Phát hiện bệnh giai đoạn cuối khi bước sang tuổi 30, song bằng việc thực hiện 2 điều này ông vẫn khoẻ mạnh ở thời điểm hiện tại.
Khi vị bác sĩ Lương Mạnh bước sang tuổi 58, ít ai có thể ngờ rằng ông đã chiến đấu với căn bệnh ung thư trong suốt 28 năm qua. Sinh năm 1965, hiện ông là Giám đốc kiêm bác sĩ trưởng khoa Thận của một bệnh viện tại Trung Quốc. Ông đã có nhiều thành tích trong giảng dạy và nghiên cứu.
Tuy nhiên số phận thật bất công, Lương Mạnh được chẩn đoán mắc bệnh ung thư ruột kết vào năm 1995. Khi đó, ông mới vừa 30 tuổi. Theo lời chia sẻ của vị bác sĩ này, ngày hôm đó ông đột nhiên bị ngất. Sau khi cấp cứu, bác sĩ khám và phát hiện ông mang căn bệnh ung thư đại tràng.
Bác sĩ Lương Mạnh cho biết vào thời điểm đó ông vừa nộp đơn xin thành lập khoa thận đầu tiên ở tây nam Phúc Kiến, Trung Quốc. Tuy nhiên, bệnh tình của ông tiến triển theo chiều hướng xấu, tế bào ung thư đã di căn đến phổi, cần phải thực hiện một cuộc phẫu thuật.
Vừa là bác sĩ, vừa là bệnh nhân, Lương Mạnh hiểu rất rõ nỗi đau của người mang căn bệnh quái ác này. Sau nhiều đợt hoá trị, ông dần rụng hết tóc và sụt hơn chục kg.
Dẫu đau ốm, song ông vẫn sắp xếp thời gian để làm việc và đọc sách. Để thuận tiện, ông thậm chí còn nhờ bố mang tài liệu đến phòng bệnh để tiếp tục nghiên cứu. Trước khi phẫu thuật cắt bỏ các mũi khâu, ông vẫn còn mang ống dẫn lưu trong ổ bụng để đi dự hội nghị chuyên khoa thận ở khắp các nơi. Ngay cả khi thay băng, bác sĩ Lương Mạnh vẫn tư vấn qua điện thoại để phân tích tình trạng của bệnh nhân.
Trong hơn 20 năm qua, vị bác sĩ này đã trải qua hơn 10 ca phẫu thuật lớn nhỏ. Ông đã quá quen với việc truyền dịch vào ban đêm và tiếp tục làm việc vào ngày hôm sau. Dẫu khó khăn nhưng Lương Mạnh chưa bao giờ phàn nàn cũng như có ý định bỏ cuộc.
Vẫn tiếp tục sống và hành nghề trong 2 thập kỷ sau khi mắc bệnh ung thư, vị bác sĩ này cho biết chìa khoá thành công của ông là 2 điểm sau:
1. Duy trì thái độ sống tích cực
Cuộc đời vốn vô thường. Trước những biến cố, một số người chọn cách đầu hàng. Những cá nhân tích cực hơn lại chọn đi tiếp bằng cách miệt mài lao động, nung nấu nhiệt huyết với cuộc sống.
Rõ ràng, Lương Mạnh là người chọn cách đối đầu để có được cơ hội đi tiếp. Quên đi những hạn chế của bệnh tật, ông lao vào công việc. Ông xem cứu người là lý do và là động lực sống duy nhất của mình.
Bởi vậy, khi mắc căn bệnh hiểm nghèo ở giai đoạn cuối nhưng ông không hề ủ rũ mà duy trì thái độ sống tích cực, lạc quan, củng cố mục tiêu sống, nghiêm túc sống từng ngày quý giá.
Theo thống kê y khoa được đăng tải trên CNN cho thấy trong số bệnh nhân tử vong vì ung thư có ⅓ do sợ hãi cái chết. Thực tế, căn bệnh ung thư không quá đáng sợ. Cái đáng sợ chính là chúng ta gục ngã trước khi bắt đầu chiến đấu.
Giám đốc khoa Ung bướu của Bệnh viện ĐH Y khoa Trung Quốc cho rằng các tế bào ung thư sợ nhất khi bạn duy trì tâm trạng tốt. Điều đó có nghĩa là những cảm xúc tiêu cực như thất vọng, lo lắng là điều kiện để các tế bào ung thư xâm lấn cơ thể bạn.
Một viện sĩ Trung Quốc từng nói rằng một nửa sức khoẻ là sức khoẻ tinh thần và một nửa bệnh tật là bệnh tâm thần.
Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng khi một người tức giận, hormone căng thẳng được sản xuất trong cơ thể có thể sát hại một con chuột. Lo lắng, tức giận kéo dài sẽ dẫn đến nồng độ hormone căng thẳng gia tăng, giảm khả năng miễn dịch của cơ thể, tạo cơ hội cho ung thư phát triển.
Theo bác sĩ Lương Mạnh, trước hết, người bệnh cần bình tĩnh đối mặt với căn bệnh của mình. Hãy hít thở thật sâu khi có điều gì không ổn. Nếu không thể giải quyết vấn đề của mình, bạn nên đến gặp bác sĩ tâm lý.
Đồng thời, người nhà bệnh nhân cũng nên lắng nghe, kiên nhẫn và động viên người bệnh. Mục đích là nhằm giúp họ ổn định cảm xúc giúp bệnh nhân yên tâm khi điều trị.
2. Có thói quen sinh hoạt tốt
Không chỉ thái độ sống tích cực và lạc quan giúp bác sĩ Lương Mạnh tiếp tục sống khoẻ, ông còn duy trì thói quen sinh hoạt khoa học. Ngoài công việc, ông vẫn dành thời gian cho những đam mê riêng như viết thư pháp, chơi đàn.
Hầu như sáng nào ông cũng chạy bộ, hít thở không khí trong lành nhằm giúp tinh thần sảng khoái. Đây cũng là môn thể thao phù hợp với nhiều đối tượng. Không chỉ đốt chất béo trong cơ thể, bài vận động này còn giúp tăng cường sức đề kháng.
Ngoài chạy bộ, bạn cũng có thể bơi lội. Hình thức tập luyện này có tác dụng rõ ràng trong việc cải thiện sức khoẻ, làm tăng dopamine – một chất dẫn truyền thần kinh có tác dụng chống khối u và điều hoà miễn dịch.