(VNF) – Trung Quốc đã nhanh chóng vươn lên trở thành một trong những siêu cường công nghệ hàng đầu thế giới trong vòng hai thập kỷ qua. Bên cạnh những chính sách của chính phủ, sự đóng góp to lớn của những “đế chế” công nghệ lớn cùng những doanh nhân đứng đầu đã định hình nên bức tranh công nghệ hiện đại của quốc gia này.
“Làm sao thị trường xếp hạng tín nhiệm có thể phát triển được trong bối cảnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn đang chững lại, thậm chí bị ‘bóp nghẹt’ ở nhiều đầu như hiện nay?”, đại diện một công ty chứng khoán đặt câu hỏi.
Thờ ơ với xếp hạng tín nhiệm
Xếp hạng tín nhiệm – vốn được ví như “điểm tựa” dành cho các nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) – lại chưa thực sự có nhiều “đất dụng võ” tại thị trường TPDN Việt Nam những năm gần đây.
Theo dữ liệu do Hiệp hội ngân hàng Việt Nam (VNBA), lũy kế từ đầu năm đến cuối tháng 7 có 175 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 168.433 tỷ đồng và 12 đợt phát hành ra công chúng trị giá 14.586 tỷ đồng. Tuy nhiên, lượng TPDN được xếp hạng tín nhiệm chỉ chiếm 7% giá trị phát hành.
Còn theo một báo cáo của FiinRatings, tỷ lệ TPDN được xếp hạng ở Việt Nam còn rất khiêm tốn so với các quốc gia trong khu vực, đơn cử như Indonesia với 82%, Thái Lan với 65%, Malaysia với 54% và Philippines với 26%. Tại Việt Nam, dù khối lượng TPDN phát hành bởi các tổ chức được xếp hạng trên thị trường đã tăng đột phá vào năm 2023 nhưng vẫn chỉ chiếm vỏn vẹn 9% tổng khối lượng TPDN phát hành riêng lẻ.
Theo Nghị định số 65/2022, doanh nghiệp phát hành trái phiếu có tổng giá trị trái phiếu theo mệnh giá huy động trong mỗi 12 tháng lớn hơn 500 tỷ đồng và lớn hơn 50% vốn chủ sở hữu căn cứ trên báo cáo tài chính kỳ gần nhất; hoặc tổng dư nợ trái phiếu theo mệnh giá tính đến thời điểm đăng ký chào bán lớn hơn 100% vốn chủ sở hữu căn cứ trên báo cáo tài chính kỳ gần nhất, đều phải xếp hạng tín nhiệm.
Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp được xếp hạng tín nhiệm trên thị trường vẫn chưa nhiều. Như trong năm 2024, theo VIS Ratings, tổng số doanh nghiệp cần phải xếp hạng không đến 100 doanh nghiệp.
Trong chia sẻ với Đầu tư Tài chính, Giám đốc Khối doanh nghiệp của một công ty chứng khoán trăn trở: “Làm sao thị trường xếp hạng tín nhiệm có thể phát triển được trong bối cảnh thị trường TPDN còn đang chững lại, thậm chí bị ‘bóp nghẹt’ ở nhiều đầu như hiện nay? Với quy mô hiện nay thì thị trường xếp hạng tín nhiệm chưa thể phát triển được và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm đang có rất ít việc để làm”.
Bà dẫn chứng, từ năm 2023 đến nay, thị trường TPDN không có nhiều đợt phát hành, trong đó những tổ chức phát hành mới hầu như chỉ là ngân hàng hoặc những doanh nghiệp đã có xếp hạng tín nhiệm của các tổ chức nước ngoài.
Bên cạnh đó, theo vị này, mặc dù Nghị định số 65/2022 đã yêu cầu bắt buộc xếp hạng tín nhiệm đối với các doanh nghiệp dựa trên quy mô và mức độ của hoạt động phát hành song số lượng doanh nghiệp đáp ứng được những tiêu chí đề ra không nhiều.
Song song với đó, nhu cầu xếp hạng tín nhiệm của các doanh nghiệp còn chưa cao. Thực tế, nhiều doanh nghiệp chưa nhìn thấy lợi ích khi tham gia xếp hạng tín nhiệm. Vị này cho hay, trong quá trình làm việc giữa các bên, vẫn còn nhiều doanh nghiệp thắc mắc về việc có nên tham gia xếp hạng tín nhiệm hay không, hoặc liệu có nên công khai kết quả xếp hạng tín nhiệm khi mà thị trường chưa có nhiều bên công bố hay không.
