Rodri – từ sinh viên kế toán đến kẻ nghiện bóng đá

Trên The Player’s Tribune, tiền vệ tuyển Tây Ban Nha và Man City Rodri kể về việc anh phải vất vả cân bằng giữa sự nghiệp học hành với cơn nghiện bóng đá từ thuở bé.

Rodri cầm bóng giữa vòng vây của đối phương ở trận Man City - Arsenal trên sân Etihad ngày 31/3/2024. Ảnh: Reuters

Rodri cầm bóng giữa vòng vây của đối phương ở trận Man City – Arsenal trên sân Etihad ngày 31/3/2024. Ảnh: Reuters.

Các đồng đội rất thích trêu chọc tôi. Thường là chuyện ăn mặc, và đôi khi là cách ăn nói nữa. Nhưng có rất nhiều điều mà mọi người không biết về tôi. Thực sự, tôi không nói tiếng Anh kiểu Manchester hay London. Tôi học nó trong rừng ở Connecticut, Mỹ. Ngôn ngữ của tôi là tiếng Anh Mỹ.

Đó là khi 14 tuổi, tôi tham gia một trại hè trong rừng ở Connecticut.

Ngay cả tên gọi “Conn-et-ee-cut” cũng nghe thật kỳ lạ đối với một đứa trẻ đến từ Madrid. Nhưng khi đến nơi, tôi cứ như đang bước vào một bộ phim Hollywood. Bạn biết mấy bộ phim mà bọn trẻ đến trại ở bên hồ lớn, có ca-nô bằng gỗ và bạn được trèo cây, ngủ trong lều và nhóm lửa bằng que củi? Nó thật sự giống như thế.

Không điện thoại. Cũng không wifi. Tôi hoàn toàn đơn độc ở một đất nước mới, cố gắng làm quen những người bạn mới.

Tôi đến đó vào lúc bắt đầu World Cup 2010. Và may mắn là có một chiếc máy tính nhỏ trong văn phòng của cabin chính. Mỗi ngày, tôi đều nhờ các thầy trong trại cho tôi biết kết quả các trận đấu.

Khi Tây Ban Nha vào chung kết, tôi đã cầu xin thầy cho tôi xem trên máy tính của ông ấy.

Tôi không biết chúng tôi đã làm thế nào, vì chúng tôi ở giữa rừng, nhưng tôi chắc là mình đã tìm được một link xem lậu và thưởng thức trận chung kết khi xung quanh là những người Mỹ không quan tâm đến những gì đang diễn ra.

Khi Iniesta ghi bàn, tôi thực sự đã gào lên và ra ngoài, chạy quanh hồ một cách phấn khích và hét vang: “Vaaaamoooooosssss!!!!!!!!!! Aaaahahhhhhhhhh ¡¡¡¡¡jajajajajajajaja!!!! Viva España!”.

Người Mỹ nghĩ tôi bị điên. Ai nấy đều lắc đầu.

Họ không thể hiểu được điều đó có ý nghĩa gì với tôi. Họ nghĩ tôi bị điên. Và có thể tôi thực sự điên…

Rodri thời còn là cầu thủ nhi đồng của Atletico Madrid. Ảnh: Atletico Madrid

Rodri thời còn là cầu thủ nhi đồng của Atletico Madrid. Ảnh: Atletico Madrid

Cả cuộc đời tôi, tôi sống giữa hai thế giới này. Một là bóng đá, còn lại là “thế giới thực”.

Tôi nhớ khi tôi 5 tuổi, có một bể bơi chung ở giữa khu phố và một khu vườn nhỏ. Vào mùa hè, mọi thứ lặp đi lặp lại: bóng đá, bể bơi, bóng đá, bể bơi. Về nhà ăn trưa. Lại vào bể bơi. Lại ra khu vườn để đá bóng. Đến 10 tuổi, nếu tôi chơi một trận mà không đá tốt, tôi không thể nói chuyện với bố mẹ cả ngày. Tôi quá thất vọng với bản thân. Tôi chắc chắn rằng mẹ tôi nhìn tôi và nghĩ: “Có chuyện gì với nó vậy? Chỉ là một trò chơi thôi mà.”

