Theo TS Nguyễn Đức Độ, thị trường luôn tham lam và sẽ tận dụng tối đa khoảng trống mà NHNN cho phép. Tuy nhiên, thị trường cũng đủ thông minh để không vượt quá giới hạn đỏ mà NHNN đã vạch ra.
Ngày 6/5 là ngày thứ 3 liên tiếp tỷ giá có biến động mạnh trên thị trường, hầu hết các NHTM đã phải mua vào với giá cao và bán ra với mức kịch trần quy định của NHNN (21.673 đồng). Như vậy, đây là lần thứ 2 kể từ đầu năm 2015 thị trường tỷ giá “dậy sóng”.
Xoay quanh vấn đề này chúng tôi đã có cuộc trao đổi với chuyên gia tài chính Nguyễn Đức Độ – Viện Kinh tế – Tài chính (Học viện Tài chính).
Tỷ giá VND/USD đã chính thức tăng mức kịch trần. Theo ông nguyên nhân là vì sao?
Nguyên nhân chính vẫn là tâm lý đầu cơ xuất phát từ xu hướng đồng USD tăng giá so với nhiều đồng tiền khác trên thế giới trong thời gian gần đây. Xu hướng này dẫn đến kỳ vọng, rằng NHNN sẽ điều chỉnh tỷ giá để hỗ trợ xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế.
Hơn nữa, có vẻ như tâm lý đầu cơ này đang ngày càng được củng cố, khi tỷ giá neo ở mức cao trong những ngày qua, nhưng NHNN đã không có bất cứ can thiệp nào. Thị trường có thể hiểu là NHNN đã sẵn sàng chấp nhận mặt bằng giá USD hiện nay.
Khi mặt bằng giá mới được củng cố, thị trường sẽ cố gắng tiến thêm một bước, nhất là khi có nhiều ý kiến ủng hộ một mặt bằng giá còn cao hơn.
Nhiều ý kiến cho rằng NHNN nên phá giá sớm VND để hỗ trợ tăng trưởng, theo ông có nên không?
VND giảm giá sẽ hỗ trợ xuất khẩu. Đó là điều chắc chắn. Do vậy, tỷ giá tăng sớm ngày nào, các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ được lợi ngày đó.
Tuy nhiên, tác động của việc điều chỉnh tỷ giá đến xuất khẩu và tăng trưởng GDP phức tạp hơn những gì chúng ta thường nghĩ.
VND giảm giá sẽ giúp các doanh nghiệp xuất khẩu tăng doanh thu và lợi nhuận tính bằng VND, nhưng tác động đến khối lượng xuất khẩu trong ngắn hạn lại không lớn. Khi VND giảm giá 1% so với USD, khối lượng xuất khẩu chỉ tăng thêm khoảng 0,2% (con số được làm tròn) trong cùng năm đó.
Lý do thứ nhất là nhu cầu về hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có độ co giãn theo giá tính bằng USD rất thấp. Khi giá bán bằng USD giảm 10%, khối lượng chỉ tăng thêm khoảng 2%, tức là nếu như các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam có thể bán 100 chiếc áo sơ mi với giá 1 USD/chiếc, thì khi hạ giá xuống 0,9 USD/chiếc, khối lượng bán được chỉ tăng thêm 2 chiếc.
Như vậy, doanh thu sẽ bị giảm từ 100 USD xuống còn 91.8 USD. Điều này dẫn đến hệ quả là các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam sẽ không lựa chọn chiến lược hạ giá bán để xuất khẩu được nhiều hàng hóa hơn.
Ngược lại, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam sẽ cố gắng bán hàng hóa với giá cao nhất có thể. Khi NHNN phá giá VND, về cơ bản, họ sẽ giữ nguyên giá bán bằng USD nhằm tăng doanh thu và lợi nhuận tính bằng VND.
Lý do thứ hai là công suất của khu vực xuất khẩu của Việt Nam, về cơ bản, đã được tận dụng tương đối triệt để và khó có thể tăng mạnh trong ngắn hạn.
Trong vòng hơn một thập kỷ qua, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trung bình của Việt Nam vào khoảng hơn 13%/năm, nhưng tốc độ tăng trưởng GDP chỉ khoảng 6,5%/năm, tức là chỉ bằng 1/2 tốc độ tăng trưởng xuất khẩu. Câu hỏi đặt ra là: khu vực xuất khẩu lấy đâu ra nguồn lực để có được tốc độ tăng trưởng cao như vậy?
Rõ ràng là khu vực xuất khẩu phải lấy nguồn lực từ các khu vực sản xuất phục vụ thị trường trong nước. Nếu vậy, không phải lúc nào xuất khẩu tăng cũng dẫn đến GDP tăng.
Nếu như nền kinh tế đang ở trạng thái đầy đủ công ăn việc làm, sự gia tăng xuất khẩu do những khuyến khích về tỷ giá mang lại sẽ phải trả giá bằng sự suy giảm sản lượng tại các khu vực sản xuất khác, khi các nguồn lực được di chuyển sang khu vực sản xuất phục vụ thị trường xuất khẩu.
Nhập khẩu, do đó, cũng sẽ tăng theo. Điều này cũng tương tự với việc lựa chọn sơ đồ chiến thuật cho một trận bóng đá. Đó là, khi huấn luyện viên bố trí nhiều tiền đạo hơn, thì số lượng cầu thủ bảo vệ khung thành sẽ phải ít đi.
Như vậy, chính sách phá giá VND chỉ tác động mạnh tới tăng trưởng GDP, khi nhu cầu trong nước của nền kinh tế ở trạng thái yếu và có thể dẫn đến nguy cơ dư thừa công suất. Lúc đó việc phá giá sẽ thúc đẩy các nguồn lực dư thừa hướng về xuất khẩu và quá trình này đòi hỏi phải có thời gian.
Các tính toán cho thấy, nếu phá giá VND 1%, xuất khẩu sẽ tăng hơn 1% sau khoảng 2 năm.
Vào thời điểm hiện nay, NHNN có thể tính toán nới tỷ giá thêm 1% để hỗ trợ xuất khẩu. Việc có nới tỷ giá tiếp hay không cần dựa vào tốc độ phục hồi của nền kinh tế trong quý II và quý III cũng như diễn biến về tỷ giá giữa các đồng tiền trên thế giới….
Nếu đúng như tuyên bố của NHNN thì biên độ để nới của tỷ giá chỉ còn 1% cho những tháng còn lại của năm 2015. Theo ông “quota” 1% có đủ sức tạo “sóng” trên thị trường không?
Thị trường luôn tham lam và sẽ tận dụng tối đa khoảng trống mà NHNN cho phép. Tuy nhiên, thị trường cũng đủ thông minh để không vượt quá giới hạn đỏ mà NHNN đã vạch ra.
Xin cảm ơn ông!
Khánh Nhi (thực hiện)