Việc xếp hạng tín nhiệm cũng có chi phí khá đắt đỏ như chi phí kế toán, chi phí kiểm định cùng với những yếu tố đặc thù khác như tình trạng, chiến lược vốn khiến không ít doanh nghiệp chưa mặn mà với xếp hạng tín nhiệm.
Thêm nữa, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm tại Việt Nam dù đã và đang rất năng động trong việc đưa ra các xếp hạng tín nhiệm đầu tiên đối với tổ chức phát hành song, so với những tổ chức lớn, tên tuổi như Moody’s, S&P Global Ratings, Fitch Ratings thì vẫn còn quá mới, kinh nghiệm chưa đủ nhiều để thị trường tin tưởng.
“Đây cũng là một trong những rào cản khiến thị trường xếp hạng tín nhiệm tại Việt Nam chưa có nhiều đất dụng võ và chưa có nhiều giá trị trong mắt các tổ chức phát hành cũng như phía nhà đầu tư”, vị này nói.
Mảnh ghép không thể thiếu
Đánh giá về vai trò xếp hạng tín nhiệm đối với sự phát triển bền vững hơn của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, vị đại diện công ty chứng khoán nhận định xếp hạng tín nhiệm là mảnh ghép không thể thiếu trên thị trường TPDN.
Đối với các nhà đầu tư, xếp hạng tín nhiệm tạo ra sự minh bạch, hỗ trợ nhà đầu tư trong đánh giá khả năng tài chính, khả năng trả nợ của doanh nghiệp phát hành, từ đó “gán nhãn” và phân loại trái phiếu “vàng” và “thau”.
Tình hình hoạt động kinh doanh, sức khỏe tài chính doanh nghiệp cùng với các ý kiến độc lập khách quan về sự thay đổi xếp hạng và triển vọng tín nhiệm trong thời gian tới liên tục được các đơn vị xếp hạng cập nhật, cũng sẽ giúp lấp đầy khoảng trống thông tin rất lớn giữa bên mua và bên bán trái phiếu.
Xếp hạng tín nhiệm cũng giúp doanh nghiệp khẳng định uy tín đối với các nhà đầu tư, tạo lập được niềm tin trên thị trường, đồng thời có thể giúp các doanh nghiệp tiếp cận được các nguồn vốn trên thị trường.
Nhìn từ lịch sử phát triển của thị trường TPDN quốc tế, tại hầu hết các quốc gia có nền kinh tế phát triển, với GDP tương đối cao và có thị trường TPDN phát triển mạnh, văn hóa xếp hạng tín nhiệm đều được xây dựng từ rất sớm.
Tại Trung Quốc, theo số liệu thống kê của tổ chức xếp hạng tín nhiệm China Chengxin International (CCXI), tính đến cuối năm 2023, số dư TPDN trên thị trường toàn quốc đạt 155,7 nghìn tỷ nhân dân tệ, bằng 120% GDP và trở thành thị trường TPDN có quy mô lớn thứ hai thế giới.
Một trong những yếu tố góp phần vào phát triển của thị trường TPDN Trung Quốc là quy định bắt buộc xếp hạng tín nhiệm. Theo đó, Cơ quan Quản lý Tài chính Trung Quốc (CBIRC) yêu cầu các tổ chức tài chính và doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải có xếp hạng tín nhiệm từ các tổ chức được công nhận như China Chengxin International (CCXI), Dagong Global,…
Hay như tại Thái Lan, tất cả quỹ huy động vốn từ công chúng như quỹ mở, quỹ tương hỗ trái phiếu, quỹ hưu trí, quỹ bảo hiểm,… được yêu cầu phải đầu tư vào trái phiếu được xếp hạng tín nhiệm.
Quay trở lại với câu chuyện của Việt Nam, trải qua thời gian dài trầm lắng vì những vụ lùm xùm của các tập đoàn như Vạn Thịnh Phát, Tân Hoàng Minh,… đây là lúc thị trường TPDN cần đến sự minh bạch và công khai hơn bao giờ hết.
“Thị trường TPDN Việt Nam hiện đang là một thị trường thiếu niềm tin và xếp hạng tín nhiệm chính là cách để củng cố niềm tin trên thị trường. Xây dựng được văn hóa xếp hạng tín nhiệm cho tất cả các thành viên trên thị trường, từ bên phát hành cho đến nhà đầu tư và cho cả các cơ quan quản lý là điều không thể không làm nếu muốn thị trường TPDN tiếp tục đi lên”, vị đại diện công ty chứng khoán nói.