Nữ Giám đốc tác vụ thông minh của Facebook đang thách thức vị trí lãnh đạo vốn thuộc về nam giới trong đế chế truyền thông, tạo ra hình mẫu của những phụ nữ cống hiến cho sự phát triển của ngành CNTT thế giới.
Khi Sheryl Kara Sandberg đọc bài diễn văn tại buổi lễ tốt nghiệp của các nữ sinh viên trường Barnard (Mỹ) hôm 17-5 vừa qua, nhiều nhà báo đã nói rằng họ nhớ lại cũng tại đây hai năm về trước người phụ nữ đầy quyền lực Hilary Clinton đã có một diễn văn sâu sắc tương tự.
Nữ Giám đốc tác vụ (COO) thông minh của Facebook – mạng xã hội lớn nhất toàn cầu với gần 700 triệu cư dân mạng – đang thách thức những vị trí lãnh đạo vốn thuộc về nam giới trong đế chế truyền thông, tạo ra hình mẫu về tài năng và ước vọng của những phụ nữ đang cống hiến cho sự phát triển của ngành công nghệ thông tin thế giới.
Sự xuất hiện của Sheryl tại Facebook vào tháng 3-2008 làm người ta nhớ lại người đã trở thành nữ nhân viên chính của Bộ trưởng Tài chính Lawrence Summers khi chưa tròn 30 tuổi vào những năm cuối thập niên 1990, và trong vai trò đó, bà đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, thậm chí còn vượt qua các chỉ thị của cấp trên trong quá trình tham gia điều trần của Thượng viện.
Năm 2001, cũng người phụ nữ đó đã biến một bộ phận khiêm tốn với chỉ bốn nhân viên tại Google thành một tổ chức với 4.000 con người tạo nên lợi nhuận khổng lồ cho tập đoàn hàng đầu thế giới về dịch vụ tìm kiếm thông tin này. Báo giới đã nhắc đến bà bằng những câu chuyện như: “Nếu ai muốn biết làm thế nào để kiếm được tiền từ thế giới Web 2.0 thì hãy đến hỏi Sheryl Sandberg”, hoặc “Nếu muốn tìm kiếm một người lãnh đạo thứ hai mà không làm lu mờ vai trò của người thứ nhất, người mà nhiều doanh nghiệp cần chính là Sheryl Sandberg”.
Ông chủ trẻ Mark Zuckerberg lúc đó mới 23 tuổi đã làm như thế, và chỉ ba năm sau Facebook đạt được lợi nhuận to lớn hàng tỉ Mỹ kim cùng với số người sử dụng tăng từ 66 triệu lên 640 triệu, và số nhân viên tăng từ 130 lên 2.500. Tất cả đã bắt đầu từ một con người rất nữ tính và giàu lòng chia sẻ.
Tư chất thiên phú
Sheryl Kara Sandberg |
Chào đời năm 1969 ở Washington DC trong một gia đình gồm sáu người con, hai năm sau Sheryl và các anh chị được cha là nha sĩ Joel Sandberg và mẹ là giáo viên tiếng Anh Adele đưa về sống ở North Miami Beach. Đến năm 1987, Sheryl đăng ký vào học tại trường Harvard College.
Cô sinh viên trẻ này được các giảng viên nhận xét là không chỉ rất giỏi và nhạy cảm về các vấn đề kinh tế mà còn là thành viên năng động của câu lạc bộ “Phụ nữ vì sự phát triển kinh tế và chính quyền” do chính mình lập ra nhằm khuyến khích nữ giới tham gia nhiều hơn nữa vào hai lĩnh vực này. Chương trình của Sheryl lọt vào tầm mắt của vị giáo sư nổi tiếng Lawrence Summers và ông đã tự nguyện bảo trợ luận án cử nhân kinh tế cho cô.
Năm 1991, vào lúc Sandberg tốt nghiệp với thứ hạng cao nhất thì Summers được đề cử làm nhà kinh tế trưởng cho Ngân hàng Thế giới (WB). Sheryl theo thầy về làm trợ lý nghiên cứu phụ trách các dự án sức khỏe cộng đồng tại Ấn Độ và từ đó phân tích hiệu quả kinh tế của việc đầu tư cho nữ giới.
