Dù các cấp, các ngành đều biết, được đề cập nhiều nhưng năm tháng trôi qua, quy hoạch treo vẫn “trơ cùng tuế nguyệt”, gây lãng phí.
Quy hoạch “treo”, dự án “treo”: Người dân vất vả, nguồn lực lãng phí
Đó là phát biểu của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Hận (đoàn Cà Mau) tại phiên thảo luận ở hội trường về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Phát biểu của vị đại biểu được xem là có tâm, dám nói thật và như chạm đúng “chỗ ngứa” của vấn đề quy hoạch đất đai bấy lâu nay.
Dù được xác định là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế, tuy nhiên, công tác quản lý đất đai thời gian qua ở nhiều nơi được nhận định còn tùy tiện, nhiều sai sót, lãng phí và không hiệu quả.
Những sai phạm về đất đai là chủ đề nóng suốt nhiều năm qua. Nhiều cán bộ là cựu lãnh đạo các tỉnh, thành phố đã thụ án vì có liên quan đến vấn đề này. Thế nhưng, có những hệ lụy để lại từ những sai phạm đất đai đến thời điểm này vẫn chưa thể tháo gỡ.
Có cả ngàn dự án trên cả nước vướng thanh tra chưa thể giải quyết xong nên đang bỏ hoang. Cũng có dự án liên quan đến các bản án có hiệu lực nhưng cơ quan chức năng lại bất lực, không thể thi hành theo bản án… Ngay tại thành phố Đà Nẵng, trong khi địa phương này rất cần nguồn lực đất đai để phát triển kinh tế, nhưng diện tích bỏ hoang ngày một tăng lên, và không biết còn kéo dài đến bao giờ.
Dưới góc nhìn của cử tri nhân dân, một bộ phận cử tri đặt câu hỏi: “Quy hoạch dự án đã kéo dài nhiều năm như vậy, khi nào thực hiện? Đất đai của chúng tôi được cấp giấy hẳn hoi nhưng không làm gì được, thử hỏi đặt nhà nước, chính quyền là gia đình tôi, thì làm sao?”
Những câu câu hỏi của cử tri chắc chưa thể có ngay câu trả lời. Bởi thời gian qua dù các cấp, các ngành đều biết, được đề cập nhiều nhưng năm tháng trôi qua, quy hoạch treo vẫn “trơ cùng tuế nguyệt”, nội dung “biết rồi, nói mãi nhưng không nói không được” gây lãng phí.
Nhà dân ở Hẻm 32, đường Đinh Tiên Hoàng, TP. Vĩnh Long xuống cấp, nhưng người dân không dám sửa, vì vướng quy hoạch.
Trên nghị trường, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Hận xót xa: “Ông bà ta có câu “tấc đất, tất vàng”, nhiều dự án treo, hàng tỉ tấc đất bỏ hoang thì lãng phí bao nhiêu tấc vàng. Trong khi hàng nghìn ha đất bỏ hoang, bỏ không do chưa triển khai quy hoạch thì hàng chục nghìn hộ dân không có đất để ở, phải ở tạm gầm cầu ven sông nơi không an toàn và luôn tiềm ẩn các rủi ro ngày đêm rình rập”.
Thực tế không mấy vui đó là, đã hơn 30 năm khai thác đất đai để phát triển đô thị, nhưng chúng ta vẫn chưa làm được một điều phải làm, đó là hài hòa lợi ích, trong đó, ưu tiên cho lợi ích của nhân dân, nhất là người dân bị mất đất. Nhiều quyết định về quy hoạch, về đền bù, tái định cư ở địa phương đã gây thiệt thòi và bất công cho lợi ích của người dân, trong khi đó lại giúp cho các chủ dự án hưởng lợi lớn. Thủ Thiêm là một ví dụ, nhưng còn rất nhiều “Thủ Thiêm khác” với quy mô lớn nhỏ ở nhiều tỉnh, thành khác.
Quy hoạch treo, dự án treo cũng là hiện tượng không phải cá biệt, có trường hợp kéo dài trên hai mươi năm, gây nhiều thống khổ cho người dân. Những sai phạm, thiếu sót trong quản lý, sử dụng đất đai đô thị gây bức xúc mạnh, làm xói mòn niềm tin của người dân.
Nhìn rộng ra, có những quốc gia thành công, biến đất nước họ thành những đô thị và những làng mạc đáng sống cho người dân, và đó là điều kiện để phát triển bền vững. Không ít quốc gia ở các châu lục đã thất bại trong việc này, nguồn lực không còn nữa, sai lầm thì không sửa chữa được.
Ví dụ như ở Trung Quốc rất thành công với việc quy hoạch phát triển vùng ven biển. Bởi ven biển nhiều lợi thế, đầu tư vào đấy tốn ít mà lợi nhiều. Lúc còn nghèo thì phải như thế đã. Lúc thịnh vượng rồi, họ mới vào phía Tây, đưa Trùng Khánh làm trung tâm phát triển miền Tây. Và bây giờ Trùng Khánh là điểm nối hành lang đông và tây. Hành lang quan trọng nhất của họ là dọc sông Trường Giang, đi từ ven biển vào sâu trong nội địa. Họ phát triển có thứ tự, từng giai đoạn. Vùng nào chưa đến lúc thì phải chờ để chính quyền trung ương tập trung nguồn lực cho những vùng ưu tiên.
Trở lại với vấn đề, hiện nay việc đầu tư dàn trải và phân tán – như cách Đảng, Chính phủ hay nói – chính là nhược điểm của chúng ta. Cứ hình dung như một bàn tay, hễ năm ngón xoè ra thì không vác được cái gì, chỉ khi tụ lại thành nắm đấm mới mạnh. Xoè hay nắm phụ thuộc vào chỉ đạo của trung ương nhưng thời gian qua, khâu chỉ đạo, giám sát của trung ương chưa tốt, chưa có thể chế rõ ràng. Luật Quy hoạch đang được nghiên cứu, soạn thảo là một cách để sửa chữa, điều chỉnh những thiếu sót trên.
Song song, chính sách pháp luật đất đai hiện còn nhiều bất cập, trong đó có vấn đề về thị trường bất động sản, việc xác định giá trị quyền sử dụng đất, công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch đất đai, tình trạng tách thửa, phân lô, bán nền, đầu cơ đất đai không đưa đất vào sử dụng đúng mục đích… gây lãng phí nguồn lực đất đai.
Một nguyên nhân rất căn bản đã trực tiếp hoặc gián tiếp dẫn đến các hạn chế, tồn tại trong thời gian qua đó là trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quy hoạch quản lý sử dụng đất đai triển khai nhiều dự án, có những quy định, có cấp chính quyền, cơ quan và một bộ phận cán bộ công chức, viên chức và nhà đầu tư tại một số địa phương, một số dự án chưa coi trọng đúng mức đến quyền và lợi ích chính đáng hợp pháp của người dân và của nhân dân.
Trong khi đó, một bộ phận cán bộ, công chức tham nhũng đã tạo điều kiện, tiếp tay cho các nhóm lợi ích tiêu cực, các cá nhân xấu lũng đoạn quy trình pháp lý, làm thiên lệch cán cân lợi ích, đặc biệt là xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của rất nhiều tầng lớp nhân dân ở các vùng miền; gây thiệt hại, tổn thất lớn cho lợi ích xã hội mà nhà nước là đại diện. Đây là nguyên nhân chính của nhiều vấn nạn, sai phạm trong quản lý và sử dụng đất đai ở đô thị.
Có thể nói, đã quy hoạch là mất tiền, mất thời gian, tốn công nên phải làm thế nào cho thật sự hiệu quả. Quy hoạch ít mà tinh còn hơn nhiều mà lộn xộn, chẳng có giá trị gì hoặc quy hoạch xong rồi “treo”.
Vì thế, để hạn chế tình trạng để đất hoang hóa, nhiều diện tích đất chưa hoặc không sử dụng trong thời gian dài, phải cương quyết thu hồi những dự án không triển khai, chậm triển khai, có dấu hiệu găm đất và các quy hoạch treo ở các địa phương, đặc biệt là các quỹ đất có liên quan đến an ninh quốc phòng nhiều năm bị lấn chiếm, không đưa vào sử dụng thì cương quyết thu hồi để giao cho địa phương phát triển kinh tế xã hội.
Cuối cùng xin dẫn lời tâm huyết của Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa: “Chúng ta hãy học tập những ví dụ tốt, nhưng muốn vậy, chúng ta phải có những nhà lãnh đạo có tầm nhìn hàng trăm năm, những cán bộ, công chức biết hành động và quyết định vì những lợi ích cao hơn cái ghế và túi tiền của mình”.