Cơ quan thẩm tra nhấn mạnh đến việc nghiên cứu quy định yêu cầu, điều kiện về phòng cháy chữa cháy (PCCC) phù hợp với từng loại hình cơ sở trên từng địa bàn, nhất là loại hình nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, trong đó cần quy định cụ thể về yêu cầu thiết kế, lắp đặt hệ thống điện.
Sáng 19/6,
Thượng tướng Lương Tam Quang
, Bộ trưởng Bộ Công an đại diện Chính phủ trình Quốc hội tờ trình dự án
Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Bộ trưởng Lương Tam Quang cho biết, dự thảo bổ sung quy định về hoạt động cứu nạn cứu hộ (CNCH) đối với những sự cố, tai nạn xảy ra trong đời sống hằng ngày có tác động trực tiếp, làm hạn chế quyền con người, quyền công dân và theo quy định của Hiến pháp năm 2013 phải được quy định trong văn bản luật.
Qua đó góp phần bảo đảm cơ sở pháp lý theo đúng quy định của Hiến pháp để lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH thực hiện nhiệm vụ, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.
Đồng thời đáp ứng yêu cầu thực tiễn khách quan và khắc phục hạn chế, vướng mắc, bất cập của pháp luật hiện hành, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; tăng cường công tác
quản lý nhà nước về PCCC
trong tình hình mới.
Theo Bộ trưởng Lương Tam Quang, dự thảo luật bên cạnh việc kế thừa đã bổ sung các quy định mới để khắc phục những vướng mắc, bất cập hiện nay và đáp ứng yêu cầu thực tiễn về hoạt động phòng cháy.
Dự thảo cũng quy định cụ thể hơn trách nhiệm, yêu cầu trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh phải bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy và nâng cao hơn nữa yêu cầu, trách nhiệm trong việc quản lý, cung ứng, sử dụng điện và thiết bị điện có liên quan đến
cháy
, nổ.
“Dự thảo Luật đã bỏ các nội dung hiện đã được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật hoặc trong các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật có liên quan để bảo đảm đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật”, ông Lương Tam Quang nêu.
Quy định loại hình
nhà ở kết hợp sản xuất
, kinh doanh
Thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh (QPAN) Lê Tấn Tới cho biết, Ủy ban QPAN cơ bản nhất trí sự cần thiết ban hành luật với những lý do đã được Chính phủ nêu.
Theo ông Lê Tấn Tới, một số ý kiến đề nghị nghiên cứu, bổ sung đầy đủ, cụ thể hơn các quy định về hoạt động cứu nạn cứu hộ (CNCH) nhằm tăng tính minh bạch của luật, bảo đảm phân định rõ với hoạt động phòng thủ dân sự, hoạt động phòng, chống thiên tai theo quy định của pháp luật hiện hành.
Đồng thời cần cân nhắc quy định về CNCH trong đám cháy vì cho rằng việc CNCH khi có cháy là một biện pháp trong hoạt động chữa cháy, được thực hiện theo quy trình khác với các hoạt động CNCH khác.
Dự thảo cần quy định rõ ràng hơn về người chỉ huy CNCH trong trường hợp lực lượng Công an nhân dân chưa có mặt tại nơi xảy ra sự cố, tai nạn; quy định về quan hệ phối hợp trong hoạt động CNCH; đồng thời, rà soát kỹ nội dung để thống nhất với quy định về chỉ huy lực lượng phòng thủ dân sự.
Cơ quan thẩm tra đề nghị tiếp tục rà soát quy định của pháp luật hiện hành để sắp xếp, bố trí lực lượng PCCC và CNCH hợp lý theo yêu cầu nhiệm vụ, không làm phát sinh tổ chức bộ máy, không chồng chéo trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ giữa các lực lượng, các chủ thể trong quản lý hoạt động PCCC và CNCH.
Liên quan đến hoạt động phòng cháy, Ủy ban QPAN đề nghị xác định rõ hơn cách thức áp dụng tiêu chuẩn, điều kiện đối với từng loại công trình, dự án; phân loại rõ công trình cải tạo đến mức nào thì mới phải có giải pháp, thiết kế PCCC; rà soát, thống nhất các quy định liên quan đến thẩm quyền, trách nhiệm, trình tự, thủ tục, phân công phối hợp trong thẩm tra, thẩm định, nghiệm thu, kiểm tra kết quả nghiệm thu về PCCC.
Cùng với đó, cân nhắc quy định giao trách nhiệm “tổ chức nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy” cho chủ đầu tư dự án, công trình, chủ phương tiện giao thông cơ giới; tiếp tục đánh giá kỹ tác động của các quy định về
điều kiện an toàn PCCC đối với nhà ở, phương tiện giao thông cơ giới
.
Cơ quan thẩm tra cũng nhấn mạnh đến việc nghiên cứu quy định yêu cầu, điều kiện về PCCC phù hợp với từng loại hình cơ sở trên từng địa bàn, nhất là loại hình nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, trong đó cần quy định cụ thể về yêu cầu thiết kế, lắp đặt hệ thống điện; nghiên cứu bổ sung quy định về
quản lý phương tiện giao thông chạy bằng điện
.