Trong cuộc hội nghị các nhà tài chính thế giới năm 1992, hai thầy trò đã đưa ra quan điểm “đầu tư sinh lợi lớn nhất cho nền kinh tế thế giới là giáo dục các em gái”. Quan điểm này được chấp nhận và từ đó vấn đề dạy dỗ trẻ em không chỉ là mối quan tâm của bộ giáo dục mà còn là công việc của bộ tài chính mỗi nước.
Hết thời gian tập sự, Sheryl trở về Mỹ tiếp tục con đường học vấn tại Harvard Business School và nhận bằng Thạc sĩ xuất sắc năm 1995 trước khi tham gia công việc cố vấn quản trị cho hãng tư vấn nổi tiếng McKinsey & Company.
Năm 1995 khi được bổ nhiệm làm Trợ lý Bộ trưởng Tài chính Mỹ, giáo sư Summers đã không quên người học trò giỏi của mình và Sandberg được tuyển dụng làm Chánh văn phòng tại bộ ở tuổi rất trẻ. Bà làm việc tại đây cho đến hết nhiệm kỳ Bộ trưởng Tài chính của Summers, từ 1999 đến 2000.
Trong các buổi điều trần tại Thượng viện, Sheryl Sandberg tỏ ra là con người khôn khéo và hiệu quả, đặc biệt đối với các vấn đề gai góc như biện pháp xử lý nợ của Liên Xô (cũ) kể từ năm 1917 và của các nước đang phát triển đang mất khả năng hoàn trả. Khi chính quyền Clinton của Đảng Dân chủ kết thúc nhiệm kỳ thứ hai, Sandberg rời lĩnh vực công để bước vào thời kỳ của những thử thách sau này đưa bà vào hàng ngũ 50 phụ nữ quyền lực nhất do tạp chí Fortune đề cử, và là một trong 12 phụ nữ thống trị ngành truyền thông thế giới.
Luôn chấp nhận thử thách
Đầu năm 2001, Sandberg nhận lời đến làm việc với tập đoàn truyền thông Google. Ban đầu ban giám đốc chỉ dành cho cô một chức vụ khiêm tốn là Phó chủ tịch bộ phận bán hàng trực tuyến. Thực ra ở đó chỉ có bốn con người và sau hơn sáu năm Sheryl đã phát triển nó lên con số 4.000, chiếm 1/4 số lượng nhân viên của tập đoàn nhưng mang lại một nửa trong tổng số lợi nhuận khổng lồ của hãng.
Sandberg đã nhiều lần gặp ban giám đốc và thuyết phục cho mình một vị trí tác vụ đúng mức và có hiệu quả hơn. Nhưng trong đế chế mà nam nhân luôn nắm quyền lãnh đạo này, người ta muốn có những người phụ nữ dễ bảo hơn là để họ phát triển tài năng vì ích lợi của tập đoàn và các cổ đông. Đây cũng là lối suy nghĩ cũ kỹ chẳng những ngăn cản phụ nữ thăng tiến mà còn kìm hãm việc phát triển xã hội bền vững.
Sheryl biết rằng đã đến lúc tìm kiếm một thử thách mới mặc dầu đứa con đầu lòng của bà với David Goldberg – Giám đốc điều hành SurveyMonkey – mới chỉ hai tuổi. Cơ hội đã đến tại buổi tiệc Giáng sinh năm 2007 khi người chủ nhà Don Rosensweig vốn là một giám đốc điều hành (CEO) làm việc tại Thung lũng Silicon giới thiệu bà với ông chủ của Facebook là Mark Zuckerberg, khi đó mới 23 tuổi. Cuộc nói chuyện kéo dài một tiếng đồng hồ sau buổi ăn tối đó đã xác lập nên mối quan hệ. Và Sheryl đã chọn về với Facebook sau khi cân nhắc giữa lời mời của CEO tờ Washington Post và lời mời của Mark Zuckerberg, vì theo bà thì “mạng xã hội có nhiều triển vọng hơn so với tờ báo”.
Ngày 24-3-2008, Sandberg chính thức làm việc tại Facebook trong cương vị Giám đốc tác vụ (Chief Operating Officer) phụ trách kinh doanh, nhân sự, chính sách và quan hệ đối ngoại trong khi Chủ tịch kiêm CEO Mark Zuckerberg tập trung vào sản phẩm và kỹ thuật chiến lược. Lúc bấy giờ, Facebook đang trên đà nổi tiếng quá nhanh nhưng lại gặp khó khăn trong việc xác định một mô hình kinh doanh thích hợp cho mạng xã hội.
Việc đầu tiên Sheryl làm là đến thăm từng nhân viên, chia sẻ kinh nghiệm và đặt câu hỏi với họ là liệu Facebook có thể kinh doanh sinh lợi hay không. Bà đã khéo léo phát huy bản năng tuyệt vời của người phụ nữ là sự chia sẻ, từ đó tạo nên được sức mạnh tập thể để đưa Facebook vượt qua khó khăn, đạt mức tăng trưởng đến chóng mặt. Theo ước tính của hãng tin Bloomberg, lợi nhuận của Facebook trong năm 2010 đạt 2 tỉ đô la Mỹ và sẽ tăng gấp đôi trong năm nay. Facebook nhanh chóng trở thành đế chế quảng cáo theo mô hình quảng cáo xã hội.
Tạo sức hút cho quảng cáo xã hội
Người ta thấy các thương hiệu lớn nhỏ đã thực sự nóng lên nhờ quảng cáo trên Facebook. Doanh thu của Coca-Cola tăng từ 700 triệu của năm 2009 lên gần 1 tỉ đô la trong năm 2010. Trước khi tung ra đoạn quảng cáo dài ba phút có tên “Write the Future” trên các phương tiện truyền thông, hãng Nike đã nhờ đến Facebook và chỉ trong mấy ngày số người hâm mộ thương hiệu (fan) đã tăng từ 1,6 lên 3,1 triệu người.
Mô hình quảng cáo xã hội mà Sheryl và các đồng sự nghĩ ra trong các cuộc họp thường kéo dài đến tận đêm đã thành công ngoài sức tưởng tượng. Nhằm tôn trọng sự riêng tư của người sử dụng, Facebook đặt nút quảng cáo kín đáo trên góc phải của trang. Công ty dữ liệu WebTrends cho biết không tới 0,5% số người sử dụng bấm vào nút này để bày tỏ ý kiến xem họ thích hay không để lại lời nhắn về món hàng và nhà quảng cáo.
Với mô hình quảng cáo xã hội, số lần nhấp chuột vào nút quảng cáo không phải là con số thực sự có ý nghĩa, mà là việc các nhà mạng đã thiết kế tại đó một tiện nghi cho những ai muốn mua các loại hàng hóa mà họ biết được từ các bạn bè. Đây là một hiệu ứng dây chuyền lan tỏa rất nhanh. Sandberg muốn để cho các nhà quảng cáo tiếp cận sâu hơn vào cơ cấu xã hội của trang web. Một khi người ta sử dụng các ứng dụng của Facebook kể cả trên điện thoại di động hoặc viết các đoạn bình luận liên quan đến mặt hàng hay nhà quảng cáo thì các động tác đó được chuyển vào nguồn cung cấp dữ liệu để chia sẻ cho bạn bè của họ.
Thế giới ngày càng đi theo xu hướng xã hội hóa và phụ nữ xã hội hóa nhiều hơn nam giới. Chính vì vậy mà phụ nữ luôn chiếm số lượng áp đảo trên các trang mạng xã hội lớn như Facebook, Twitter, MySpace, Bebo, Flickr trong khi nam giới tập trung về các trang Digg, YouTube và LinkedIn. Ở Facebook phụ nữ chiếm đến 62%, sử dụng thời gian nhiều hơn nam giới tới 30% và con số bạn bè đông hơn 8%.
Các nhà giáo dục nhận định ngay từ nhỏ các em gái đã học cách xây dựng các mối quan hệ thông qua sự chia sẻ thông tin, và nay ở tuổi trưởng thành phụ nữ thường lên mạng để giải quyết các vấn đề thực trong đời sống. Phụ nữ đúng là bộ phận khuếch đại của mạng xã hội và là đối tượng khách hàng tiềm năng của ngành thương mại điện tử.
Đó có thể là sức mạnh làm thay đổi các trào lưu, xu hướng trên thế giới, và Sheryl đã nhận ra sức mạnh đó từ chính bản thân mình khi đặt thành định hướng “Facebook là công ty được vận hành bởi bản năng bẩm sinh và mối quan hệ của con người”.
Theo Hoàng Xuân Phương
TBKTSG