(VNF) – Lũy kế 9 tháng, Vinacafé Biên Hòa (VCF) báo lãi sau thuế 287 tỷ đồng, giảm 6% so với cùng kỳ.
Công ty cổ phần Vinacafé Biên Hòa (HoSE:VCF) vừa công bố báo cáo tài chính quý III với doanh thu thuần đạt hơn 605 tỷ đồng, tăng 10,5% so với cùng kỳ.
Trong kỳ, chí phí tài chính ở mức 2,8 tỷ đồng, tăng 40%; chi phí bán hàng ở mức 1,5 tỷ đồng, tăng 87%;chi phí quản ký doanh nghiệp ơpr mức 5,1 tỷ đồng, giảm nhẹ 9% so với cùng kỳ. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận sau thuế đạt 100,5 tỷ đồng, giảm 10,2%.
Giải trình về lợi nhuận giảm sút, Vinacafé Biên Hòa cho biết do chi phí đầu vào tăng cao.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, Vinacafé ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.667 tỷ đồng, tăng 8,1% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 287,3 tỷ đồng, giảm 6,4%.
Năm 2024, Vinacafé Biên Hòa xây dựng kế hoạch kinh doanh theo hai kịch bản. Với kịch bản thận trọng, doanh nghiệp đặt mục tiêu doanh thu 2.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 470 tỷ đồng. Theo kịch bản này, Vinacafé Biên Hòa đã hoàn thành 66,7% chỉ tiêu doanh thu và 61,1% kế hoạch lợi nhuận.
Ở kịch bản lạc quan hơn, Vinacafé Biên Hòa dự kiến doanh thu đạt 2.800 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 500 tỷ đồng. Theo kịch bản này, công ty đã hoàn thành 59,5% mục tiêu doanh thu và 57,4% kế hoạch lợi nhuận.
Trong nhiều nhiều năm trở lại đây, Vinacafé Biên Hòa luôn duy trì chính sách chi trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ cao. Vào tháng 9 vừa qua, doanh nghiệp đã tiến hành chi trả cổ tức năm 2023 bằng tiền tỷ lệ 250%.
Tại Vinacafé Biên Hòa, Công ty TNHH MTV Masan Beverage, công ty con của tập đoàn Masan (HoSE: MSN), là cổ đông lớn nhất khi nắm giữ 98,79% vốn doanh nghiệp, tương ứng sở hữu gần 26,3 triệu cổ phiếu VCF. Ước tính Masan Beverage đã nhận về hơn 642 tỷ đồng trong đợt trả cổ tức vừa qua.
Trên thị trường chứng khoán, trong phiên giao dịch ngày 29/10, thị giá cổ phiếu đang ở mức 221.500 đồng/cổ phiếu, thuộc nhóm cổ phiếu có thị giá cao trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Hiện vốn hóa thị trường của Vinacafé Biên Hòa đạt gần 5.887 tỷ đồng.
Vốn là doanh nghiệp có tỷ lệ chi trả cổ tức tương đối cao bằng tiền mặt, Vinacafé Biên Hòa đã duy trì tỷ lệ cổ tức trên 240% trong nhiều năm qua. Đáng chú ý, Vinacafé Biên Hòa đã chia cổ tức năm 2017 với tỷ lệ lên tới 660%, tương ứng cổ đông sở hữu 01 cổ phiếu sẽ nhận được 66.000 đồng cổ tức. Đây là những mức cổ tức bằng tiền mặt cao nhất trên thị trường hiện nay.
Vinacafé Biên Hòa là một trong những nhà sản xuất cà phê hòa tan hàng đầu tại Việt Nam với công suất chế biến đạt 50.000 tấn/năm, được thành lập từ năm 1963 với tên gọi Công ty Cà phê Biên Hòa. Sau khi cổ phần hóa vào năm 2004, công ty chính thức niêm yết trên sàn HoSE với mã chứng khoán là VCF vào đầu năm 2011.
Trước đó, từ năm 2010, Vinacafé Biên Hòa có kết quả kinh doanh hiệu quả và thương hiệu đứng đầu thị trường được Tập đoàn Masan (mã cổ phiếu MSN) đưa vào tầm ngắm và lên kế hoạch thâu tóm.
Tập đoàn Masan đã mua lại cổ phần từ tay các cổ đông lớn là VinaCapital, VF1, Quỹ Vietcombank, Vietnam Holding. Thông qua con đường này, Tập đoàn Masan có trong tay 20% vốn điều lệ của Vinacafé Biên Hòa. Điều đáng nói, thương vụ này diễn ra trước khi VCF niêm yết trên HoSE.
Tiếp đó, Tập đoàn Masan, thông qua công ty con – Masan Consumer đã công khai chào mua 13,32 triệu cổ phiếu VCF, tương đương 50,11% vốn điều lệ VCF trong giai đoạn cuối năm 2011. Giá chào mua được xác định là 80.000 đồng/cổ phần.
Trong báo cáo tài chính năm 2011, Tập đoàn Masan cho biết tổng số tiền bỏ ra để mua 13,32 triệu cổ phần của VCF là 1.069 tỷ đồng, không bao gồm chi phí giao dịch.
Đến tháng 10/2011, Masan Consumer thông báo đã hoàn tất việc chào mua 13,32 triệu cổ phiếu VCF, tương đương 50,11% vốn điều lệ của Vinacafé Biên Hòa.
Tập đoàn Masan vẫn tiếp tục thâu tóm thêm cổ phần của Vinacafé Biên Hòa từ đó đến nay với mục tiêu sở hữu 100% doanh nghiệp này.
Hiện nay, VCF là công ty con của Masan Beverage – một công ty con của Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan, với tỷ lệ sở hữu lên tới 98,79%. Với cơ cấu cổ đông cô đặc như hiện nay, mặc dù có tỷ lệ cổ tức hấp dẫn và biến động thị giá cao, thanh khoản của cổ phiếu VCF gần như rất thấp.