Từ thực tế cuộc sống, kiếm tiền thì dễ, tiêu tiền thì khó.
Trong tập mới nhất của chương trình thực tế “Quyền lực ghế nóng”, Tiến sĩ Lê Thẩm Dương chia sẻ rất nhiều về cách tiêu tiền hợp lí vì thực tế cuộc sống, kiếm tiền thì dễ, tiêu tiền thì khó.
“Tiêu tiền là phạm trù của chi. Đối lập với phạm trù của chi là thu. Bởi vậy, điều đầu tiên, cả cuộc đời nên chọn dồn vào tăng thu hay giảm chi, nên đối với tôi, tôi tìm mọi thủ đoạn để tăng thu. Tôi không quan tâm đến chi và khi đạt đến chỉ số không quan tâm, người ta gọi là tự do tài chính. Hỗ trợ cho thu là một vòng tròn biện chứng. Bạn có thể thấy rõ hầu hết các công ty, doanh nghiệp đều lên kế hoạch, họp bàn làm sao để tăng thu.
Nói về tiết kiệm, đó chính là điểm giữa của một sợi dây, một đầu sợi dây là bần tiện, còn đầu dây còn lại là hoang phí. Tiết kiệm là cách chi tiêu đúng đắn nhất. Tiết kiệm là dựa trên tổng số tiền mình có.
Thứ nhất là yếu tố số lượng. Trong đó, tổng chi tiêu được chia thành quy tắc 6 cái lọ.
Lọ số 1: Đảm bảo chi tiêu cho gia đình, chi cho nhu cầu thiết yếu, chiếm khoảng 55% thu nhập. Số tiền này gồm tiền nhà, tiền ăn, tiền xe.
Lọ số 2: Ưu tiên đề phòng cho tương lai. Dự phòng là chính xác tuyệt đối, đặc biệt trong biến động ngày nay, nên cần để ra tới 15-20% thu nhập.
Lọ số 3: Đầu tư cho bản thân, trong đó tuyệt vời nhất là đầu tư cho học hành để “nâng não” lên. Tuy nhiên, cơ bắp cũng cần được đầu tư, cơ bắp không khỏe mạnh thì đừng nói đến não.
Lọ số 4: Hãy cho đi để nhận lại, như từ thiện chẳng hạn, chiếm khoảng 5% thu nhập.
Lọ số 5: Dành cho giải trí để giải quyết được phần tinh thần.
Lọ số 6: Dành cho quỹ tài chính tự do để tiền biến thành tiền. Lúc này, ta sẽ đầu tư, ném tiền vào một dự án kinh doanh. Ném thiếu thì vay nợ, nhưng vay nợ phải có nền tảng.
Phải vay nợ mới kích cầu được kinh tế và giải quyết được trường hợp sử dụng tiền trước khi mình có. Vay nợ chính là đòn bẩy nhưng chỉ được nợ đúng mực đòn bẩy. Tất cả phải lệ thuộc vào điểm tựa là dòng tiền mình có thể trả được.
Trong điều kiện Việt Nam hiện nay, nên vay nợ nhưng phải hạn chế vì các điểm tựa chưa cho phép.
Thứ hai, nên chú ý tới chất lượng chi tiêu, như để ra một khoản dự phòng. Biến động cuộc đời ngày nay cực lớn, nên cần có cái để bảo vệ mình.”
Nhắc đến quy tắc 6 cái lọ, đây chính là phương pháp quản lý tài chính JARS của T.Harv Eker lập ra. Theo Harv Eker, bất cứ ai cũng có thể sử dụng phương pháp 6 cái lọ để quản lý tiền bạc, kể cả khi bạn nghĩ rằng mình không có nhiều tiền để quản lý. Điều quan trọng là bạn cần phát triển nó thành thói quen. Thậm chí với 100 nghìn đồng, bạn vẫn có thể bắt đầu phương pháp này.
Công thức tiêu tiền hợp lí này đã từng lên sóng truyền hình cách đây 1 năm và gây dậy sóng bởi một cô bé 10 tuổi đã áp dụng quy tắc này. Bé Bống bán chè bưởi, học sinh lớp 5, đến từ Tuyên Quang, đã có 3 năm “thâm niên” kinh doanh chè bưởi, tự kiếm tiền mua quần áo, giày dép, iphone, laptop, trong ví lúc nào cũng có khoảng 1 triệu đồng… Cô bé xuất hiện đầy tự tin trên “Mặt trời bé con” và mới gần đây, bé Bống đã gọi được 200 triệu để kinh doanh trên “Shark Tank”.
Người Do Thái cũng có một cách dạy con chi tiêu tương tự là sử dụng 5 chiếc lọ, mỗi lọ đều được dán nhãn cẩn thận với 5 tên tương ứng: chi tiêu hàng ngày, từ thiện, tiết kiệm, đầu tư và đóng góp xã hội.
Một ngày, mỗi trẻ em Do Thái được cho 10 Shekels (tiền Israel), đứa trẻ sẽ bỏ 1 Shekel vào lọ đóng góp xã hội, 2 shakels vào 2 lọ từ thiện và tiết kiệm, 2 shakels vào lọ đầu tư và cuối cùng là trong tay chỉ có 5 shakels để chi dùng.
Sau đó, trẻ sẽ mở lọ từ thiện vào mỗi sáng chủ nhật, trong khi lọ đóng góp xã hội chỉ được mở vào cuối tháng. Lọ tiết kiệm sẽ được mở trong những trường hợp đặc biệt như khi trong gia đình xảy ra chuyện, có người bị đau bệnh. Còn lọ đầu tư thì chỉ được mở ra khi nó đã đầy tiền.
Với số tiền chi dùng, cha mẹ Do Thái để trẻ phải tính toán cái gì cần mua, cái gì cần tiết kiệm, vì nếu sử dụng hoang phí thì trẻ sẽ không còn tiền để dùng. Cha mẹ Do Thái hoàn toàn không can thiệp ngay cả khi trẻ đang có một quyết định sai lầm. Bằng cách này, trẻ em Do Thái sẽ trở nên chín chắn hơn trong quá trình đưa ra quyết định và hoàn toàn chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
Nhiều người vẫn ngộ nhận rằng kiếm tiền rất khó, vì vậy, khi kiếm được tiền, họ sẽ tiêu phung phí, không tích lũy, để xứng đáng với những gì họ làm ra. Thực tế, kiếm tiền có nhiều cách nhưng chỉ cần tiêu sai một bước thì sẽ sai cả đời nếu không nhận ra sớm. Vì vậy, ngoài cách học kiếm tiền, mỗi người chúng ta nên học cả cách tiêu tiền sao cho hợp lí.