Tham gia hoạt động đội nhóm sẽ mang đến cho sinh viên những kỹ năng mà đôi khi phải nhiều năm sau các bạn mới thật sự thấy giá trị.
Đây là một trong những thông điệp được anh Lương Duy Hoài – nhà sáng lập và CEO của ứng dụng “Giao hàng nhanh” – chia sẻ với các sinh viên trong hội thảo “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong kỷ nguyên số” do Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM cùng các đơn vị tổ chức vào ngày 25-10.
Từng học công nghệ thông tin tại Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), anh Hoài nhớ lại mình rất e dè, ngại ngùng hồi năm nhất. Sau khi tham gia Mùa hè xanh cùng năm anh mới dần năng động hơn, tham gia thêm nhiều hoạt động đội nhóm, câu lạc bộ cũng như xin vào một số dự án nghiên cứu của thầy cô.
Anh cho rằng những hoạt động đó sẽ cho sinh viên những kỹ năng mà đôi khi phải nhiều năm sau các bạn mới thật sự thấy giá trị. Đó là kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng quản lý thời gian, đặc biệt là kỹ năng lãnh đạo. Nếu chọn khởi nghiệp, kỹ năng lãnh đạo cần đủ mạnh để đưa đội nhóm vượt qua những thách thức trong giai đoạn đầu.
“Nhiều người sau khi tốt nghiệp ĐH lại tốn tiền để tham gia các khóa học nâng cao các kỹ năng này, trong khi đó bạn hoàn toàn có thể vừa học miễn phí vừa tiết kiệm được thời gian nếu biết tận dụng các hoạt động thời sinh viên. Ngoài ra, phần nhiều đồng đội của mình là những người mình đã từng gặp và làm việc thời sinh viên” – anh Hoài nói.
Cũng tại hội thảo, PGS.TS Phạm Đình Anh Khôi – giám đốc Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp công nghệ, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) – cho biết hiện nay nhiều ĐH quốc tế đang bắt đầu nói đến việc trang bị tư duy “doanh nhân số” cho sinh viên, ngay cả với các sinh viên học về công nghệ, kỹ thuật. Tư duy này bao gồm nhiều thành tố, chẳng hạn biết suy nghĩ lớn, biết dùng công nghệ, đổi mới sáng tạo để giải quyết các bài toán kinh tế – xã hội…
Đặc biệt, tư duy “doanh nhân số” buộc sinh viên luôn trăn trở về những chữ “hơn”: bạn có thể làm giải pháp nào tốt hơn, rẻ hơn, dễ dàng hơn, nhanh hơn? Theo PGS.TS Phạm Đình Anh Khôi, sinh viên có thể suy nghĩ về những chữ “hơn” này ngay trong học tập và trong các dự án mình tham gia để luôn luôn cải tiến.