Các hoạt động liên quan đến tài sản mã hóa, tài sản ảo, tiền ảo cũng không ngừng biến đổi, phát triển ngày càng đa dạng. Việc đề xuất phương án quản lý đối với tài sản mã hóa, tài sản ảo, tiền ảo cũng đòi hỏi phải đánh giá kỹ lưỡng khả năng quản lý, giám sát của cơ quan quản lý tại Việt Nam.
Đó là thông tin được đại diện Bộ Tài chính cho biết tại họp báo thường kỳ quý I, chiều 29/3.
Ông Phạm Hồng Sơn – Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước – cho biết, tài sản mã hóa, tài sản ảo , tiền ảo là những sản phẩm của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ứng dụng các công nghệ tiên tiến. Các hoạt động liên quan đến tài sản mã hóa, tài sản ảo, tiền ảo cũng không ngừng biến đổi, phát triển ngày càng đa dạng.
“Sau khi thống nhất bản chất, khái niệm của tài sản mã hóa, tài sản ảo, tiền ảo, các bộ, ngành trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ sẽ hoàn thiện khung pháp lý cho sản phẩm này (nếu có). Kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy, các nước vẫn đang có cách cách tiếp cận khác nhau đối với hoạt động này”, ông Sơn nói.
Theo lãnh đạo Ủy ban chứng khoán nhà nước, việc nghiên cứu, đề xuất phương thức quản lý hoạt động liên quan đến tài sản mã hóa, tài sản ảo, tiền ảo là một nhiệm vụ khó khăn, đòi hỏi nguồn nhân lực, thời gian. Việc đề xuất phương án quản lý đối với tài sản mã hóa, tài sản ảo, tiền ảo cũng đòi hỏi phải đánh giá kỹ lưỡng khả năng quản lý, giám sát của cơ quan quản lý tại Việt Nam.
Ngày 29/3, bitcoin – đồng tiền số lớn nhất thế giới ở mức 70.475 USD/bitcoin, mức cao nhất trong 3 năm qua.
Đầu năm nay, Chính phủ ban hành Quyết định số 194/QĐ-TTg về kế hoạch hành động quốc gia thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Trong đó, Bộ Tài chính được giao phối hợp với bộ ngành liên quan xây dựng bộ khung pháp lý để quản lý tài sản ảo vào tháng 5/2025; Đồng thời, chứng minh việc thực thi khung pháp lý gồm: nâng cao hiểu biết của cơ quan quản lý, giám sát hiểu rõ rủi ro của khu vực này.
Theo Ngân hàng Nhà nước, tiền ảo, tài sản ảo (hay còn gọi là tiền thuật toán) như bitcoin, không phải là đồng tiền pháp định do ngân hàng Trung ương các nước phát hành mà do các tổ chức, cá nhân tạo ra bằng các thuật toán trên mạng máy tính.
Các loại tiền ảo phổ biến hiện nay như Bitcoin, Ethereum… Chính phủ từng giao Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, thí điểm tiền ảo, nhằm ngăn ngừa rủi ro rửa tiền, hệ thống ngân hàng.