Tại Hội nghị phản biện xã hội Dự thảo Quyết định của UBND TP.HCM ban hành quy định về điều kiện tách thửa đất, điều kiện hợp thửa đất và diện tích tối thiểu được tách thửa trên địa bàn Thành phố, do Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM tổ chức sáng 7/5, nhiều ý kiến chưa thống nhất về thời điểm ban hành, nội dung Dự thảo quy định về điều kiện tách thửa đất, diện tích tối thiểu được tách.
Nhiều ý kiến tại hội nghị cho rằng, Quyết định 60 ngày 5/12/2017 của UBND TP.HCM quy định về diện tích tối thiểu được tách thửa góp phần ngăn chặn, hạn chế được vấn nạn phân lô bán nền trái phép trên địa bàn Thành phố. Tuy nhiên, thực tế cũng đang cho thấy một số bất cập, gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi hợp pháp của người dân.
Vì vậy, việc soạn thảo Dự thảo Quyết định mới về điều kiện tách thửa đất, hợp thửa đất và diện tích tối thiểu được tách thửa trên địa bàn TP.HCM là cần thiết, đáp ứng nhu cầu có thật của người dân, có cơ chế ngăn chặn kịp thời tình trạng phân lô bán nền trái pháp luật hiện nay.
Tuy nhiên, theo các đại biểu, Dự thảo Quyết định vẫn còn nhiều nội dung chưa thể hiện hết tinh thần của Luật Đất đai. Cụ thể, theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM, tại Khoản 1 Điều 3 Dự thảo Quyết định quy định: “Các thửa đất trước và sau khi tách thửa đều phải tiếp giáp với đường giao thông đã được cơ quan có thẩm quyền công bố”. Trong khi đó, Điểm d Khoản 1 Điều 220 Luật Đất đai 2024 quy định: “Việc tách thửa đất, hợp thửa đất phải bảo đảm có lối đi; được kết nối với đường giao thông công cộng hiện có; bảo đảm cấp nước, thoát nước và nhu cầu cần thiết khác một cách hợp lý…” và việc quy định “các thửa đất trước khi tách thửa” là nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Quyết định.
Bà Ngô Thị Bích Ngọc, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho rằng, Dự thảo quy định điều kiện phù hợp với quy hoạch chi tiết 1/500 là không có tính khả thi. Hiện nay, tại TP.HCM, quy hoạch tỷ lệ 1/500 chỉ được lập cho các cụm, khu công nghiệp tập trung, các dự án đầu tư lớn của các doanh nghiệp. Các hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu tách thửa đất sẽ không có khả năng thực hiện quy định này.
Luật sư Trương Thị Hòa, Đoàn Luật sư TP.HCM đề nghị cơ quan soạn thảo Dự thảo nghiên cứu những điều khoản liên quan đến việc phân loại đất và chứng nhận quyền sử dụng đất phù hợp với quy định của Luật Đất đai 2024 để đảm bảo tính khả thi khi Quyết định được áp dụng trên thực tế.
Nhiều ý kiến cũng mong muốn UBND TP.HCM trên cơ sở thẩm quyền của mình nên chờ khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực mới ra Quyết định thì sẽ đảm bảo sự phù hợp về mặt pháp luật, tính thống nhất của pháp luật.
Bà Hoàng Thị Lợi, Phó Chủ tịch không chuyên trách Ủy ban MTTQ Quận 1, TP.HCM cho biết: “Dự thảo lần này so với Quyết định 60 ban hành năm 2017 hướng dẫn thực hiện Nghị định của Chính phủ về đất đai cũng tương đối không có vấn đề gì. Tuy nhiên, Luật đất đai 2024 ngày 1/1/2025 mới có hiệu lực và Chính phủ đang soạn thảo một số Nghị định và Bộ Tài nguyên Môi trường đang soạn thảo một số thông tư hướng dẫn, nên chăng TP chờ để ra những quyết định phù hợp với luật mới, khỏi phải sửa đi sửa lại”.