Sau COVID-19, học online sẽ ra sao?

TTO – Rất bất ngờ, ông Nguyễn Chí Hiếu – sáng lập Tổ chức giáo dục IEG – nhận thấy số tiết dạy online sau dịch mình đảm nhận còn nhiều hơn trong dịch. Đến nay, ông gần như không còn dạy offline, chỉ dạy online.

Sau COVID-19, học online sẽ ra sao? - Ảnh 1.

Giáo viên tiếng Anh đang sử dụng nền tảng giảng dạy từ xa với nhiều công cụ được tích hợp cùng lúc – Ảnh: TRỌNG NHÂN

Câu hỏi này đã làm nóng triển lãm Công nghệ giáo dục 2022 (CTE 2022) lần đầu tiên được tổ chức tại TP.HCM, quy tụ hơn 15 doanh nghiệp, các nhà khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ giáo dục (edtech).

Hết dịch, dạy online nhiều hơn

Từ chính công việc giảng dạy của mình, ông Nguyễn Chí Hiếu – sáng lập Tổ chức giáo dục IEG – nhận thấy số tiết dạy online sau dịch mình đảm nhận còn nhiều hơn trong dịch. Đến nay, ông gần như không còn dạy offline, chỉ dạy online.

Đối tượng theo học ngày càng mở rộng. Học viên không chỉ từ các thành phố lớn mà hầu hết cả nước. Trong một tiết, các bạn từ ba miền Bắc, Trung, Nam, thậm chí ở nước ngoài, sẽ học chung với nhau.

Ông Hiếu cho biết thêm trong những chuyến đi tư vấn giáo dục, ông nhận thấy hầu hết các cơ sở giáo dục ngoài giờ, như các trung tâm ngoại ngữ, đã trở lại học trực tiếp. Nhưng phần lớn các cơ sở này vẫn duy trì các lớp online, tiếp cận học viên ở xa.

Các trường học chính quy lại chia thành 2 nhóm. Trường công lập đa phần không còn dạy online, công cụ trực tuyến chỉ được giữ lại cho một số đầu việc về quản lý. Các trường tư thục hay trường quốc tế lại có xu hướng chuyển sang mô hình kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp. Giáo viên sẽ cân nhắc những học phần hay bài học nào sẽ dạy online hay offline.

Về tâm lý, nhiều phụ huynh đã không còn “ác cảm” với học online như hồi đầu dịch. Ông Hiếu cho rằng giờ đây phụ huynh sẽ ưu tiên nơi học tốt nhất cho con, bất kể là on hay off. Nghĩa là nếu một khóa học online có nội dung vượt trội so với offline, phụ huynh sẽ lựa chọn online.

Sau COVID-19, học online sẽ ra sao? - Ảnh 2.

Buổi thảo luận trong hội thảo được diễn ra kết hợp 2 hình thức trực tiếp và trực tuyến – Ảnh: TRỌNG NHÂN

Ông Nguyễn Ngô – giám đốc phát triển sản phẩm của Hocmai (Galaxy Education) – chia sẻ trong mùa dịch, mỗi ngày có hơn 1.000 lớp học online của đơn vị này được triển khai. Hiện nay số tiết học từ xa của Galaxy Education vẫn không hề có dấu hiệu suy giảm.

Bà Đào Lan Hương – giám đốc điều hành của start-up công nghệ giáo dục Teky – cho biết sau COVID-19, các lớp học offline của Teky đã trở lại trên cả nước. Tuy nhiên đáng chú ý, 50% trong số các lớp hiện nay theo hình thức kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp. Và trong số các lớp kết hợp này, phân nửa đang được dạy hoàn toàn online.

Edtech sẽ thay đổi ra sao?

Ông Vương Nhật Anh – chuyên gia từ Quỹ đầu tư mạo hiểm Do Ventures – cho biết quỹ hiện đang đầu tư khoảng 5 start-up trong lĩnh vực edtech của Việt Nam. Sau mùa dịch, dư địa phát triển cho các công ty vẫn còn rất lớn.

Nhiều bài toán giáo dục vẫn đang cần được giải quyết bằng công nghệ như vấn đề quản lý học sinh, quản lý phụ huynh, đo lường khả năng học tập, đánh giá tiến bộ hay thiết kế lộ trình theo hướng cá nhân hóa…

Riêng với các edtech đã và đang phát triển mạnh mẽ trong mùa dịch sẽ phải tiếp tục tối ưu hóa các công cụ.

Chẳng hạn, một phần mềm dạy học trực tuyến có 10 tính năng, trong tình hình mới, nhiều tính năng sẽ không còn phù hợp. Khi tối ưu hóa một vài công cụ và cho thấy sự vượt trội so với khi học trực tiếp, edtech ấy vẫn có thể phát triển hơn nữa sau COVID-19.

Sau COVID-19, học online sẽ ra sao? - Ảnh 3.

Phần mềm làm thí nghiệm hóa học ảo – Ảnh: TRỌNG NHÂN

Bà Trương Lê Quỳnh Tương – giám đốc ClassIn Đông Nam Á – cho rằng tương lai của các edtech sau COVID-19 có thể sẽ là hình thành những hệ sinh thái công nghệ giáo dục. Ví dụ, ClassIn sẽ không dừng lại ở một nền tảng học trực tuyến, mà sẽ phát triển thêm những phần mềm bổ trợ như chuyển đổi số sách vở, tài liệu học thuật…

“Một hệ sinh thái edtech trong tương lai sẽ có sự kết hợp giữa các nền tảng, phương pháp giáo dục, nội dung giảng dạy và giáo trình công nghệ”, bà Tương nói.

Ông Nguyễn Chí Hiếu cho rằng chất lượng của một edtech sẽ không phụ thuộc hoàn toàn vào công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR). Thay vào đó, quyết định cho sự thành công là bài toán liệu giáo viên có sử dụng hiệu quả những edtech này để nâng cao chất lượng dạy học hay không?

Đôi lúc, edtech được triển khai một cách “ép buộc” lại là “gánh nặng” cho giáo viên. Đơn cử với một số phần mềm quản lý học sinh hiện nay, giáo viên phải cặm cụi nhập liệu mỗi tối, rất mệt mỏi.

Theo ông Hiếu, người làm edtech cần đi thật sâu vào giáo dục. Ông thường khuyên những người muốn đầu tư vào edtech nên “theo chân” giáo viên, để ít nhất biết được một ngày làm việc của họ ra sao, gặp những áp lực gì, kỹ năng công nghệ tới đâu…

Khi thật sự hiểu được các hoạt động giáo dục đang diễn ra, giải pháp edtech mới đi vào thực chất. “Theo tôi, trong từ ‘edtech’, yếu tố ‘ed’ (giáo dục) phải đi trước ‘tech’ (công nghệ). ‘Edtech’ sẽ phát triển từ nơi xuất phát của nó, chính là trường học”, ông Hiếu nói.

Hàn Quốc áp dụng công nghệ 4.0 vào giáo dục phổ thông Hàn Quốc áp dụng công nghệ 4.0 vào giáo dục phổ thông

Hàn Quốc chính thức xúc tiến dự án chuyển đổi các trường học theo mô hình mới mang tên ‘Trường học tương lai’ có thể giảng dạy trực tiếp và trực tuyến.

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin