“Siêu dự án” chống ngập 10.000 tỷ của TP.HCM sẽ về đích sau vài tháng nữa nếu tháo gỡ xong vướng mắc

Sau gần 3 năm đình trệ, TP. HCM đang nỗ lực gỡ vướng cho Dự án giải quyết ngập do triều có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu và hy vọng sẽ tái khởi động lại dự án trong năm nay, khi mà tổng khối lượng dự án đã đạt 93%.

TIN MỚI

Chỉ vài tháng nữa sẽ hoàn thành dự án nếu tháo gỡ được các vướng mắc

Dự án chống ngập do triều tại TP. HCM được gọi là dự án cấp bách, khi hoàn thành sẽ kiểm soát ngập do triều, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 750 km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TP. HCM. Đồng thời, giúp TP chủ động trong việc điều tiết hạ thấp mực nước ở các kênh rạch, cải thiện khả năng tiêu thoát nước đô thị và tạo cảnh quan môi trường cho khu vực.

Tuy nhiên, dự án ngăn triều đã phải tạm ngừng nhiều lần vì các lý do khách quan khác nhau.

"Siêu dự án" chống ngập 10.000 tỷ của TP.HCM sẽ về đích sau vài tháng nữa nếu tháo gỡ xong vướng mắc - Ảnh 1.

Cống ngăn triều Phú Xuân. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Chính phủ

Được biết, dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP. HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) do Công ty CP đầu tư xây dựng Trung Nam là nhà đầu tư, thực hiện theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng – chuyển giao) với tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng (chưa bao gồm lãi vay), phương án thanh toán bằng quỹ đất kết hợp tiền.

Theo thông báo của nhà đầu tư, dự án đạt hơn 93% khối lượng công việc, trong đó tại 9 hạng mục chính của dự án, gồm: Cống Bến Nghé (đạt 97%), cống Tân Thuận (93%), cống Phú Xuân (90%), cống Mương Chuối (93%), cống Cây Khô (86%), cống Phú Định (88%), tuyến đê kè (85%), cầu Kinh Bà Bướm (92%), Nhà quản lý trung tâm (85%), hệ thống SCADA cũng đã hoàn tất mua thiết bị và nhập kho cũng như hoàn tất lắp đặt kết cấu các hạng mục.

Tuy nhiên, “siêu dự án” này đã phải dừng thi công vào giữa tháng 11/2020 do UBND TP. HCM chưa ký phụ lục hợp đồng gia hạn thời gian hoàn thành (hợp đồng hết hạn từ tháng 6/2020), dù cho dự án gần về đích. 

Trước đó, dự án được khởi công giữa năm 2016, theo kế hoạch sẽ hoàn thành sau 3 năm, nhưng đã hơn 7 năm trôi qua dự án vẫn chưa đi vào vận hành.

Đến nay, sau gần 3 năm bị đình trệ, TP. HCM đang nỗ lực gỡ vướng cho Dự án giải quyết ngập do triều có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu. Thành phố hy vọng sẽ sớm tái khởi động lại dự án trọng điểm này vào năm nay.

Liên quan đến “siêu dự án” trên, mới đây nhất, tại họp báo kinh tế – xã hội TP. HCM chiều 28/9, ông Nguyễn Huy Bình – trưởng phòng kế hoạch đầu tư Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị đã thông tin về tiến độ thực hiện dự án.

Báo Tuổi trẻ dẫn lời ông Bình cho biết, đây là dự án trọng tâm của TP trong chương trình thoát nước và xử lý nước thải giai đoạn 2020 – 2025. Theo báo cáo của chủ đầu tư, dự án đã hoàn thành 93% khối lượng.

Tuy nhiên thời gian qua do vướng mắc cơ chế nên chưa thể thanh toán tiền và quỹ đất cho nhà đầu tư theo hợp đồng BT. Đây là những vướng mắc vượt thẩm quyền của UBND TP. HCM nên UBND TP. HCM đã báo cáo Thủ tướng tháo gỡ.

Hiện, UBND TP đang giải trình các vấn đề cho Chính phủ liên quan đến việc thanh toán, giải ngân cho nhà đầu tư. Sau khi có chỉ đạo từ Chính phủ, TP sẽ giải quyết các vướng mắc.