Nhưng đối với tôi, nó gần như là một thứ gây nghiện. Vì vậy, tôi đã thỏa thuận với bố mẹ từ rất sớm. Tôi không biết liệu chúng tôi có thực sự nói về điều đó hay không. Mọi thứ như một thứ luật bất thành văn. Nếu tôi muốn theo đuổi giấc mơ bóng đá, thì tôi phải theo học đại học.

Vì vậy, khi tôi 17 tuổi, tôi rời Madrid đến Villarreal, và tôi cũng đăng ký vào Đại học Jaume I. Năm đầu tiên, tôi sống trong ký túc xá của Học viện Villarreal với các đồng đội. Nhưng khi bạn tròn 18 tuổi, bạn được coi là “già”, và bạn phải tìm một căn hộ riêng. Mẹ tôi đưa ra ý tưởng là chuyển vào ký túc xá của trường đại học, và tôi đã làm theo.

Tôi nghĩ điều đó rất giống ở Anh – bạn sống trong một khu căn hộ lớn với phòng giặt chung, phòng tắm và nhà ăn, và có rất nhiều cánh cửa. Tất cả hàng xóm của bạn đều sát cạnh nhau. Bạn có phòng nhỏ của mình với một cái giường gỗ và bàn gỗ. Tôi không có TV hay PlayStation. Chỉ có một cái laptop. Buổi sáng, tôi đến tập luyện ở Villarreal, rồi buổi chiều đi học, và vào buổi tối….

À, buổi tối thì buồn cười lắm, vì tất nhiên đó là đại học. Vào tối thứ Sáu, mọi người sẽ đến các tụ điểm ăn chơi. Nhưng trước tiên, họ sẽ “khởi động” – như cách người ta nói ở Mỹ. Họ sẽ ở trong những phòng nhỏ, mở nhạc và uống bia, có khoảng 20 người trong một căn phòng, với mọi người ngồi trên giường, dưới sàn, ở khắp nơi.

Tôi cũng giống như bất kỳ sinh viên nào khác – họ thậm chí không biết tôi thực sự chơi bóng đá – vì vậy tôi sẽ đến với chai nước có ga của mình và ngồi một lúc cho đến khi mọi người chuẩn bị đi lên bar. Sau đó, tôi sẽ lén biến mất.

Rodri thời còn tập ở đội trẻ Villarreal năm 2016. Ảnh: Villarreal CF

Rodri thời còn tập ở đội trẻ Villarreal năm 2016. Ảnh: Villarreal CF

Lúc đó, tôi vẫn còn tập với đội B. Tôi chẳng là ai cả.

Năm tiếp theo, tôi ra mắt ở La Liga, và tôi nghĩ các bạn cùng trường có phần bị sốc. Họ kể rằng họ đang xem một trận đấu trên TV, và chàng trai ở hành lang ký túc xá bỗng xuất hiện màn hình. Cậu bạn cùng lớp kế toán của họ mang số 6.

Họ không thể tin rằng đó thực sự là tôi.

“Khoan đã, có phải là bạn mình không?”.

“Google xem, google xem”.

“Không, không thể là Rodrigo này được. Có rất nhiều người tên Rodrigo mà. Không phải cậu ấy đâu”.

Khi bạn xuất hiện trên TV trong bộ đồ bóng đá, trông bạn khác, đúng không? Và có lẽ tôi còn đang mang vẻ mặt nghiêm túc nữa.

Vì vậy, một số người đã bị thuyết phục rằng: “Không, đó không phải là cậu ta”.

Khi tôi bắt đầu thi đấu nhiều hơn, và các bạn nhận ra đó thực sự là tôi, họ nói kiểu: “Cậu còn làm gì ở đây vậy? Cậu vừa đấu với Barca tối qua mà!”.

Ở Tây Ban Nha, chúng tôi chơi một trò gọi là Comunio. Nó giống như một trò chơi bóng đá giả tưởng Fantasy, nơi bạn mua cầu thủ và quản lý đội của mình. Mọi người trong ký túc xá sinh viên đều chơi trò này, vì vậy đôi khi tôi trở về nhà sau một trận đấu vào tối thứ Bảy, và có thể họ đã uống vài cốc bia, và họ sẽ nói: “Thôi nào người anh em! Hôm nay đá kiểu gì thế? Cậu chỉ cho tớ ba điểm trên Comunio thôi!!! Gì vậy chứ???”

Hahaha. “Xin lỗi! Xin lỗi!”

Rodri (phải) trong lễ ký hợp đồng với đội một Villarreal năm 2017. Ảnh: Villarreal CF

Rodri (phải) trong lễ ký hợp đồng với đội một Villarreal năm 2017. Ảnh: Villarreal CF

Đó là những năm tháng vui vẻ nhất trong cuộc đời tôi. Tôi không biết tại sao, nhưng khi tôi quay trở lại trường đại học, đầu óc tôi “chuyển” sang thế giới khác. Trường học giúp tôi cân bằng được áp lực của bóng đá. Điều tuyệt vời khác là tôi đã gặp bạn gái mình tại ký túc xá sinh viên, khi cô ấy đang học để trở thành bác sĩ. Để tôi nói cho bạn biết: cô ấy chẳng quan tâm chút nào đến những áp lực bóng đá của tôi. Hahaha. Cô ấy không muốn nghe về trận hòa với Celta Vigo.

Cô ấy luôn giúp tôi “giữ đôi chân trên mặt đất”.

“Ê này, anh bình tĩnh lại đi nhé? Bình tĩnh thôi. Chỉ là bóng đá thôi mà”.

Và trong mắt các thầy cô giáo của tôi, tôi chỉ là “một sinh viên” như bao người khác. Ở Tây Ban Nha, trường đại học là trường đại học. Bạn đến đó để học tập. Vì vậy, khi tôi ở trong căn phòng nhỏ của mình với chiếc laptop, tôi có thể tập trung đến mức quên đi mọi thứ khác.

Một ngày nọ, tôi đang học bài cho một kỳ thi hay gì đó, và tôi để điện thoại ở chế độ im lặng. Đột nhiên, tôi nghỉ giải lao và nhận ra mình có khoảng 20 tin nhắn, 50 tin WhatsApp, 10 cuộc gọi nhỡ. Tôi nghĩ: “Ôi Chúa ơi, có ai đó qua đời à? Có chuyện gì vậy?”

Đồng đội của tôi đang gọi cho tôi. Tôi bắt máy.

“Rodri, cậu đang ở đâu vậy?”

“Tôi đang ở đâu à? Tôi đang ở đây. Ở trường đại học”.

“HLV đang tìm cậu đấy. Mọi người đều đang tìm cậu”.

“Cậu đang nói gì vậy?”.

“Chúng ta sắp đấu Valencia. Bọn tôi đều đã ở trên xe bus rồi”.

Tôi nghĩ họ đang đùa với tôi.

Tôi nói: “Thôi nào, trận đấu là vào ngày mai mà….”.

Ôi Chúa ơi! Không. Bạn biết cảm giác khi bạn có một cơn ác mộng rằng bạn đang trở lại trường và quên rằng mình có một kỳ thi không? Điều đó đã xảy ra với tôi, nhưng lần này là thật. Và không phải là trường học, mà là La Liga.

Tôi nói: “OK, bảo xe bus cứ đi trước đi. Tôi sẽ gặp các cậu ở khách sạn”.

Thế là tôi mặc đồ nhanh nhất có thể, và chạy ra xe, lái chiếc Opel như James Bond qua các con phố. Khách sạn ở Valencia cách đó một giờ lái xe. Khi tôi đến đó, cả đội đang ngồi họp và tôi bước vào trông với bộ dạng vô tội kiểu “chó ăn mất bài tập về nhà”.

Hahaha. Để tôi nói cho bạn, điều đó cũng không hiệu quả trong bóng đá đâu.

Tôi đã bị mắng thậm tệ ngày hôm đó, nhưng tôi đáng bị như vậy.

Đó là bài học lớn với tôi, vì tôi nhận ra rằng mình phải làm tốt hơn trong việc cân bằng giữa hai thế giới. Mỗi bước trong hành trình của tôi, tôi đều học hỏi qua những thất bại, và tôi thêm vào một mảnh ghép mới. Tại Villarreal, tôi đã học được thế nào là làm việc chuyên nghiệp. Không chỉ là một cầu thủ bóng đá, mà là một người chuyên nghiệp thực thụ.

Khi tôi trở về nhà thi đấu cho Atlético trong một mùa giải, tôi học được thế nào là tính cạnh tranh thực sự. Ở Villarreal, tôi chơi bóng tốt khi có bóng trong chân, nhưng tôi vẫn còn hơi mềm yếu. Dưới sự dẫn dắt của Diego Simeone, tôi đã học được thế nào để trở thành “kẻ xấu”. Để có thêm một chút “gian xảo” trên sân. Để thật sự tranh chấp bóng. Để làm cho đối phương phải khổ sở suốt 90 phút. Đó là một mảnh ghép quan trọng khác.

Rodri và HLV Guardiola chia vui sau khi cùng Man City vô địch Champions League 2023. Ảnh: AP

Rodri và HLV Guardiola chia vui sau khi cùng Man City vô địch Champions League 2023. Ảnh: AP

Khi tôi có cơ hội chuyển đến Man City mùa hè tiếp theo, đó là giấc mơ đối với tôi. Tôi đã nói chuyện với Sergio Busquets trước khi nhận lời, và anh ấy nói với tôi: “Pep ư? Ông ấy sẽ làm cho cậu trở thành một cầu thủ giỏi hơn. Nhưng ông ấy sẽ không bao giờ, không bao giờ ngừng thúc đẩy cậu. Cậu sẽ không bao giờ được xem là hoàn thiện cả”.

Sergio có cùng vai trò trên sân như Pep, và anh ấy đã đạt được rất nhiều thành tựu lớn, vì vậy tôi rất tin tưởng vào lời anh ấy. Và Sergio hoàn toàn đúng. Điều đặc biệt ở Pep là ông ấy luôn đi trước một bước. Ông ấy luôn thay đổi và phát triển trước khi bóng đá quanh ông có thể thay đổi. Ông ấy không bao giờ hài lòng với việc giữ nguyên cách chúng tôi đã chơi mùa trước, bởi vì đối thủ của bạn sẽ luôn phân tích mùa giải trước. Bạn không thể giành được bốn danh hiệu Ngoại hạng Anh liên tiếp nếu đứng yên tại chỗ. Hoặc là bạn phải đổi mới, hoặc là chịu sự diệt vong.

Bạn biết đấy, khi tôi nhắc đến Pep, tôi luôn phải “nói” bằng tay của mình. Tôi phải tìm một cái bàn, hoặc một tấm bảng hoặc gì đó và bắt đầu di chuyển cốc cà phê như một bàn cờ, giống như ông ấy làm vậy.

“Anh sẽ đi tới đây, rồi anh sẽ đi đó, và rồi bang: anh di chuyển vào khoảng trống. Bang”.

Với tôi, Pep đã thêm vào mảnh ghép cuối cùng của trò chơi tâm lý. “Nhìn” trận đấu theo cách khác. “Cảm nhận” nó: khi nào di chuyển vào khoảng trống, khi nào giữ vị trí. Khi nào gây áp lực, khi nào thả lỏng. Sự tự tin của ông ấy rất quan trọng đối với tôi, vì bạn phải nhớ rằng, khi đến đây năm 2019, tôi bước vào một phòng thay đồ đã có Fernandinho, Aguero, David Silva, Kevin De Bruyne. Toàn là huyền thoại.

12 tuổi, tôi từng đến sân tập để xem Aguero tập luyện khi anh ấy ở Atletico. Anh ấy là một trong những thần tượng của tôi. Và bây giờ tôi được ngồi ngay cạnh anh ấy trong phòng thay đồ ư? Điều đó thật tuyệt vời.

Aguero và Otamendi thường trêu chọc tôi suốt thời gian đó, không chỉ vì quần áo của tôi, mà còn vì tôi thường gọi FaceTime cho bạn gái sau mỗi trận đấu. Vì tôi là một cầu thủ bóng đá, còn cô ấy là bác sĩ, chúng tôi phải quen với việc yêu xa trong nhiều năm. Bạn sẽ làm gì khi ở xa nhau? Gọi FaceTime chứ gì nữa. Tôi sẽ gọi cho cô ấy sau mỗi trận đấu, dù thắng hay thua. Khi chúng tôi thắng, không có vấn đề gì, vì các đồng đội đều ồn ào, ăn mừng và họ không để ý. Nhưng khi chúng tôi thua, tôi vẫn giữ vẻ bình thường của mình. Tôi không có bộ lọc nào cả. Khi tôi nói chuyện với vợ, tâm trí tôi như chuyển về thời sinh viên. Tôi trở lại là Rodrigo. Vì vậy, trên xe bus, mọi người đều im lặng, cúi đầu, buồn bã, còn tôi thì nói to: “Ừ, hôm nay bọn anh đá hơi tệ, thành thật mà nói. Ừ, anh cũng khó chịu lắm… Thế còn em, ngày hôm nay của em thế nào?”

Lần đầu tiên, Aguero và Otamendi kéo tôi lại và nói, “Này, chú không thể nói như vậy trên xe bus đâu! Pep có thể nghe thấy đấy! Mọi người có thể nghe thấy đấy!”.

Nhưng sau mỗi trận đấu, tôi vẫn gọi cho cô ấy. Mặc kệ ai nói gì.

“Ừ, hôm nay cũng được. Bọn anh thắng, nhưng anh chơi hơi tệ. Em có đang xem Netflix không? Em ăn gì đấy?”.

Rodri và bạn gái Laura. Ảnh: Man City

Rodri và bạn gái Laura. Ảnh: Man City

Hahaha. Chúng tôi giống như hai đứa tuổi teen vậy. Mọi người khó chịu lắm. Họ cố gắng giật lấy điện thoại khỏi tôi: “Anh sẽ gọi lại cho em sau nhé! Rodri, cúp máy đi! Cô ấy phải đi rồi! Tạm biệt!”

Họ muốn giết tôi, nhưng tôi mặc kệ. Rời sân cỏ, tôi luôn cố bình tĩnh, “giữ đôi chân trên mặt đất”. Tôi nghĩ đôi khi mọi người hiểu lầm về khía cạnh đó của tôi. Rõ ràng, khi là cầu thủ bóng đá, có rất nhiều hoạt động tiếp thị và truyền thông khiến bạn trở thành một kiểu nhân vật. Với tôi, đó là “kẻ mọt sách”. Tôi nhớ có lần phải chụp một bộ ảnh và ê-kip chụp nói: “Này, biết gì không? Sẽ thật tuyệt nếu anh cầm mấy cuốn sách dưới cánh tay. Giả vờ rằng anh đang đến thư viện”.

Khi những bức ảnh đó được đăng lên, bạn bè ở trường của tôi nhắn tin: “Thôi nào, anh bạn. Cậu nghiêm túc đấy à? Cái quái gì thế? Cậu thậm chí còn không thích đọc sách mà! Cậu không phải là một mọt sách thực thụ đâu!”.

Đừng luôn tin những gì bạn thấy trên mạng xã hội! Thực tế luôn phức tạp hơn.

