Dưới lăng kính màu hồng của Altman, AI không chỉ là công cụ mà còn đưa nhân loại đạt đỉnh cao thịnh vượng nhờ siêu trí tuệ. Nhưng đây là ảo tưởng hay thực tế?
CEO của OpenAI Sam Altman vừa công bố một bài viết mới về tương lai của trí tuệ nhân tạo (AI), gây xôn xao trong giới công nghệ.
Từ lâu, cha đẻ ChatGPT đã coi AI như là chìa khóa giải quyết các vấn đề lớn của nhân loại. Lần này, ông đưa mọi thứ lên một tầm cao mới: “god mode” – chế độ của những vị thần sáng tạo, thay đổi tương lai loài người.
Những tuyên bố mơ hồ và thổi phồng
Ông tuyên bố rằng nhân loại đang trên bờ vực của một cuộc cách mạng siêu trí tuệ. Trong vài thập kỷ tới, chúng ta sẽ có thể làm được những điều mà ông bà chúng ta tưởng như là phép thuật.
“AI sẽ cung cấp cho con người những công cụ để giải quyết các vấn đề khó và giúp chúng ta bổ sung những ‘trụ cột’ mới vào ‘giàn giáo của sự tiến bộ’ mà chúng ta chưa thể tự mình tìm ra”, ông viết.
Song, theo TechCrunch, những người hoài nghi có thể càng thêm cảnh giác với những lời tuyên bố quá mơ hồ và thổi phồng của ông. Người dùng @sharkjacobs trên Hacker News đã bày tỏ nghi ngờ về cả những người phát triển AI lẫn tiềm năng thực sự của công nghệ này.
“Tôi không phải là người hoài nghi về AI, tôi sử dụng các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) hàng ngày và thấy chúng rất hữu ích. Nhưng những phát ngôn như thế này khiến tôi rất hoài nghi về những người đang tạo ra và bán AI”, người dùng viết.
Bài viết của Altman bao quát nhiều khía cạnh, từ việc AI sẽ giúp nhân loại vượt qua giới hạn đến thay đổi hoàn toàn cách thức làm việc, học tập. “Mỗi người sẽ có một đội ngũ AI cá nhân, gồm những chuyên gia ảo ở nhiều lĩnh vực khác nhau, làm việc cùng nhau để tạo ra gần như bất kỳ thứ gì chúng ta tưởng tượng”, cha đẻ ChatGPT hình dung.
Sam Altman, giám đốc điều hành và đồng sáng lập OpenAI, phát biểu trong phiên điều trần tại Thượng viện vào tháng 5/2023. Ảnh: Bloomberg. |
Mặc dù rất hấp dẫn, ý tưởng này cũng đặt ra nhiều câu hỏi. Liệu việc tạo ra “gần như bất kỳ thứ gì” có thật sự là điều tốt? Liệu những “chuyên gia ảo” này có thực sự là những trí tuệ độc lập hay chỉ đơn thuần là tổng hợp lại kiến thức của các chuyên gia người thật?
Một trong những ý tưởng của Sam Altman là việc trẻ em sẽ có “gia sư ảo”, cung cấp chương trình học điều chỉnh theo nhu cầu cá nhân. Đây có thể là một giải pháp tiềm năng cho những gia đình không có điều kiện thuê gia sư riêng.
Tuy nhiên, Altman không nêu rõ AI sẽ được kiểm chứng và quản lý thế nào để đảm bảo chất lượng giáo dục cho trẻ em. Việc giao phó vai trò quan trọng như vậy cho một cỗ máy đòi hỏi phải được nghiên cứu kỹ lưỡng và thử nghiệm trong thời gian dài.
Bên cạnh đó, Altman cũng cho rằng AI sẽ cải thiện dịch vụ y tế, giúp tạo ra phần mềm y khoa theo nhu cầu cá nhân. Dù việc áp dụng AI trong y học có rất nhiều triển vọng, tuyên bố AI sẽ làm “tất cả những gì con người có thể tưởng tượng” có vẻ đang quá đề cao vai trò của công nghệ này. Y tế là một lĩnh vực phức tạp và không dễ dàng bị thay thế hoàn toàn bởi máy móc, ít nhất là trong tương lai gần.
Trong bài viết, CEO OpenAI còn đề cập đến thịnh vượng toàn cầu. Ông tuyên bố nhân loại đang đứng trước “bước nhảy vọt tiếp theo của sự thịnh vượng” và tin tưởng rằng AI sẽ “cải thiện rất lớn cuộc sống của con người trên toàn thế giới”.
Đây là một giấc mơ đẹp, nhưng cũng là điểm khiến Altman bị chỉ trích nhiều nhất. Việc Altman đề cập đến sự thịnh vượng mà không đưa ra cách cụ thể để AI đạt được điều này khiến những tuyên bố của ông trở nên thiếu thuyết phục.
“Giống như các cải tiến công nghệ khác, AI trong tương lai gần có thể dẫn đến tình trạng thất nghiệp trước khi tạo ra việc làm mới. Nếu nó giải phóng con người, họ sẽ trả tiền thuê nhà hoặc mua thức ăn như thế nào trong một xã hội tư bản – vốn quy đổi lao động thành chi phí sinh hoạt cho tất cả, trừ những người siêu giàu?”, TechCrunch viết.
Lời hứa viển vông về siêu trí tuệ
Trong bài viết, Altman cũng cảnh báo về những rủi ro nếu chúng ta không đầu tư đúng mực vào hạ tầng để hỗ trợ AI. Ông lo ngại rằng AI sẽ trở thành tài nguyên hạn chế và gây ra chiến tranh nếu không được phát triển hợp lý.
Đây là một viễn cảnh khá viển vông. Nhiều người cho rằng Altman đang cố tình tạo ra tâm lý hoảng loạn để thúc đẩy các chính phủ và doanh nghiệp đầu tư vào AI nhiều hơn.
Một câu hỏi lớn đặt ra ở đây là nếu AI thực sự có khả năng mang lại thịnh vượng toàn cầu, ai sẽ là người được hưởng lợi? Altman vẽ nên một bức tranh lạc quan về tương lai, nhưng nhiều người lo ngại rằng sự phát triển của AI có thể làm tăng thêm sự bất bình đẳng. Bởi công nghệ này có thể dễ dàng bị lợi dụng để phục vụ cho những người giàu có, thay vì mang lại lợi ích cho toàn bộ nhân loại.
Một trong những tuyên bố gây tranh cãi nhất của Altman là khả năng đạt được siêu trí tuệ nhân tạo (superintelligence) hay trí tuệ nhân tạo tổng quát (AGI) trong vòng vài nghìn ngày. Theo TechRadar, siêu trí tuệ sẽ giúp AI vượt qua những bộ óc thông minh nhất của con người và trở thành công cụ đưa sự phát triển lên một tầm cao mới.
CEO OpenAI viết: “Có thể chúng ta sẽ có được siêu trí tuệ trong vài nghìn ngày nữa, có thể sẽ lâu hơn. Nhưng tôi tin chắc chúng ta sẽ đạt được điều đó”.
Không chỉ là một giải pháp thay thế cho Google hay công cụ giúp làm bài tập về nhà, Altman cho rằng AI sẽ thay đổi sự tiến bộ của nhân loại. Ảnh: AA Photo. |
Đối với nhiều chuyên gia, AGI vẫn là một khái niệm mơ hồ. Có nhiều ý kiến cho rằng việc đạt được AGI là một thách thức không hề nhỏ, ít nhất là ở mức độ như những gì Altman miêu tả. Theo TechCrunch, điểm kết thúc của AI có thể là những mô hình thông minh hơn, nhưng không nhất thiết phải là những mô hình có khả năng hiểu biết tương đương với con người.
Trong suốt bài viết, cha đẻ ChatGPT nhấn mạnh rằng tương lai của AI sẽ là một kỷ nguyên của trí thông minh (The Intelligence Age).
Ông cho rằng sự phát triển của AI sẽ mang lại những thành tựu đáng kinh ngạc, từ việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu đến thiết lập các thuộc địa không gian và thậm chí là giải mã toàn bộ các ngành khoa học. Với nhiều người, những tuyên bố này nghe như từ một tiểu thuyết khoa học viễn tưởng hơn là một dự báo thực tế.
Tuy nhiên, giữa những lời ca ngợi và hứa hẹn, Altman cũng thừa nhận rằng sự phát triển của AI không hoàn toàn tích cực. Ông viết: “Đây sẽ không phải là một câu chuyện hoàn toàn tích cực, nhưng mặt tích cực quá lớn đến mức chúng ta nợ bản thân mình và cả tương lai, phải tìm ra cách để đối mặt với những rủi ro phía trước”.
Dùng ChatGPT thế nào để không tạo ra nội dung vô tri
Sự phát triển của AI mở ra nhiều tiềm năng nhưng cũng có không ít mối lo đối với ngành xuất bản, đặc biệt là nhóm tác giả viết sách.
Các tác giả sách cần phải chấp nhận sự vươn lên của AI, sử dụng chúng như một “siêu trợ lý” thay vì chối bỏ trào lưu. Chia sẻ với Tri thức – Znews, nhiều cây viết cho rằng người làm sách vẫn có thể đứng vững trong thời đại AI nếu biết cách tận dụng sức mạnh của trí tuệ nhân tạo.