Sinh viên bạo gan vay tiền ngân hàng kinh doanh giữa ‘mùa COVID’

TTO – Trong khi COVID-19 khiến nhiều bạn trẻ ‘rên rỉ’ vì gặp trục trặc, gián đoạn việc học, việc làm, vẫn có không ít sinh viên theo đuổi những dự án táo bạo để đạt mục tiêu của bản thân.

Sinh viên bạo gan vay tiền ngân hàng kinh doanh giữa mùa COVID - Ảnh 1.

Lê Thị Thanh Thùy với cửa hiệu thời trang khởi nghiệp và Lê Văn Phúc với CLB “Fly to Sky” – Ảnh: THIÊN NAM

Chuyện của họ là nét vẽ đầu tiên của những người luôn tìm được lối đi riêng trong nghịch cảnh.

Không lúc này thì lúc nào?

Dù đang trong thời gian hoàn thành khóa luận, Lê Thị Thanh Thùy (quê Bình Phước) – sinh viên Trường ĐH Ngoại thương cơ sở 2 – vẫn giấu gia đình, tự mình dựng cửa hiệu N’Rosé chuyên kinh doanh quần áo thời trang tại trung tâm TP.HCM. Thoạt nghe có người bĩu môi: “Đang dịch giã, nhiều cửa hàng chật vật mà còn lao vào khởi nghiệp làm gì!”.

Thùy thẳng thắn: “Gần 4 năm đại học, mình đã cố gắng tích lũy để thực hiện ước mơ lâu nay. COVID-19 chỉ là ngoại cảnh, mình có thể giải quyết được. Nếu không có đại dịch, mình có thể cũng sẽ đối diện những trở ngại khác buổi đầu kinh doanh nên không có gì mà phải sợ. Không khởi nghiệp lúc này thì lúc nào?”.

Thùy kể những năm qua, ngoài việc học ở trường, bạn trải qua nhiều công việc từ trợ lý, bán hàng, kinh doanh… để tích cóp tiền bạc và mối quan hệ. Khi đã tự tin, Thùy “bạo gan” đi vay ngân hàng 300 triệu đồng, gộp với số tiền tích cóp được để mở cửa hiệu.

Hiện cửa hiệu đang dần ổn định sau 7 tháng mở cửa, dù có gặp một số khó khăn về việc bán hàng và nhân sự trong thời gian đầu. 

“Theo mình, quan trọng nhất vẫn là chuyện học, các bạn có thời gian thì nên trải nghiệm và kiên trì với những gì mình đã làm. Như thế sẽ cho bạn rất nhiều thứ làm hành trang sau này” – Thùy chia sẻ.

Tận dụng thời gian học online tại nhà hồi năm 2020, hai bạn Võ Đức Minh – sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) và Nguyễn Anh Kiệt – sinh viên ĐH Cần Thơ – đã sáng tạo bộ trò chơi “board game” (trò chơi dạng thẻ bài cho giới trẻ) tên Korona Board Game. 

Dựa trên bộ bài 54 lá được thiết kế tượng trưng cho một số loại virus, dịch bệnh và cách phòng chống. Trò chơi này truyền đi thông điệp “cẩn trọng trước đại dịch”. Hiện đã có hơn 300 bộ sản phẩm được bán ra thông qua các nền tảng thương mại điện tử, nhà sách.

Sinh viên bạo gan vay tiền ngân hàng kinh doanh giữa mùa COVID - Ảnh 2.

Võ Đức Minh và Nguyễn Anh Kiệt với dự án Korona Board Game – Ảnh: M.V

Ý tưởng độc đáo và hợp xu thế này giành giải nhất cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp – CiC 2020 của ĐH Quốc gia TP.HCM. Được rót vốn 15.000 USD và mang về những kinh nghiệm, các mối quan hệ sau cuộc thi, nhóm lại dùng những nguồn lực này để chuẩn bị cho “trận đánh lớn” tiếp theo. 

Nhóm đang “quốc tế hóa” trò chơi, từ nội dung đến hình thức để gọi vốn trên Kickstarter – nền tảng gọi vốn cộng đồng toàn cầu uy tín – vào giữa tháng 3 tới đây.