Chúng tôi đã rất may mắn trong vài năm gần đây với Man City, nhưng đó không phải là cuộc sống thực. Trong những khoảnh khắc tốt đẹp, bạn không học hỏi gì, bạn chỉ tận hưởng. Nhưng trong những khoảnh khắc tồi tệ, khi bạn thực sự chịu đựng, đó là lúc bạn thực sự trưởng thành. Tôi nhớ sau trận chung kết Champions League năm 2021 với Chelsea, tôi bước vào khu vực dành cho gia đình, và khi nhìn thấy bố mẹ và anh em mình, tôi không thể cất lời. Tôi cứ như trở lại làm đứa trẻ 10 tuổi ở bàn ăn, không thể nói dù chỉ một lời. Đầu tôi chỉ có suy nghĩ: “Mình không bao giờ muốn cảm thấy như thế này nữa. Mình phải làm việc chăm chỉ hơn. Mình phải tìm cách trở nên tốt hơn”.

Bây giờ chúng tôi đã là nhà vô địch và đứng đầu thế giới, không ai hỏi tôi về những khoảnh khắc buồn trận chung kết 2021. Nhưng nó có lẽ là một trong những điều quan trọng nhất trong cuộc đời tôi. Đằng sau mỗi khoảnh khắc tốt đẹp là cả một đời đấu tranh và trải nghiệm.

Ngay cả khi tôi ghi bàn thắng trong trận chung kết Champions League năm 2023, đó cũng không phải là một “khoảnh khắc được tính toán”. Đó là một cảm giác, từ 20 năm chơi bóng đá, kể từ khi tôi chơi trong vườn. Thời điểm trước khi Bernardo căng bóng, thực tế tôi đã ở rất xa tình huống bóng. Nếu xem lại video, bạn thậm chí không thể nhìn thấy tôi. Thực sự không có cơ hội nào để bóng đến với tôi. Tôi đáng lẽ có thể đứng yên. Nhưng tôi đã tiến một bước về phía vòng cấm. Tôi không biết tại sao. Tôi đã không nghĩ về điều đó. Bởi vì 9 lần trong số 10 lần – có thể là 99 lần trong số 100 lần – khi Bernardo căng bóng, bóng sẽ không đến chỗ tôi.

Nhưng một giọng nói nào đó đã nói với tôi: “Lần này sẽ là lần duy nhất.”

Tôi đã tiến một bước về phía trước. Quả bóng đã bị đổi hướng. Nếu tôi không có bước tiến đó, mọi thứ đã trở nên quá muộn.

Tôi thấy quả bóng nảy về phía tôi.

Và tôi có thể kể cho bạn nghe mọi thứ hiện lên trong đầu tôi:”Bóng đây rồi, mình phải làm gì đây? Sút mạnh vào! Bum. Được rồi, nhưng khoan đã. Mình có thể chỉ có một cơ hội trong suốt trận đấu. Chỉ cần đưa bóng vào lưới… Mình đang ở ngoài vườn. Chỉ cần chuyền bóng vào lưới. Cơ hội đây rồi. Chuyền bóng đi”.

Mọi chuyện diễn ra như vậy, trong chớp mắt. Khi bóng vào lưới, tôi chạy và trượt đầu gối trước mặt người hâm mộ, và sau đó tôi nhớ suy nghĩ đầu tiên của mình sau đó là: “20 phút. Trận đấu vẫn còn 20 phút nữa. Chết tiệt. Còn lâu lắm”.

Đó là suy nghĩ của một cầu thủ số 6.

Chúng tôi đã chịu đựng trong 20 phút đó, và rồi tiếng còi vang lên. Đó là cảm giác mà tôi đã theo đuổi suốt cuộc đời mình. Niềm vui mà tôi cảm thấy không phải là ghi bàn thắng. Đó là về việc chịu đựng trong 90 phút với tư cách là một tập thể và giành chiến thắng. Đó là về việc đảm bảo cú ăn ba cho người hâm mộ của chúng tôi, những người đã ủng hộ tôi kể từ ngày tôi đến đây. Đó là khi nhìn thấy nụ cười trên khuôn mặt của những đứa trẻ đeo khăn quàng cổ của City. Ôm gia đình tôi và nói rằng: “Chúng ta đã làm được rồi”.

Đó là thứ gây nghiện. Đó là lý do tại sao bạn chơi bóng đá.

Tại Euro, mọi thứ cũng vậy. Theo một cách nào đó, giải đấu rất thi vị đối với tôi, vì tôi phải xem hiệp hai của trận chung kết từ ngoài sân do chấn thương. Lần này, tôi không thể kiểm soát được. Trước khi giải đấu bắt đầu, tôi đã thử thách bản thân mình để trở thành một thủ lĩnh. Tôi không phải là người lớn tuổi nhất trong phòng thay đồ, nhưng chúng tôi có một số chàng trai trẻ, trẻ đến mức đáng sợ, từ một thế hệ mới, và tôi cảm thấy rằng mình có thể giúp họ vượt qua áp lực của một thời điểm quan trọng như vậy. Khi nghĩ về những gì Lamine Yamal và Nico Williams đã đạt được hè này, tôi rất hạnh phúc. Để có thể chơi hay như vậy với sự theo dõi của cả nước – ở tuổi 17, ở tuổi 22, thật không thể tin được. Nếu họ biết tôi sống như thế nào ở độ tuổi của họ, tâm trí họ có lẽ sẽ phát nổ.

Khi tôi ngồi ngoài sân trong hiệp hai của trận chung kết, cảm giác duy nhất mà tôi có thể so sánh được với cảm giác đó là ngồi trong một chiếc ô tô chạy với tốc độ 200 km/h. Khi bạn cầm vô lăng và kiểm soát được tình hình, bạn chẳng cảm thấy gì cả. Nhưng khi bạn ngồi ở ghế hành khách, bạn cảm thấy như đang ngồi trên tàu lượn siêu tốc.

Khi chúng tôi ghi bàn thắng ở phút thứ 85, tôi nghĩ mình đã chạy nhanh hơn đến chỗ Mikel Oyarzabal so với khi tôi … ở trên sân trong hiệp một.

Rodri nâng cup vô địch Euro 2024 bên các đồng đội sau trận chung kết trên sân Olympic, Berlin, Đức. Ảnh: Reuters

Rodri nâng cup vô địch Euro 2024 bên các đồng đội sau trận chung kết trên sân Olympic, Berlin, Đức. Ảnh: Reuters.

Khi bạn mang về vinh quang cho đất nước của mình, đó là một cảm xúc khác. Tôi đã được đưa trở lại với cội nguồn của mình, khi tôi chơi trong hồ bơi, rồi chơi trong vườn, rồi lại trở lại hồ bơi. Khi tôi đạp xe lên tàu để đi tập. Khi tôi chạy quanh khu rừng ở Connecticut và khóc những giọt nước mắt hạnh phúc khi chúng tôi vô địch World Cup.

Bạn nhận ra rằng bạn không chỉ làm cho một thành phố hạnh phúc, mà là cả một đất nước. Quá nhiều người khác nhau. Quá nhiều thế hệ khác nhau. Một thế hệ hoàn toàn mới, lần đầu tiên trải nghiệm niềm vui đó. Có bao nhiêu đứa trẻ chạy quanh như điên vào đêm Lamine ghi bàn vào lưới Pháp? Hay khi Mikel ghi bàn vào lưới Anh? Hàng nghìn. Hàng triệu.

“Hura, Tây Ban Nha muôn năm!”.

Tôi hiểu cảm giác đó. Niềm vui thuần khiết.

Với tất cả sự tôn trọng dành cho sách vở, kinh tế và kế toán…. Chỉ có một thứ chạm đến trái tim như thế. Chỉ có bóng đá mới làm được điều đó.

Cảm ơn Chúa vì cha mẹ đã cho chúng ta học hành, phải không?

Cảm ơn Chúa vì bóng đá đã cho chúng ta ước mơ.

Thịnh Joey (theo The Players Tribune)

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin