BRICS đang nỗ lực phát triển một đồng tiền chung nhằm loại bỏ đô la Mỹ trong giao thương quốc tế.
Ông Binod Singh Ajatshatru, Giám đốc Viện BRICS tại New Delhi, Ấn Độ, cho biết BRICS có thể ra mắt đồng tiền chung của khối sớm nhất là vào năm 2027.
Trao đổi với Sputnik bên lề Diễn đàn Kinh tế quốc tế St. Petersburg (SPIEF) diễn ra tại Nga từ ngày 5-8/6, đại diện BRICS đến từ Ấn Độ cho biết khối này đang nỗ lực triển khai đồng tiền chung trong 3-4 năm tới, có thể là vào năm 2027.
“Để loại bỏ đồng đô la, chúng ta phải cho thấy tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ. Nếu Nga, Ấn Độ và Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng nhanh, có thể đến năm 2027 chúng ta sẽ có một đồng tiền chung”, ông Ajatshatru nói.
“Ấn Độ là một trong những thị trường phát triển nhanh nhất. Chúng tôi phải mua hàng từ ba đối tác thương mại khác nhau. Nếu thanh toán bằng đồng tiền BRICS, Ấn Độ có thể cắt giảm chi phí 40-50 tỷ USD mỗi năm”, ông nhận định.
Trong nhiều năm qua, BRICS đã nỗ lực phát triển một đồng tiền chung nhưng chưa ấn định ngày phát hành. Ý tưởng này đã trở nên mạnh mẽ hơn trong tháng qua khi nhiều quốc gia tìm cách loại bỏ đồng đô la Mỹ trong giao thương quốc tế. Cả Nga và Iran đều xác nhận hợp tác trong dự án tiền tệ BRICS vào tháng 5. Hơn nữa, Trung Quốc đang tích cực nghiên cứu một loại tiền kỹ thuật số thay thế, chẳng hạn như CBDC, nhằm phi đô la hóa.
BRICS cũng đang tìm cách mở rộng với sự gia nhập của các thành viên mới. Trong một bài viết trên tờ South China Morning Post, Đại sứ Nga tại Trung Quốc Igor Morgulov cho biết khoảng 30 quốc gia đang muốn gia nhập BRICS.
“Có khoảng 30 quốc gia muốn gia nhập BRICS. Vì vậy, chúng tôi đang xây dựng các cơ chế về quốc gia đối tác BRICS mới, đồng thời tích cực áp dụng các cơ chế tiếp cận và đối thoại BRICS+ để tương tác với các đối tác không thuộc BRICS”, ông Morgulov cho hay.
Đại sứ Nga cũng cho biết các thành viên BRICS đang tăng cường phối hợp trong các vấn đề toàn cầu. Khối cũng đang thúc đẩy hợp tác chống khủng bố, tham nhũng, buôn bán ma túy và tăng cường an ninh thông tin quốc tế.
Ông nói: “Khối cũng thúc đẩy thực hiện Chiến lược Đối tác Kinh tế BRICS 2025 qua việc củng cố chuỗi cung ứng, phát triển nền kinh tế kỹ thuật số, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, kích cầu du lịch và hợp tác trong lĩnh vực vận tải và hậu cần”.
BRICS đã chứng kiến hai làn sóng mở rộng kể từ khi thành lập vào năm 2006 với 4 nước thành viên, bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc. Năm 2011, Nam Phi gia nhập khối. Vào tháng 8/2023, sáu thành viên mới, trong đó có Argentina, đã được mời tham gia hiệp hội, nhưng Buenos Aires đã thay đổi quyết định vào cuối tháng 12 năm ngoái. Ngày 1/1/2024, năm thành viên mới là Ai Cập, Iran, UAE, Ả Rập Saudi và Ethiopia chính thức gia nhập nhóm.
Theo Tass, Sputnik India