập viên mảng Trung Đông của tờ này đã thực hiện một cuộc phỏng vấn với Quốc vương Sheikh Hamad tại Doha. Trong cuộc phỏng vấn, Quốc vương đã nhấn mạnh:
“Là một quốc gia nhỏ, chúng tôi có quan hệ tốt với người Mỹ, xét trên khía cạnh quan hệ quân sự, giáo dục, y tế, nhưng anh biết đấy, về chính trị thì không. Tuy nhiên, chúng tôi vui vẻ với sự hiện diện của họ”.
“Qatar tránh chạy đua vũ trang và chi tiêu cho quốc phòng. Mặc dù sự hiện diện của quân đội Mỹ trên lãnh thổ đã giúp Qatar phần nào đảm bảo an ninh nhưng ngoài Mỹ, Qatar còn duy trì quan hệ với Anh, Pháp và nhiều quốc gia khác”.
Doha giữ quan hệ hòa hảo với nhiều quốc gia và tổ chức, dù bản thân các quốc gia và tổ chức này có thể là thù địch của nhau. Ví dụ như Mỹ, Israel và phong trào Hồi giáo Hamas.
Lý giải về lập trường này, Quốc vương Qatar nói: “Đôi khi với các nước nhỏ, anh phải làm như vậy. Chính sách của chúng tôi là thân thiện với tất cả các bên. Chúng tôi tìm kiếm hòa bình. Điều đó không có nghĩa là nếu hai bên đối đầu thì chúng tôi phải chọn một. Không, chúng tôi muốn giữ quan hệ tốt với cả hai bên”.
Không để Mỹ dùng làm “đòn bẩy” đánh Iran
“Chúng tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện ủng hộ người Mỹ chống lại Iran hay Hezbollah. Chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi am hiểu khu vực của mình hơn người Mỹ”, Quốc vương Hamad chia sẻ. Trước tình huống giả định Mỹ tấn công Iran, Quốc vương Hamad thẳng thắn bày tỏ sự phản đối dù nước này là nơi Mỹ đặt căn cứ quân sự lớn nhất Trung Đông.
“Vậy Mỹ sẽ không thể sử dụng căn cứ của họ ở Qatar ư?” – phóng viên FT hỏi.
“Không. Theo thỏa thuận giữa chúng tôi và Mỹ, họ phải hỏi ý kiến chúng tôi. Nếu là Iran, chúng tôi sẽ không chấp nhận”, Quốc vương Hamad nói.
Quốc vương Hamad gặp Tổng thống Obama.
Ông cũng nói thêm rằng: “Là láng giềng với Iran, chúng tôi đã chung sống với họ suốt một thời gian dài và chúng tôi tin rằng cách tốt nhất là đối thoại. Người Mỹ nên đối thoại với Iran”.
Khi phóng viên FT nhận xét rằng Tổng thống Mỹ lúc ấy Barack Obama đã cố gắng tiếp xúc với Iran nhưng không nhận được phản hồi, Quốc vương Hamad chỉ nói: “Điều đó không có nghĩa là ông ấy không thể thử lại lần nữa.”.
Về phương án cấm vận, ông Hamad cho rằng: Cấm vận không đem lại tác dụng: “Hãy nhớ tới những gì xảy ra với Cuba. Cuba bị cấm vận suốt 50-60 năm. Dù vậy, họ vẫn có dịch vụ y tế và giáo dục tốt nhất khu vực Mỹ Latin”.
“Iran là một nước lớn, tiếp giáp với nhiều quốc gia. Nhiều người nghĩ cấm vận sẽ tác động tới Iran. Đúng là có ảnh hưởng tới một vài lĩnh vực nhưng câu hỏi đặt ra là: Liệu chúng ta muốn Iran hợp tác với thế giới, tuân thủ theo nguyên tắc hay dồn họ tới chân tường?”
“Đối với tôi Qatar là quan trọng nhất”
Chuyên gia Qatar Olivier Da Lage đánh giá: “Khi nắm quyền vào năm 1995, Quốc vương Hamad đặt mục tiêu đưa Qatar lên bản đồ thế giới bằng cách khai thác các mỏ khí đốt, việc mà cha ông đã không dám làm. Mười tám năm trôi qua, ông đã hoàn thành mục tiêu. Qatar đã đạt được sức mạnh về tài chính khiến các nước láng giềng và châu Âu phải tôn trọng”.
Quốc vương Hamad và Thủ tướng Hamad bin Jassim bin Jaber Al Thani khi còn đương nhiệm.
Về hướng đi của Qatar, Quốc vương Hamad cho hay:
“Qatar chúng tôi tập trung cho giáo dục, chăm sóc sức khỏe và đầu tư cả trong nước lẫn nước ngoài. Mục tiêu của chúng tôi là luôn sống trong hòa bình và tránh xa xung đột. Chúng tôi tập trung vào phát triển bền vững, dựa trên tầm nhìn với những cột trụ chính là: Phát triển con người, phát triển kinh tế, phát triển môi trường”.
Ông cũng chia sẻ bài học xương máu mình có được sau nhiều năm tháng trị vì đất nước:
“Trong quá khứ Qatar nổi tiếng với hoạt động đánh bắt trai lấy ngọc nhưng khi người Nhật phát minh ra ngọc trai nhân tạo, phải nói là việc ấy đã gây ra tình trạng nghèo đói ở Qatar. May mà lúc đó trong khu vực có một số công ty dầu khí ở Kuwait, Bahrain. Và người Qatar đã tới đó kiếm sống.
Khi tìm ra dầu mỏ, chúng tôi lại không nhớ tới bài học hồi còn đánh bắt ngọc trai – rằng cái nghèo vẫn có thể xảy đến.
Chúng tôi có dầu mỏ và đất nước dần đổi mới. Năm 1973, chiến tranh Israel, Syria và Ai Cập nổ ra, giá dầu lên tới 13 USD/thùng và bỗng nhiên chúng tôi thấy như đang ở thiên đường: Đâu đâu cũng là tiền. Chúng tôi không để dành cũng không có kế hoạch tử tế để dự trữ phần nào đó cho tương lai.
Dầu khí đã đem lại sự giàu có cho Qatar.
Thế rồi, chuyện này lại tiếp diễn và ta có cuộc chiến giữa Iraq và Iran. Tôi không thể nói đó là may mắn nhưng nhờ cuộc chiến, giá dầu lại tăng. Và rồi giá dầu giảm. Iraq xâm lược Kuwait và giá lại tăng. Sau đó lại giảm và tới lúc này thì chúng tôi phải vay tiền từ ngân hàng. Tôi còn nhớ rất rõ thời điểm ấy.
Thế nên chúng tôi quyết định tiết kiệm tiền và cố gắng đảm bảo cuộc sống cho thế hệ sau bằng cách phát triển giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao. Chúng tôi cố gắng đảm bảo rằng mình có tiền cho tương lai và mức sống có thể được duy trì như cũ. Chúng tôi đẩy mạnh đầu tư”.
Quốc vương Qatar Hamad bin Khalifa al-Thani
Nhờ những quyết định đầu tư đúng mực của Chính phủ, giờ đây người dân Qatar đã được hưởng một chế độ lương hào phóng khi làm việc trong các cơ quan công quyền, miễn phí chăm sóc sức khỏe, giáo dục và không phải đóng thuế.
Trở lại với cuộc phỏng vấn của FT năm 2010. Kết thúc bài phỏng vấn, phó tổng biên tập của FT đã hỏi Quốc vương Hamad một câu, rằng ông muốn mình được nhớ tới như thế nào. Và Quốc vương Qatar đã bất ngờ chia sẻ một câu chuyện cá nhân.
Ông kể rằng, trước đây, mẹ ông được bác sĩ cho là không thể có con và bất cứ đứa trẻ nào được sinh ra cũng đều sẽ chết. Trước khi chào đời, ông có một chị gái và người chị này qua đời khi còn nhỏ. Sinh ông được 2 ngày thì mẹ ông cũng mất.
Quốc vương Qatar nói rằng lúc đó ở Qatar chưa có bệnh viện tốt và mẹ ông đã phải mổ mà không được gây mê.
“Đó là cách tôi được sinh ra trên cuộc đời này và rồi tôi có quyền lực. Tôi làm nhiều việc, không phải để được nhớ đến. Hãy tin tôi, tôi chưa từng nghĩ tới chuyện đó, dù nhiều người thích được nghe những lời khen ngợi, nhưng với tôi, như tôi đã nói về thước đo, tôi làm tất cả là dành cho Qatar. Đối với tôi, Qatar là quan trọng nhất”.