Nếu các vướng mắc được tháo gỡ thì chỉ cần 6 – 8 tháng, chủ đầu tư sẽ hoàn thành khối lượng công việc còn lại.

"Siêu dự án" chống ngập 10.000 tỷ của TP.HCM sẽ về đích sau vài tháng nữa nếu tháo gỡ xong vướng mắc - Ảnh 2.

Hình ảnh thi công tại Cống ngăn triều Bến Nghé. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Chính phủ

Bài toán nào để dự án thông suốt?

Trước đó, để giải quyết khó khăn vướng mắc liên quan đến dự án chống ngập này,  Ban Cán sự Đảng UBND TP. HCM đã trình Ban Thường vụ Thành ủy được cho phép thực hiện một trong hai cơ chế.

Cụ thể, thành phố sẽ thực hiện thanh toán cho nhà đầu tư khối lượng đã hoàn thành song song cả bằng hình thức đất và bằng tiền phù hợp với lịch thanh toán đã thỏa thuận.

Đối với phần thanh toán bằng tiền, UBND TP. HCM đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn Ngân hàng BIDV chưa thu nợ, tạo điều kiện để nhà đầu tư hoàn thành dự án.

Trên cơ sở đó, thành phố và nhà đầu tư tổ chức nghiệm thu, thanh toán phần còn lại theo đúng thỏa thuận hợp đồng và các phụ lục hợp đồng đã ký kết.

"Siêu dự án" chống ngập 10.000 tỷ của TP.HCM sẽ về đích sau vài tháng nữa nếu tháo gỡ xong vướng mắc - Ảnh 3.

Cống ngăn triều Cây Khô. Ảnh: Trung Nam Group

Một phương án khác được đưa ra là Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP.HCM (HFIC) được nhận ủy thác quản lý nguồn vốn đầu tư; cho vay và thu hồi nợ… từ ngân sách Nhà nước.

Theo đó, thành phố sẽ ủy thác nguồn vốn ngân sách khoảng 1.800 tỷ đồng cho HFIC để đơn vị này cho nhà đầu tư vay thực hiện hoàn thành công trình. Sau khi công trình nghiệm thu, thành phố sẽ thanh toán cho nhà đầu tư theo đúng hợp đồng BT đã ký và nhà đầu tư sẽ thanh toán nợ với Ngân hàng BIDV và Công ty HFIC.

 Thành lập Tổ công tác của Chính phủ gỡ vướng dự án ngăn triều tại TP. HCM 

Mới đây, Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo về chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến Dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TP. HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1).

Theo đó, Thường trực Chính phủ thống nhất kết luận, dự án được đầu tư theo loại hợp đồng BT, đến nay đã thi công đạt 90% khối lượng. Trong quá trình thực hiện, Dự án đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại nhiều văn bản, nhất là Nghị quyết số 40. Tuy nhiên, theo báo cáo của UBND TP. HCM, Dự án đang gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi công hoàn thành.

UBND TP. HCM cần khẩn trương báo cáo đánh giá cụ thể việc thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 40, làm cơ sở để xác định rõ các khó khăn, vướng mắc, nhất là về pháp lý và đề xuất phương án giải quyết, báo cáo Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chậm nhất trong tháng 9/2023 để xem xét, xử lý theo thẩm quyền.

Thủ tướng cũng chỉ đạo thành lập Tổ công tác do Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang làm Tổ trưởng, Chủ tịch UBND TP. HCM làm Tổ phó, thành viên là lãnh đạo các bộ, cơ quan liên quan như: Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Văn phòng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước… để chỉ đạo rà soát, đánh giá kỹ, toàn diện quá trình triển khai Dự án (lưu ý rà soát, đánh giá tính khả thi về phương án kỹ thuật thiết kế, hiệu quả Dự án, hợp đồng BT đã ký); việc thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ; xác định rõ các khó khăn, vướng mắc của Dự án. Từ đó xây dựng phương án, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho Dự án, trong đó cần làm rõ cơ sở pháp lý và thẩm quyền quyết định, hoàn thành chậm nhất trong tháng 10/2023. 

Đối với những vấn đề vượt thẩm quyền của Thành phố thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin