Quy định mới về phân loại nợ và trích lập dự phòng sẽ tác động thế nào tới các ngân hàng?

Một trong những thay đổi là tần suất phân loại nợ và trích lập dự phòng được tăng từ “tối thiểu hàng quý” lên “tối thiểu hàng tháng”.

TIN MỚI

Mới đây, NHNN đã ban hành Thông tư 11/2021/TT-NHNN (Thông tư) về phân loại nợ và trích lập dự phòng, Thông tư có hiệu lực từ ngày 1/10/2021. 

Một trong những thay đổi là tần suất phân loại nợ và trích lập dự phòng được tăng từ “tối thiểu hàng quý” lên “tối thiểu hàng tháng”. 

Cụ thể, theo quy định cũ tại Thông tư 02 và 09, ít nhất mỗi quý một lần, trong vòng 15 ngày đầu tiên của quý, ngân hàng phải tự phân loại nợ và cam kết ngoại bảng, trích lập dự phòng tương ứng và gửi kết quả cho CIC. CIC sẽ tổng hợp thông tin từ các ngân hàng và gửi cho ngân hàng danh sách khách hàng đang được xếp hạng theo nhóm nợ cao nhất trong vòng 3 ngày.

Các ngân hàng sẽ phân loại lại nợ và cam kết ngoại bảng, theo hướng dẫn của CIC, trong vòng 5 ngày sau khi nhận được kết quả của CIC.

Trong khi đó, theo Thông tư 11, ít nhất mỗi tháng một lần, trong vòng 7 ngày đầu tháng, ngân hàng phải tự phân loại nợ và cam kết ngoại bảng, trích lập dự phòng tương ứng và gửi kết quả cho CIC. CIC sẽ tổng hợp thông tin từ các ngân hàng và gửi cho ngân hàng danh sách khách hàng đang được xếp hạng theo nhóm nợ cao nhất trong vòng 3 ngày.

Các ngân hàng sẽ phân loại lại nợ và cam kết ngoại bảng, theo hướng dẫn của CIC, trong vòng 3 ngày sau khi nhận được kết quả của CIC.

Theo chuyên gia phân tích của Chứng khoán SSI, quy định mới này cho phép ngân hàng xử lý sự suy giảm chất lượng tín dụng tích cực hơn và sớm hơn. 

Tuy nhiên, trên thực tế trước khi có thông tư mới, hầu hết các ngân hàng mà SSI nghiên cứu dường như đã phân loại dư nợ và trích lập dự phòng theo tháng. Dù vậy, theo quan điểm của SSI, Thông tư này đóng vai trò là một văn bản để đảm bảo cho cả ngành áp dụng các tiêu chuẩn giống nhau. Do đó, Thông tư này sẽ không dẫn đến sự thay đổi đáng kể trong việc quản lý rủi ro ngân hàng.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng Thông tư 11 không áp dụng đối với các ngân hàng được giám sát đặc biệt. 

“Chúng tôi nhận thấy có một ngoại lệ đối với việc phân loại nợ/tiền gửi được sử dụng để hỗ trợ các ngân hàng cụ thể trong tình trạng giám sát đặc biệt. Những ngoại lệ này cũng có thể áp dụng cho các ngân hàng sẵn sàng hỗ trợ các ngân hàng đang chịu sự giám sát đặc biệt, có khả năng tạo điều kiện để xử lý các ngân hàng “0 đồng””, SSI cho biết. 

Nhìn chung, Thông tư này đưa ra khung pháp lý chặt chẽ hơn để phân loại nợ và trích lập dự phòng.

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin