Rúp mất hơn 10% giá trị sau khi Nga hạ lãi suất, USD và vàng cũng lao dốc

USD có vẻ như đang bước vào giai đoạn biến động “như tàu lượn”, quay đầu giảm trở lại trong phiên 26/5 sau khi biên bản cuộc họp tháng Năm của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho thấy lãi suất của Mỹ sẽ tăng thêm 50 điểm cơ bản trong cuộc họp tháng 6 và 7, nhưng vẫn để lại dư địa để ngân hàng trung ương Mỹ giảm tốc độ thắt chặt tiền tệ trong nửa cuối năm nay.

Chỉ số Dollar index (DXY) – so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt – lúc kết thúc ngày 26/5 theo giờ Việt Nam đã giảm 0,167% xuống 101,88.

Boris Schlossberg, giám đốc điều hành chiến lược tiền tệ của BK Asset Management cho biết: “Đồng đô la Mỹ không còn mạnh mẽ như cách đây vài tuần nữa.

Hầu hết những người tham gia cuộc họp tháng 5 của Fed đều đánh giá việc lãi suất tăng 50 điểm cơ bản tại các cuộc họp chính sách tháng 6 và tháng 7 có thể sẽ phù hợp để chống lạm phát – điều mà tất cả họ đều đồng ý quan điểm rằng đã trở thành mối đe dọa chính đối với hoạt động của nền kinh tế, biên bản cuộc họp của Fed công bố hôm thứ Tư (26/5) cho biết.

Cũng theo biên bản này, nhiều người trong số những người tham gia cuộc họp tin rằng việc tăng lãi suất một cách nhanh chóng sẽ khiến ngân hàng trung ương Mỹ có vị thế tốt vào cuối năm nay để đánh giá tác động của chính sách thắt chặt tiền tệ.

Điều đó cho thấy một chu kỳ thắt chặt vừa phải hơn sẽ diễn ra trong tương lai, ông Schlossberg nói.

DXY đã đạt mức cao nhất trong vòng gần 2 thập niên vào giữa tháng 5/2022, trên 105 điểm, nhưng những dấu hiệu cho thấy động thái tích cực tăng lãi suất của Fed có thể đã làm chậm lại đà tăng trưởng kinh tế khiến các nhà giao dịch giảm quy mô đặt cược vào tốc độ thắt chặt của Fed, khiến lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ cũng giảm từ mức cao nhất trong vòng nhiều năm.

Lợi suất của eurodollar vào tháng 6/2023 –dự đoán của thị trường về lãi suất ở thời điểm đó – giảm khoảng 80 điểm cơ bản trong tháng 5/2022, có nghĩa là “Đồng USD ở thời điểm hiện tại dao động trong một biên độ”, ông Schlossberg nói.

Lợi suất eurodollar dự kiến vào tháng 6/2023.

Dữ liệu công bố hôm thứ Năm (26/5) cho thấy số người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới giảm trong tuần trước, báo hiệu thị trường lao động nước này tiếp tục trong tình trạng thắt chặt.

Trong một báo cáo riêng cũng vào thứ Năm, Bộ Thương mại Mỹ xác nhận nền kinh tế suy thoái trong quý đầu tiên do thâm hụt thương mại cao kỷ lục và tốc độ tích lũy hàng tồn kho chậm hơn một chút so với quý IV/2021.

Về những loại tiền khác, đồng euro lúc kết thúc ngày 26/5 theo giờ Việt Nam tăng 0,33% lên 1,07135 USD, trong khi đồng USD giảm 0,08% so với yên Nhật, xuống 126,160 yên.

Đồng đô la Australia và đô la New Zealand, được coi là các đồng tiền nhạy cảm với rủi ro, ít thay đổi so với đồng bạc xanh trong phiên vừa qua.

Đồng bảng Anh có thời điểm tăng vọt lên mức cao nhất trong vòng 3 tuần, là 1,26165 USD, trước Thủ tướng Anh Rishi Sunak thông báo về một gói các biện pháp hỗ trợ người tiêu dùng đối phó với hóa đơn năng lượng tăng cao. Tuy nhiên, lúc kết thúc ngày 26/5, bảng Anh giảm giảm 0,12% xuống 1,2569 USD.

Đáng chú ý, rúp Nga giảm hơn 10% trong phiên vừa qua, xuống mức thấp nhất trong vòng gần 2 tuần do Nga cắt giảm lãi suất thêm một lần nữa.

Ngân hàng trung ương Nga đã cắt giảm 300 điểm cơ bản lãi suất lần thứ ba liên tiếp, về mức 11% và đề xuất sẽ cắt giảm nhiều hơn nữa khi rủi ro lạm phát giảm bớt. Lãi suất giảm kéo chi phí đi vay giảm trở lại, sau đợt tăng lãi suất khẩn cấp lên 20% vào cuối tháng hai.

Tại một hội nghị ngân hàng ở Moscow, Thống đốc Elvira Nabiullina cho biết ngân hàng trung ương đã ngăn chặn vòng xoáy lạm phát và sẽ hạ dự báo lạm phát năm 2022 từ mức 18-23%, nhắc lại tín hiệu của ngân hàng rằng họ có thể cắt giảm lãi suất hơn nữa trong cuộc họp tiếp theo vào ngày 10/6.

Rúp Nga kết thúc phiên 26/5 giảm khoảng 10% so với đồng USD, xuống 65,70 RUB, mức thấp nhất kể từ ngày 12 tháng 5, và lùi xa khỏi mức 55,80, cao nhất kể từ tháng 2 năm 2018 đạt được vào thứ Tư. So với euro, rúp Nga phiên vừa qua cũng giảm 14% xuống 69,50, cũng là mức thấp nhất trong hai tuần, sau khi chạm mức cao nhất trong bảy năm là 57,10 trong phiên trước đó.

Nhân dân tệ Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất 1 tuần so với USD do các nhà đầu tư lo ngại về suy thoái kinh tế của Trung Quốc có thể sẽ kéo dài.

Tại một cuộc họp cấp cao hiếm hoi để bàn giải pháp hỗ trợ nền kinh tế, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết Trung Quốc sẽ “nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế trở lại bình thường” trong quý hai và ngăn chặn tình trạng thất nghiệp gia tăng.

Đồng nhân dân tệ trên thị trường nội địa kết thúc phiên vừa qua giảm 250 pip, hay 0,37%, xuống 6,7190 CNY.

Đồng Bitcoin tiếp tục giảm giá nhẹ, lúc kết thúc ngày 26/5 giảm khoảng 1% xuống khoảng 29.500 USD. Đồng Ether phiên này giảm mạnh hơn, mất trên 5%.

Giá Bitcoin ngày 26/5.

Giá vàng tiếp tục giảm do kế hoạch tích cực thắt chặt chính sách tiền tệ Fed làm giảm sức hút của kim loại này. Thị trường chứng khoán hồi phục cũng góp phần gây áp lực lên giá vàng.

Kết thúc ngày 26/5 theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay giảm 0,3% xuống 1.848,06 USD/ounce; vàng giao tháng 6 vững ở mức 1.846,50 USD.

Bart Melek, người đứng đầu chiến lược hàng hóa của TD Securities, cho biết: “Biên bản cuộc họp của Fed không thay đổi bất cứ điều gì. Thị trường đã bắt đầu nhận ra Fed sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp mạnh mẽ để kiểm soát lạm phát”.

Tham khảo: Refinitiv, Coindesk

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin