Được phê duyệt từ tháng 4/2022, nhưng theo tìm hiểu của phóng viên, cần thêm nhiều thời gian để triển khai Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng ở thực địa…
Khó chạm vào nước sông Hồng
Chiều muộn, khu vực quanh kênh dẫn nước ra sông Hồng giáp ranh giữa phường Yên Sở (quận Hoàng Mai) và xã Yên Mỹ (huyện Thanh Trì) khá đông người đi dạo, hóng gió và câu cá. Anh Xuân Tùng, nhà ở phường Yên Sở, chia sẻ, thỉnh thoảng trời nóng, anh chạy xe máy ven theo đường cạnh Trường bắn Yên Sở để ra ngắm sông Hồng .
“Con mình còn nhỏ, muốn nhìn tàu thuyền qua lại trên sông. Lên cầu thì nguy hiểm, mà tìm đường để ra sát mép sông Hồng cũng khó. Mình lần mò mãi mới tìm được địa điểm này, vừa ngắm sông Hồng được, vừa đáp ứng nguyện vọng cho con”, anh Tùng nói.
Khác với anh Tùng, ông Thanh, dù nhà ở xã Yên Mỹ, ngay cạnh sông Hồng, nhưng để ra hóng gió buổi chiều, cũng chỉ còn cách đi theo kênh dẫn nước đổ ra sông Hồng. “Kể như có đường dạo ven sông Hồng thì người dân rất ủng hộ. Chúng tôi đã mong chờ nhiều năm, nhưng đến nay vẫn chưa thấy tín hiệu gì”, ông Thanh nói.
Theo khảo sát của phóng viên Tiền Phong, dọc khu vực giáp sông Hồng ở phường Yên Sở (quận Hoàng Mai) và xã Yên Mỹ (huyện Thanh Trì), rất ít điểm có thể tiếp cận mặt nước sông Hồng. Hầu như khu vực giáp sông hiện có cây cối mọc um tùm. Một số khu vực khác hiện là địa điểm kinh doanh, sản xuất của một số đơn vị, doanh nghiệp. Nhiều nơi, chính quyền địa phương phải đặt biển báo cấm người dân, doanh nghiệp đổ rác thải.
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, đại diện lãnh đạo xã Yên Mỹ cho biết, đến nay, Quy hoạch sông Hồng chưa được triển khai cụ thể đến cấp phường, xã.
“Cũng có nhiều người hỏi về việc bao giờ thực hiện quy hoạch sông Hồng, tuy nhiên, đến thời điểm này chưa thực hiện gì trên thực địa, nên chưa thay đổi được diện mạo bờ sông Hồng. Chúng tôi cũng đã liên hệ với cơ quan chức năng của huyện phối hợp rà soát theo quy hoạch để chuẩn bị thực hiện”, đại diện lãnh đạo xã Yên Mỹ thông tin.
Trong thời gian chờ đợi quy hoạch triển khai, việc quản lý công trình xây dựng trên địa bàn đất khu vực ngoài đê vẫn theo quyết định cũ của thành phố, đảm bảo nguyên trạng, không xây mới.
Người dân Hà Nội hiện khó tiếp cận sông Hồng. Ảnh: Trường Phong
Người dân rất mong chờ
Mới đây, nhằm tháo gỡ khó khăn trong cấp phép xây dựng công trình nhà ở riêng lẻ tại các khu dân cư hiện có trên bãi sông khác theo chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội, Sở Xây dựng có văn bản đề nghị UBND quận, huyện, thị xã khẩn trương rà soát, thống kê, lập danh mục khu dân cư tập trung hiện có trên bãi sông. Đồng thời, nêu rõ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình cấp phép xây dựng công trình nhà ở riêng lẻ tại khu vực này (cấp phép xây dựng chính thức, cấp có thời hạn, không cấp phép xây dựng). Kiến nghị, đề xuất giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong việc cấp phép xây dựng công trình nhà ở riêng lẻ tại khu vực dân cư hiện có trên bãi sông thuộc địa bàn quản lý.
Theo tìm hiểu của phóng viên, các quận, huyện đã có báo cáo gửi lên chờ ý kiến phản hồi từ thành phố.
Mới đây, tại hội nghị tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp Quốc hội, cử tri nhiều quận, huyện kiến nghị đẩy nhanh tiến độ thực hiện Quy hoạch sông Hồng. Đáng chú ý, nhiều ý kiến cho rằng, nên kè bờ sông Hồng và làm đường dạo như ở Hồ Tây để tạo cảnh quan và tránh lấn chiếm lòng sông.
Là phường có diện tích đất ngoài đê sông Hồng lớn nhất quận Hoàng Mai, ông Tạ Việt Dũng, Chủ tịch UBND phường Lĩnh Nam, cho biết, nhiều năm qua, khi Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng chưa được phê duyệt, việc quản lý và sử dụng đất ngoài đê gặp rất nhiều khó khăn, bất cập.
Phường có tới 335 ha đất ngoài đê, trong đó hơn 60ha là khu dân cư hiện hữu. Từ năm 2016 đến nay, việc tạm dừng cấp phép xây dựng đã gây nhiều khó khăn và bức xúc cho cuộc sống người dân vùng bãi. Nhiều hộ dân gặp khó trong việc cải tạo, sửa chữa nhà cửa, chăm lo đời sống cho gia đình, con cái.
“Có nhiều gia đình có con cái xây dựng gia đình nhưng không được phép xây dựng thêm nhà cửa, phải sống chung trong diện tích chật chội, nhỏ hẹp nên rất mong muốn sớm triển khai quy hoạch”, ông Dũng nói.
Khi Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng được phê duyệt, theo ông Dũng, phường Lĩnh Nam có một thuận lợi là khu dân cư hiện hữu theo quy hoạch đều được giữ ổn định, tạo tâm lý yên tâm cho người dân. Khi quy hoạch được triển khai, dự kiến sẽ mang lại bộ mặt mới cho đời sống kinh tế – xã hội trên địa bàn.
“Quy hoạch 1/5.000 mà thành phố phê duyệt sẽ là tiền đề để lập ranh giới khu dân cư hiện hữu tỷ lệ 1/500 và các khu dự án tỷ lệ 1/2.000 trên quỹ đất còn lại. Việc này sẽ làm ổn định đời sống dân sinh cũng như thuận lợi rất lớn cho công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng”, ông Dũng nói.
Theo ông, các khu đất còn lại sau khi xác định khu dân cư hiện hữu chủ yếu được quy hoạch là các khu công viên, cây xanh, thương mại, dịch vụ… nhằm khai thác triệt để cảnh quan của sông Hồng và phát triển bền vững kinh tế địa phương theo hướng xanh sạch đẹp.
“Bên cạnh đó, quy hoạch yêu cầu chỉ bố trí tối đa 5% diện tích phát triển khu ở mới, chủ yếu phục vụ công tác tái định cư cho người dân khi thu hồi đất triển khai hạ tầng kỹ thuật cũng như các dự án thành phần sẽ không gây quá nhiều áp lực dân số lên địa bàn”, ông Dũng nói.
Xem xét điều chỉnh quy hoạch phòng chống lũ
Mới đây, Bộ NN&PTNT chủ trì hội nghị về việc rà soát, đề xuất điều chỉnh quy hoạch tại Quyết định số 257 ngày 18/2/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch phòng, chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình (Quyết định 257) với 15 tỉnh, thành phố thuộc phạm vi quy hoạch.
Lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho biết, đã giao Tổng cục Phòng, chống thiên tai phối hợp 15 tỉnh, thành phố nằm trong Quy hoạch phòng, chống lũ và Quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình rà soát, đưa khu dân cư hiện có vào quy hoạch điều chỉnh.
Tổng cục Phòng, chống thiên tai nghiên cứu, đề xuất giải pháp tạo thuận lợi cho các địa phương thực hiện 131 bãi sông đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng. Trên cơ sở đó, Bộ NN&PTNT sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo triển khai các bước tiếp theo…