Rối loạn giấc ngủ làm tăng nguy cơ sa sút trí tuệ, cộng với thói quen vận động thế này dễ dẫn đến tổn thọ

Để cải thiện sức khỏe, bất kì ai cũng cần nỗ lực thay đổi thói quen sống, bao gồm cả hoạt động thể chất và chất lượng giấc ngủ.

TIN MỚI

Thiếu ngủ và nguy cơ sa sút trí tuệ

Thiếu ngủ có liên quan đến chứng mất trí nhớ và nguy cơ mắc bệnh Alzheimer sau này trong cuộc sống, trong khi sử dụng thuốc ngủ cũng làm tăng nguy cơ suy giảm nhận thức.

Trong những năm qua, nghiên cứu tích lũy cho thấy có mối liên hệ chặt chẽ giữa chứng mất ngủ và suy giảm nhận thức. Cụ thể, theo một nghiên cứu được hỗ trợ một phần bởi Viện Lão hóa Quốc gia (NIA) của NIH, đăng trên tạp chí Nature Communications, chỉ ngủ 5 giờ/đêm có thể làm tăng nguy cơ sa sút trí tuệ lên tới 30% đối với người lớn trên 50 tuổi.

Một nghiên cứu kéo dài 10 năm, phân tích dữ liệu từ hơn 6.000 người, đã đo lường các tình trạng, bao gồm: Khó ngủ (khó ngủ trong vòng 30 phút khi đi ngủ); Mất ngủ (khó ngủ lại sau khi thức dậy sớm) và sử dụng thuốc ngủ. Kết quả cho thấy, khó ngủ là tăng 51% nguy cơ sa sút trí tuệ.

Rối loạn giấc ngủ làm tăng nguy cơ sa sút trí tuệ, cộng với thói quen vận động thế này dễ dẫn đến tổn thọ - Ảnh 1.

Chỉ ngủ 5 giờ/đêm có thể làm tăng nguy cơ sa sút trí tuệ lên 30% đối với người lớn trên 50 tuổi. Ảnh: Shutterstock

Giáo sư Roger Wong, thuộc khoa y tế công cộng và y tế dự phòng tại Đại học Y khoa Upstate (Đại học Bang New York), là một trong những tác giả của nghiên cứu. Ông giải thích rằng 60-80% các trường hợp sa sút trí tuệ là do bệnh Alzheimer gây ra. Dấu hiệu của căn bệnh này là sự tích tụ của một loại protein độc hại trong não gọi là “mảng bám”. Mà ngủ không đủ giấc làm tăng sự tích tụ mảng bám đó. Đã có nghiên cứu được thực hiện ở cả loài gặm nhấm và con người chỉ ra rằng giấc ngủ là điều cần thiết để thoát khỏi mảng bám này khi chúng ta ngủ. Chính vì vậy, chất lượng và thời lượng giấc ngủ rất quan trọng.

Rối loạn giấc ngủ làm tăng nguy cơ sa sút trí tuệ, cộng với thói quen vận động thế này dễ dẫn đến tổn thọ - Ảnh 2.

Giáo sư Roger Wong thuộc khoa y tế công cộng và y tế dự phòng tại Đại học Y khoa Upstate. Ảnh: Roger Wong/SCMP

Mối liên hệ giữa giữa chất lượng giấc ngủ kém, hoạt động thể chất và tuổi thọ

Trong một công bố trực tuyến trên Tạp chí Y học Thể thao Anh, các nhà nghiên cứu của Đại học Sydney đã phát hiện ra mối liên hệ giữa hoạt động thể chất và chất lượng giấc ngủ. Cụ thể, tác giả chính và ứng cử viên tiến sĩ Bo-Huei Huang (tại Trung tâm Charles Perkins, Đại học Sydney) cho biết: Chúng tôi nhận thấy rằng những người vừa có chất lượng giấc ngủ kém vừa lười tập thể dục có nguy cơ tử vong cao do bệnh tim, đột quỵ và ung thư.

“Cả hai hành vi không hoạt động thể chất và khủng hoảng giấc ngủ đều rất quan trọng với sức khỏe nhưng thật đáng buồn, chúng đều đang rất phổ biến trong xã hội của chúng ta”, tác giả cao cấp và là giám đốc chương trình nghiên cứu, Giáo sư Emmanuel Stamatakis từ Trung tâm Charles Perkins và Khoa Y và Sức khỏe tiết lộ.

Các nhà nghiên cứu thừa nhận, đây là một nghiên cứu quan sát nên không thể thiết lập quan hệ nhân quả một cách chắc chắn. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu kết luận: Mức độ hoạt động thể chất bằng hoặc cao hơn ngưỡng hướng dẫn của WHO (600 phút/tuần) có thể giảm nguy cơ tử vong do giấc ngủ kém.

Bên cạnh đó, theo báo cáo của Daily Mail vào năm ngoái, một nghiên cứu của các nhà khoa học khác cũng đến từ Đại học Sydney, cho thấy, nếu một người ít vận động ngủ quá 9 tiếng mỗi ngày sẽ có hại cho cơ thể tương tự như sử dụng thuốc lá và rượu bia.

Các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra rằng không chỉ ngủ quá nhiều, lười vận động mà ngủ ít hơn 7 tiếng mỗi ngày, cộng với rượu bia, thuốc lá cũng là những yếu tố làm giảm tuổi thọ.

Những phát hiện này cho thấy để cải thiện sức khỏe, bất kì ai cũng cần nỗ lực thay đổi thói quen sống, bao gồm cả hoạt động thể chất và chất lượng giấc ngủ.

Cải thiện giấc ngủ thông qua chế độ ăn uống và tập thể dục

Trong khi chế độ ăn uống và tập thể dục được coi là hai cách quan trọng để cải thiện sức khỏe thì giấc ngủ thường bị bỏ qua. Vệ sinh giấc ngủ có thể là điểm khởi đầu để cải thiện giấc ngủ của bạn. Bạn có thể làm như sau:

Rối loạn giấc ngủ làm tăng nguy cơ sa sút trí tuệ, cộng với thói quen vận động thế này dễ dẫn đến tổn thọ - Ảnh 3.

Vệ sinh giấc ngủ có thể là điểm khởi đầu để cải thiện giấc ngủ của bạn. Ảnh: Shutterstock

– Không ăn quá muộn: Hãy để cho cơ thể có thời gian để tiêu hóa sau khi ăn bữa ăn lớn. Vì vậy, nên ăn tối sớm, không nên ăn sát giờ đi ngủ.

– Tránh caffeine: Cẩn thận với các chất kích thích như cà phê, nước tăng lực và soda. Nếu bạn tiêu thụ những thứ này, hãy cố gắng tiêu thụ chúng vào đầu ngày.

– Tập thể dục: Lên lịch tập thể dục thường xuyên để cải thiện giấc ngủ của bạn. Mặc dù bất kỳ chuyển động nào vào ban ngày đều có lợi nhưng hãy cố gắng tránh tập thể dục quá gần giờ đi ngủ. Nên để cơ thể có một vài giờ thư giãn sau khi tập thể dục để đi vào giấc ngủ.

– Nhận ánh sáng tự nhiên: Hãy thử tập thể dục ngoài trời, vì tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên vào ban ngày có thể giúp giữ cho cơ thể bạn đồng bộ với nhịp điệu giấc ngủ tự nhiên.

Phòng khám Mayo của Rochester (bang Minnesota của Hoa Kỳ), ủng hộ việc thiết lập thói quen đi ngủ tốt như là: Tránh tiêu thụ cà phê từ thời điểm buổi trưa trở đi, tắm nước ấm trước khi đi ngủ và tránh xa việc sử dụng thiết bị vào buổi tối muộn. Một số biện pháp khác cũng được gợi ý bao gồm: Tránh xem đồng hồ, đi ngủ khi buồn ngủ, tuân thủ thói quen đi ngủ và thức dậy cùng một lúc… Và nếu bạn thức dậy vào ban đêm và không ngủ lại trong vòng nửa giờ, hãy thức dậy và làm điều gì đó cho đến khi bạn cảm thấy buồn ngủ trở lại.

Theo SCMP, Sleep Foundation, Sydney.edu.au, DailyMail

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin