Quản lý tài chính có nhất thiết phải ghi chép lại chi tiêu?

Với những giải đáp tới từ chuyên gia hi vọng sẽ giúp chị em biết được có nên rèn luyện thói quen ghi chép lại chi tiêu để quản lý tài chính hay không.

TIN MỚI

Bạn đang có bao nhiêu tiền?

Hôm qua bạn tiêu hết bao nhiêu?

Tình hình thu chi một tháng của bạn và gia đình thế nào?

Chắc chắn có không ít người sau khi đọc 3 câu hỏi trên, ngồi ngẩn ra một lúc vẫn không nghĩ ra được câu trả lời chính xác. Không ít người sẽ phải vội đi tìm lại các hóa đơn đã chi tiêu ngày hôm qua, hoặc lấy giấy bút ra viết lại thu nhập, chi tiêu của mình trong thời gian qua theo những gì còn sót lại trong trí nhớ.

Cũng có nhiều chị em thắc mắc rằng muốn quản lý tài chính tối ưu có nhất thiết phải ghi chép lại chi tiêu? Bởi với những người chưa từng áp dụng thì suy nghĩ việc làm này chắc sẽ tốn thời gian, khá rắc rối.

Để giải đáp vấn đề này, chúng ta cùng lắng nghe những phân tích của Chuyên gia tài chính Nguyễn Thu Giang, đang là Financial planner (Chuyên gia tài chính) của FiDT, để cùng trả lời được câu hỏi: Liệu có nên ghi chép lại chi tiêu để quản lý tài chính tốt hơn?

Quản lý tài chính có nhất thiết phải ghi chép lại chi tiêu? - Ảnh 1.

Vì sao phải ghi chép lại chi tiêu?

Chuyên gia tài chính Nguyễn Thu Giang lý giải đây là cách chúng ta trung thực với sức khỏe tài chính của mình. Việc này có thể liên hệ ví dụ giống với việc khám sức khỏe định kỳ. Có vài lý do chính tránh né việc đi khám: Người thì ngại mất nhiều chi phí, người thì không thu xếp được thời gian, có người sợ đi khám ra bệnh gì đó thì sẽ lo lắng không được yên. So sánh lý do sau cùng này, với việc chúng ta có bệnh mà không được phát hiện và chữa trị sớm thì cái nào nguy hiểm hơn?

Hiện nay việc ghi chép bằng app rất tiện, vì điện thoại lúc nào cũng “kè kè” ở tay, ngay sau khi rút tiền mặt (thẻ, app, ví điện tử) ra để chi tiền, chúng ta tiện tay mở app, điền con số vào, thế là xong. Nghe xong, bạn có còn ngại việc ghi chép lắt nhắt?

Bạn hãy nghĩ đến các công ty lớn, các tập đoàn đa quốc gia, họ không những phải ghi lại từng khoản thu chi, mà còn phải có chứng từ hợp lệ cho các khoản thu chi này nữa. Từ đó, để thấy việc ghi chép chi tiêu quan trọng như thế nào.

Quản lý tài chính có nhất thiết phải ghi chép lại chi tiêu? - Ảnh 2.

Vậy phải ghi chép như thế nào?

Đối với tài chính cá nhân, tối thiểu bạn phải ghi lại được sự biến đổi của tổng tài sản và ngân sách cá nhân. Ngân sách cá nhân chính là Sổ thu chi, tức là mỗi tháng ghi lại xem thu nhập bao nhiêu, chi phí hết bao nhiêu, cuối tháng tổng kết lại là dương (thặng dư) hay là âm (thâm hụt).

Khi giá trị là dương thì bạn được cộng số dư vào trong tổng tài sản. Còn khi bị âm, thì bạn phải dùng đến khoản tiết kiệm, hoặc phải đi vay để tiêu, cả 2 cách này đều làm cho tài sản ròng bị giảm.

Bạn có thể quản lý chi tiêu bằng 1 file excel hoặc dùng iPhone thì trên điện thoại có app Numbers dùng cũng như excel. Mỗi dòng tương ứng với 1 loại tài sản bạn đang có. Bạn liệt kê từng loại: tiền gửi ngân hàng, chứng chỉ quỹ trái phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ cổ phiếu, cổ phiếu, vàng, bất động sản… Nợ bắt buộc phải ghi, còn tài sản cá nhân (tiêu sản) thì có thể không ghi cũng được.

Nếu cảm thấy việc ghi chép bằng file excel quá phức tạp thì bạn cũng có thể sử dụng các app online trên điện thoại được xây dựng với các thao tác nhập đơn giản, hiệu quả. Hiện tại có rất nhiều app quản lý cho bạn lựa chọn.

Quản lý tài chính có nhất thiết phải ghi chép lại chi tiêu? - Ảnh 3.

Bạn có thể quản lý chi tiêu bằng 1 file excel. Một ví dụ về file excel ghi chép chi tiêu hàng tháng được Chuyên gia tài chính Nguyễn Thu Giang gợi ý cho các gia đình tham khảo.

Quản lý tài chính có nhất thiết phải ghi chép lại chi tiêu? - Ảnh 4.

Hoặc sử dụng app ghi chép chi tiêu online đơn giản, hiệu quả trên điện thoại.

Lợi ích của việc ghi chép chi tiêu

Theo dõi tài sản ròng theo thời gian cho phép bạn đánh giá sự tiến bộ của bản thân, làm nổi bật những thành công và xác định các lĩnh vực cần cải thiện. Khi bạn có dòng tiền dương đều đặn, bạn sẽ thấy tài sản ròng tăng lên theo thời gian và điều này tạo động lực rõ rệt cho việc tiết kiệm, tích lũy.

Ghi chép bằng sổ thu chi, bạn sẽ có cho mình một báo cáo xem đã chi tiêu những gì. Đó là Needs (Nhu cầu) hay là Wants (Mong muốn). Nôm na khoản chi đó chất lượng hay không, hợp lý hay không hay xếp loại tiêu hoang. Sau ít nhất 1 tháng ghi lại thì bạn có thể lập kế hoạch chi tiêu, đặt hạn mức cho từng khoản, cải thiện, điều chỉnh những mục mà bạn thấy mình làm chưa tốt.

Nếu thu nhập được cải thiện, chúng ta hay mắc phải “lạm phát lối sống”, tức là thu nhập tăng lên thì chi tiêu cũng tăng lên, tỷ lệ tiết kiệm không thay đổi. Ai đặt mục tiêu tự do tài chính thì sẽ thấy đường vẫn xa y như cũ. Bằng việc ghi chép, phân biệt giữa nhu cầu và mong muốn sẽ giúp chúng ta tránh cái bẫy này, rút ngắn thời gian nếu như mục đích là tự do tài chính, hoặc một mốc nào đó về tổng tài sản có gắn với thực tế chi tiêu.

Đọc đến đây, bạn đã thấy được những lợi ích từ việc ghi chép chi tiêu hàng ngày chưa? Hãy bắt đầu ghi chép ghi tiêu hàng ngày ngay từ hôm nay nếu bạn chưa có thói quen này. Còn những bạn nào đã có thói quen này rồi thì hãy giữ vững và rèn luyện kĩ năng này tốt hơn.

Hy vọng rằng phần tư vấn của chuyên gia tài chính Nguyễn Thu Giang sẽ hữu ích đối với những người còn phân vân chưa biết sự quan trọng của việc ghi chép chi tiêu. Áp dụng đúng và tạo thành thói quen thì ghi chép chi tiêu sẽ giúp bạn và tài chính của bản thân được cải thiện hơn nhiều.

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin