Đây là nhận định của TS. Trương Văn Phước, chuyên gia kinh tế tại Diễn đàn Cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam lần thứ hai – năm 2024. Ông cho rằng không cần phải tăng lãi suất để hạ tỷ giá vì đó là cái giá phải trả cho một nền kinh tế đang cần chi phí vốn rẻ.
Tại Diễn đàn Cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam lần thứ hai – năm 2024 (Vietnam Wealth Advisor Summit 2024) do Báo Đầu tư phối hợp với Cộng đồng Cố vấn tài chính Việt Nam (VWA) tổ chức, TS. Trương Văn Phước, chuyên gia kinh tế cho rằng tỷ giá sẽ sớm hạ nhiệt.
“Không cần phải lo tỷ giá đến thế. Sẽ không có chuyện tỷ giá vượt 26.000 đồng/USD vì có thể tháng 7 Mỹ sẽ cắt giảm lãi suất chứ không phải tháng 9 như nhiều dự báo”, ông Phước nói. Theo vị chuyên gia, ngoài câu chuyện kinh tế thì cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ có tác động đến hành động cắt giảm lãi suất của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED). Ông Phước cũng nói thêm: Dù Mỹ cắt giảm lãi suất thời điểm nào, tháng 7 hay tháng 9 thì kỳ vọng của thị trường là đô la Mỹ phải giảm giá. Khi cắt giảm lãi suất, chỉ số DXY sẽ rớt xuống 100 điểm.
Về mức mất giá của VND thời gian vừa qua, ông Trương Văn Phước cho rằng, nếu xét về cân đối, lẽ ra chúng ta có thể không để VND bị mất giá đến 5% chỉ trong 1 quý. Các cân đối ở đây là xuất siêu, lạm phát thấp, lãi suất,… là những yếu tố giúp tỷ giá ổn định.
“Đừng sử dụng thuốc kháng sinh liều cao để chống bệnh đường ruột. Nếu xem tỷ giá là bệnh đường ruột thì kháng sinh liều cao đó chính là lãi suất. Nếu đẩy lãi suất lên cao để trị tỷ giá thì quá đơn giản, nhưng đó là cái giá phải trả cho một nền kinh tế đang cần chi phí vốn rẻ để tăng trưởng”, ông Phước nói.
Trong khi đó, bình luận về câu chuyện tỷ giá, ông Tống Quốc Đạt, Trưởng phòng Phân tích thị trường cấp cao Exness Investment Bank có góc nhìn khác. Ông Đạt cho rằng đồng USD có thể sẽ vẫn mạnh trong thời gian dài.
“80% ngân hàng lớn trên thế giới dự báo đồng USD sẽ giảm mạnh trong năm nay với cơ sở là FED sẽ giảm lãi suất trong nửa đầu năm 2024. Tuy nhiên, có nhiều sự thay đổi xảy ra trong đầu năm 2024, nền kinh tế Mỹ vẫn mạnh. Nếu so lãi suất thực thì hiện tại dù Mỹ có khả năng sẽ giảm lãi suất trong tháng 9 thì tương quan lãi suất thực so với các nước G7 vẫn cao hơn”, ông Đạt cho biết. Theo vị chuyên gia, khi Mỹ giảm lãi suất thì các nước khác cũng giảm, thậm chí với tốc độ nhanh hơn. Nhiều khả năng NHTW Châu Âu (ECB) là NHTW đầu tiên giảm lãi suất, ngay trong ngày hôm nay, song điều đáng quan tâm hơn của thị trường thời điểm này là phát biểu của ECB về lộ trình giảm lãi suất tiếp theo.
Ông Đạt cho biết, lạm phát của Châu Âu đang trong xu hướng rõ ràng hơn so với Mỹ, trên đà giảm và ổn định, chắc chắn hơn. Vì vậy, Châu Âu nhiều khả năng sẽ giảm lãi suất sớm và mạnh hơn so với FED. Điều đó vô hình chung lại củng cố sức mạnh đồng USD. Nếu ECB có động thái như vậy thì USD vẫn còn sẽ mạnh, có thể không tăng như các năm trước nhưng vẫn ở vùng mạnh.