Nếu thành công, nhóm sẽ có thêm nhiều hỗ trợ để bước vào những thị trường lớn như châu Âu, Mỹ. Minh nói: “Mình nhận thấy board game cũng là lĩnh vực tiềm năng trên Kickstarter nên cũng tự tin có thể gọi được vốn. Vấn đề khó nhất hiện tại là tính toán khâu vận chuyển sản phẩm ra nước ngoài vì các thủ tục khá phức tạp”.

Xông pha lúc “dầu sôi lửa bỏng”

Năm 2018, Lê Văn Phúc (quê Gia Lai) – sinh viên năm nhất Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) – thành lập CLB “Fly To Sky” chuyên tổ chức những dự án thiện nguyện ở địa phương. Thời gian đầu CLB có 40 thành viên, chủ yếu là học sinh Trường THPT chuyên Hùng Vương (Gia Lai). Đến nay, CLB tăng quy mô lên hơn 150 thành viên ở cả Gia Lai và TP.HCM.

Suốt mùa COVID-19, CLB gây tiếng vang với dự án “Anh hùng diệt khuẩn”, vận động hỗ trợ khẩu trang, nước rửa tay… cho nhiều vùng dịch. Những ngày cận Tết Nguyên đán Tân Sửu là lúc dịch diễn biến phức tạp tại Gia Lai, thế là nhóm học sinh, sinh viên này vào cuộc ngay.

Chỉ từ 20 tháng chạp tới nay, dự án quyên góp được tổng cộng 2,5 tỉ đồng hiện kim lẫn hiện vật, phần lớn thông qua Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh chuyển đến những vùng cần thiết ở địa phương. Phúc cho biết các dự án “Anh hùng diệt khuẩn” trước đó hồi giữa năm 2020 của nhóm đã thu được 1,5 tỉ đồng.

Làm bài bản sẽ không sợ ngoại cảnh

ThS Lê Nhật Quang, phó giám đốc Khu công nghệ phần mềm, ĐH Quốc gia TP.HCM (ITP), chia sẻ dù bị ảnh hưởng của đại dịch, hệ thống các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp cho sinh viên của ITP vẫn không dừng, thậm chí còn tăng trưởng bất ngờ.

Chẳng hạn với cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp CiC 2020, số lượng sinh viên đăng ký tham gia tăng vượt bậc lên đến 250 nhóm, tiếp cận lên đến khoảng 600.000 bạn trẻ. Nhiều dự án giải quyết các câu chuyện thực tế cuộc sống, trong đó không ít nhóm sinh viên sau quá trình huấn luyện, gọi vốn nay đã trở thành những công ty tăng trưởng tốt.

Dịch bệnh cũng là hoàn cảnh tốt cho chuyển đổi số. Những start-up của sinh viên trong ITP lại có cơ hội phát triển hơn với những sản phẩm công nghệ dạy học từ xa, quản lý từ xa… Theo ThS Quang, nếu làm đúng hướng, bài bản, sinh viên sẽ không bận tâm lắm đến chuyện ảnh hưởng bởi các tác động, rủi ro từ ngoại cảnh như dịch bệnh COVID-19.

Dám chấp nhận thất bại

Võ Đức Minh cho rằng sinh viên nếu có ý tưởng và đam mê thì nên mạnh dạn triển khai các dự án trong thực tế như đang khởi nghiệp, chứ không chỉ đơn thuần cho ra mô hình tham gia các cuộc thi. Nếu đeo đuổi một dự án nghiêm túc, tỉ lệ thành công sẽ cao hơn. Bên cạnh đó, cần dám chấp nhận thất bại bởi gần như không có dự án nào hoàn hảo và thành công ngay lần đầu ra mắt.

HCV Olympic toán quốc tế Nguyễn Ngọc Trung: Luôn tìm lối đi riêng HCV Olympic toán quốc tế Nguyễn Ngọc Trung: Luôn tìm lối đi riêng

TT – Chiều 12-7, căn nhà vách tường nguyên hàng gạch đỏ ở khu 2, xã Thạch Sơn, huyện Lâm Thao (Phú Thọ) râm ran tiếng nói cười của bà con cô bác láng giềng. Đó là nhà của Nguyễn Ngọc Trung, người vừa đoạt HCV quốc tế môn toán lần 51 tại Kazakhstan.

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin