Ở độ tuổi ngoài 50, chỉ vấp ngã hay trượt chân cũng có thể gây ra những chấn thương nghiêm trọng cho cơ thể, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng cũng như chất lượng cuộc sống của người cao tuổi.
Té ngã là tai nạn bất ngờ rất phổ biến ở người cao tuổi. Theo thống kê của Hội đồng Lão khoa quốc gia Hoa Kỳ (NCOA), trong vòng một năm, cứ 4 người trên 65 tuổi thì có 1 người bị té ngã.
Tuổi càng cao, hậu quả của việc té ngã càng nặng, Tại Pháp, 90% trường hợp ngã gặp ở người trên 65 tuổi. 33% người trên 65 tuổi bị ngã 1 lần/năm, trong khi ở người trên 80 tuổi thì cứ trong 2 người có 1 người bị ngã 1 lần/năm.
Nguy hiểm là thế nhưng đây là vấn đề ít được mọi người quan tâm, thường bị bỏ qua khi thăm khám người cao tuổi. Tuy nhiên, khi người cao tuổi bị ngã thì đó là dấu hiệu báo động, là tiên lượng xấu và là dấu ấn của hội chứng dễ bị tổn thương ở người già.
Té ngã ở người già gây ra hậu quả gì?
Té ngã ở người cao tuổi có thể dẫn đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng đối với sức khỏe như:
Tử vong: Té ngã là một trong những nguyên nhân dẫn đến tử vong ở người cao tuổi. các chấn thương do ngã có thể gây mất chức năng, gây nhiều biến chứng nặng nề, có thể cướp đi mạng sống của người già như chấn thương sọ não, gãy cổ xương đùi hoặc tử vong trong thời gian nằm viện.
Theo một số thống kê, 25% bệnh nhân tử vong trong những năm tiếp theo lần ngã đầu tiên,
Chấn thương: Đau phần mềm hoặc gãy xương (cổ xương đùi, xương đùi, xương cánh tay, xương cổ tay, xương sườn) gây giảm vận động và sống phụ thuộc.
Nằm viện: Các biến chứng do nằm bất động, tăng nguy cơ của tai biến do điều trị.
Tàn tật: Giảm khả năng vận động do những tổn thương thực thể. Chỉ có khoảng 25% các trường hợp ngã có thể hồi phục chức năng sinh hoạt hàng ngày.
Ảnh hưởng tâm lý: Người cao tuổi thường mắc phải hội chứng sợ sau ngã (nằm liệt giường do sợ không dám đi lại, mất tự tin vào bản thân).
Hậu quả về tài chính: 20% các trường hợp ngã cần can thiệp y tế. Ở Pháp, mỗi năm tiêu tốn đến 1 tỷ 34 triệu euro để chi trả cho các chi phí y tế liên quan đến té ngã.
Nguyên nhân và các yếu tố rủi ro dẫn đến té ngã
Cùng với quá trình lão hóa của cơ thể, thị lực, thính giác và phản xạ của người cao tuổi cũng không còn nhạy bén như trước. Bên cạnh đó, tuổi cao khiến cho chân tay yếu dần, khả năng giữ thăng bằng của cơ thể giảm, gây rối loạn thăng bằng.
Ngoài ra, các bệnh tim mạch, các vấn đề về dây thần kinh, tuyến giáp, dây thần kinh có thể ảnh hưởng đến việc giữa thăng bằng cho cơ thể người già.
Các loại thuốc điều trị bệnh như thuốc hướng thần, thuốc hạ áp, chống trầm cảm, an thần cũng có thể là tác nhân khiến người cao tuổi cảm thấy chóng mặt hoặc buồn ngủ, khiến họ dễ bị ngã.
Các nguyên nhân khác bao gồm các nguy cơ về an toàn trong gia đình hoặc môi trường cộng đồng như : Người già sống cô độc, vật dụng trong nhà thiết kế không phù hợp (ghế, giường quá thấp hoặc quá cao; Quần áo, giầy dép quá rộng hoặc quá chật, ánh sáng không đầy đủ, hay quá sáng…)
Các phương pháp phòng ngừa té ngã hiệu quả ở người cao tuổi
1. Biện pháp chung phòng tránh ngã:
– Điều chỉnh thị lực, thính lực
– Điều chỉnh giầy dép, quần áo: Chọn loại quần áo, giầy dép phù hợp, tránh tình trạng bàn chân biến dạng, gây đau nhức hoặc khó khăn khi di chuyển.
-Bổ sung dinh dưỡng cho cơ thể: điều trị dự phòng thiếu hụt canxi, vitamin D, điều trị loãng xương, uống đủ nước…
– Xây dựng không gian sống an toàn : Bổ sung tay vịn, đủ ánh sáng, bài trí bàn ghế hợp lý…
2. Với người cao tuổi khỏe, nguy cơ thấp hoặc không có yếu tố nguy cơ
Thường xuyên tập luyện nâng cao sức khỏe: Tập thể dục thường xuyên không những giúp người cao tuổi khỏe mạnh, tăng cường sự dẻo dai mà còn mang đến tinh thần thoải mái, trí óc minh mẫn. Tuy nhiên, cần lựa chọn hình thức vận động phù hợp theo thể trạng cũng như sức khỏe của người cao tuổi như các bài tập sức bền: Đi bộ, bơi, cầu lông… Hay bài tập thăng bằng, yoga…
3. Nhóm người cao tuổi dễ bị tổn thương và có nguy cơ ngã: Cần can thiệp đa yếu tố
– Điều trị và phục hồi chức năng sớm bệnh mạn tính/cấp tính
– Xem xét đổi thuốc đang dùng có nguy cơ gây ngã
– Tập luyện thăng bằng, tăng cường sức mạnh cơ thích nghi với tình trạng sức khỏe
– Sử dụng dụng cụ trợ giúp di chuyển: Sử dụng gậy và khung tập đi thích hợp có thể ngăn ngừa ngã, cải thiện bước đi và thăng bằng, giảm bớt sự phụ thuộc.