‘Rủi ro với VN-Index cao hơn nếu ông Trump đắc cử’

(VNF) – Theo ACBS, việc ông Donald Trump nắm quyền sẽ tạo ra cả thách thức và cơ hội đối với thương mại Việt Nam. Trong khi đó, áp lực giảm giá đồng Việt Nam và rủi ro ngắn hạn với VN-Index cao hơn.

Chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ cho nhiệm kỳ 2025-2029 sẽ sớm có kết quả cuối cùng sau cuộc tổng tuyển cử ngày 5/11/2024. Theo ABCS, với ảnh hưởng kinh tế và chính trị của Mỹ, kết quả bầu cử sẽ là một sự kiện quan trọng có tác động sâu rộng đến các quốc gia khác. Các tác động có thể được quan sát đầu tiên trên thị trường tài chính (cổ phiếu, trái phiếu và ngoại hối) và dần lộ diện ở các khía cạnh kinh tế và chính trị rộng lớn hơn.

Trong đó, Việt Nam, vốn là nền kinh tế “rất mở” – doanh thu thương mại chiếm 158% GDP, với Mỹ là đối tác xuất khẩu lớn nhất (xuất siêu 83 tỷ USD) và Trung Quốc là đối tác nhập khẩu lớn nhất (nhập siêu 49 tỷ USD) – cũng không tránh khỏi ảnh hưởng.

Tác động tới thương mại

Báo cáo của ACBS cho thấy, do cùng chia sẻ quan điểm về Trung Quốc, dù ông Donald Trump hay bà Kamala Harris giành chiến thắng, xu hướng “Trung Quốc +1” sẽ tiếp tục diễn ra, mang theo kỳ vọng về việc Việt Nam vẫn là điểm đến quan trọng cho FDI chuyển địa từ Trung Quốc. Theo đó, các doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp, vận tải & kho bãi sẽ được hưởng lợi nhờ sản lượng hàng hóa gia tăng.

screenshot 2024 11 05 at 211735 2118

Tuy nhiên, việc ông Trump lên nắm quyền sẽ tạo ra nhiều tác động hơn đối với thương mại Việt Nam, cả về rủi ro và cơ hội.

Cụ thể, chính sách thuế quan của ông Trump có thể khiến xuất khẩu của Việt Nam gặp thách thức trong ngắn hạn, đặc biệt là các doanh nghiệp thuỷ sản, dệt may, săm lốp, gỗ, thép. Bên cạnh nguy cơ bị áp thuế nhập khẩu và thuế chống bán phá giá, các doanh nghiệp này cũng có thể phải đối mặt với các chiến dịch điều tra nguồn gốc xuất xứ và các cuộc giải trình phức tạp hơn.

Về dài hạn, chính sách nói trên có thể khiến khiến hàng hoá nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn, từ đó kéo lùi nhu cầu tiêu dùng của Mỹ. Hệ quả, sản lượng và giá trị hàng xuất khẩu của Việt Nam vào quốc gia này sẽ sụt giảm.

Mặt khác, nhu cầu giảm từ Mỹ có thể hàng hoá giá rẻ của Trung Quốc tràn vào các thị trường khác và gây tổn hại đến ngành công nghiệp trong khu vực, bao gồm cả Việt Nam. Một số nghiên cứu cho thấy, trong điều kiện đó, GDP của Việt Nam có thể giảm gần 1% so với kịch bản dưới chính quyền của Harris.

Tuy nhiên, theo ACBS, khó khăn này có thể bù đắp phần nào nếu các doanh nghiệp Việt Nam lấy được một phần “miếng bánh” xuất khẩu từ Trung Quốc. Đơn vị này cho hay, Việt Nam có thể hưởng lợi từ sự thay thế thương mại nếu Mỹ tăng cường chuyển dịch khỏi hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Việc tái phân bổ thương mại này sẽ thúc đẩy GDP của Việt Nam tăng khoảng 0,5% so với kịch bản của chính quyền Harris.

Trong khi đó, ACBS không dự đoán sẽ có sự khác biệt đáng kể nào trong chính sách thương mại dưới chính quyền của Harris gây ảnh hưởng đến thương mại với Việt Nam.

Áp lực giảm giá đối với đồng Việt Nam

Theo ACBS, nếu ông Trump thắng cử và thực hiện các chính sách kinh tế của mình, đồng Việt Nam có khả năng phải đối mặt với áp lực giảm giá lớn hơn.

ACBS chỉ ra rằng, các chính sách mà ứng cử viên Đảng Cộng hoà đề xuất thực chất đều có thể làm tăng giá trị của đồng đô la Mỹ. Điều này sẽ khiến dư địa chính sách tiền tệ của Việt Nam không còn, từ đó tác động tiêu cực tới khả năng phục hồi của nền kinh tế nói chung và khả năng sinh lời của ngành ngân hàng nói riêng.

screenshot 2024 11 05 at 211812 2118

Trong khi đó, nếu bà Kamala Harris lên nắm quyền, áp lực giảm giá đối với đồng Việt Nam sẽ thấp hơn đáng kể.

Theo ACBS, chiến thắng của bà Harris mang tới kỳ vọng vào môi trường thương mại ổn định với rủi ro thuế quan đối với hàng nhập khẩu được giảm thiểu. Điều này có khả năng hỗ trợ sự ổn định của đồng Đô la Mỹ.

Mặt khác, áp lực lạm phát cũng được cho là sẽ thấp hơn dưới chính quyền của bà Harris – do thương mại toàn cầu không bị ảnh hưởng bởi các thuế quan quá mức hoặc các rối loạn thêm – có thể tạo ra sự tự tin lớn hơn trong các quyết định của FED về việc hạ lãi suất. Áp lực giảm giá đối với đồng Việt Nam theo đó cũng thấp hơn.

Rủi ro ngắn hạn với VN-Index

Về tác động tới thị trường chứng khoán Việt Nam, ACBS cho hay, không có đủ bằng chứng liên kết giữa sự chuyển động của VN-Index với danh tính hoặc mối quan hệ đảng phái của tổng thống Mỹ.

Qua quan sát diễn biến của VN-Index trong bốn cuộc bầu cử gần đây, đơn vị này nhận thấy thị trường ghi nhận hai xu hướng tăng ngắn và trung hạn sau cuộc bầu cử năm 2016 và 2020. Ngược lại, sau cả hai lần thắng cử của ông Obama vào năm 2008, 2012, VN-Index đã giảm nhẹ trong ngắn hạn trước khi tăng mạnh trong trung hạn.

“Do đó, những lo ngại về việc thắng cử của ông Trump hoặc bà Harris sẽ khiến VN-Index diễn biến theo một xu hướng báo trước nào đó, đặc biệt là trong ngắn hạn, dường như là không có cơ sở”, ACBS nhấn mạnh.

Tuy nhiên, đơn vị này cho rằng, rủi ro ngắn hạn đối với VN-Index và thị trường chứng khoán nói chung có thể cao hơn dưới thời tổng thống Trump so với tổng thống Harris.

“Điều này chủ yếu là do sự không chắc chắn mà ông Trump có thể đem lại cho môi trường kinh tế và tài chính toàn cầu. Theo lẽ thường, các thị trường chứng khoán coi sự không chắc chắn là “tiêu cực” ở giai đoạn đầu và chỉ sau đó mới đánh giá tác động thực sự của nó”, ACBS bình luận.

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin