Hiện nay, sinh viên ngành tài chính ngân hàng nói riêng và các ngành khác nói chung ra trường thường gặp khó khăn khi xin việc làm, dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp cao. Nhiều bạn nghĩ do may mắn nên sớm tìm được việc nhưng may mắn chỉ đến khi mình có sự chuẩn bị và biết nắm lấy nó để tạo cơ hội riêng.
Sinh viên năm thứ nhất ngành Fintech của trường ĐH Kinh tế Quốc dân (ảnh minh họa)
Dưới đây là một số chia sẻ của tác giả – người đã có 12 năm kinh nghiệm làm trong ngân hàng – giúp các bạn sinh viên đạt điểm cộng với nhà tuyển dụng, mình đã từng thành công và hy vọng bạn cũng vậy.
Trau dồi các kỹ năng cần thiết và đặc biệt là kỹ năng mềm
Đòi hỏi từ phía nhà tuyển dụng cho thấy chỉ có kỹ năng chuyên môn thôi là không đủ. Với bằng tốt nghiệp loại ưu chỉ là chiếc vé giúp bạn bước qua cánh cửa đầu tiên của vòng sơ loại hồ sơ, nhưng để đi sâu vào phần thi viết và phỏng vấn bạn cần tạo nhiều điểm nhấn hơn với nhà tuyển dụng.
Đầu tiên là trau dồi kỹ năng về ngoại ngữ (chủ yếu là đọc và nói) và kỹ năng vi tính (tập trung vào cách thức sử dụng bộ office văn phòng gồm word, excel và powerpoint), không cần bạn quá giỏi nhưng phải đáp ứng những yêu cầu cơ bản để vận hành khi cần thiết.
Thứ hai là tham gia các cuộc thi viết bài về mảng ngành tài chính – ngân hàng trên các báo điện tử để nâng cao kiến thức chuyên môn và tăng thành tích cá nhân.
Thứ ba là tích cực hoạt động ở các tổ chức đoàn thể, câu lạc bộ, hội nghị/hội thao trong trường nhằm tích lũy kỹ năng khiêu vũ, đàn hát, bóng đá, bóng bàn, cầu lông,… Chỉ cần chút “tài lẻ” bạn sẽ được nhà tuyển dụng chú ý và trao cơ hội nhiều hơn.
Thứ tư là, nhiều sinh viên có bằng cấp với phân loại giỏi, khá, trung bình giống nhau nhưng điểm khác nhau của mỗi người là kỹ năng cá nhân. Không có lớp học nào mang tên “kỹ năng mềm” trong chương trình đại học bởi phần lớn các kỹ năng đó sẽ được tích hợp vào các bài giảng và các hoạt động học tập của sinh viên. Bạn có thể luyện tập các kỹ năng giao tiếp, trao đổi, làm việc theo nhóm, thuyết trình, góp ý, xử lý vấn đề,…và cả kỹ năng lãnh đạo, tổ chức quản lý nếu bạn giữ một chức vụ lớp trưởng/lớp phó trong lớp.
Thực tập tại các công ty chứng khoán, kiểm toán, quỹ đầu tư, ngân hàng để tích lũy kinh nghiệm
Thực tập tại công ty chuyên ngành là yêu cầu bắt buộc của các trường đại học/cao đẳng, mục đích là giúp các sinh viên va chạm với thực tế. Khoảng thời gian này rất bổ ích để sinh viên tìm hiểu môi trường, tác phong và công việc chuyên môn. Bạn nên chú trọng tìm tòi và học hỏi:
Một là những văn bản về quy trình, quy định, hướng dẫn, sản phẩm/dịch vụ liên quan đến nghiệp vụ chính mà bạn hướng đến. Bạn sẽ thấy lý thuyết học được và thực tiễn đi làm sẽ có nhiều khác biệt, như vậy bạn sẽ không quá bỡ ngỡ khi trao đổi với các nhà tuyển dụng về công việc thực tế.
Hai là công việc, nhiệm vụ cụ thể của từng phòng ban, từng chức danh. Điều này giúp bạn hiểu và ứng tuyển vào các vị trí phù hợp trong công ty tuyển dụng sau khi ra trường.
Và ba là chủ động xin tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, cuộc thi nội bộ do nơi bạn thực tập tổ chức. Từ đó, bạn sẽ được công ty đánh giá cao và tạo cơ hội tốt hơn khi tham gia tuyển dụng.
Viết CV xin việc
Mỗi ngân hàng thường có mẫu CV riêng, khi viết CV ứng tuyển ngành tài chính ngân hàng, sinh viên cần lưu ý những nội dung sau:
Thứ nhất, phân loại, sắp xếp thông tin một cách rõ ràng, có tổ chức. Điều này thể hiện bạn là người cẩn thận, làm việc khoa học – đây là tố chất quan trọng của những người làm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng.
Thứ hai, hãy liệt kê những vị trí thực tập hay kinh nghiệm đã từng làm trong các lĩnh vực như đầu tư, tài chính, ngân hàng, kinh doanh và cả những hoạt động đoàn, hoạt động tình nguyện ở trường,… Vì là sinh viên nên kinh nghiệm thực tiễn sẽ khá ít, sẽ không có nhiều “đất diễn” cho bạn, thay vào đó hãy nhớ lại các chương trình/hội nghị bạn đã từng tham gia trong suốt thời gian tại giảng đường và chú ý tập trung viết phần này càng nhiều càng tốt. Đây sẽ điểm cộng hoàn hảo cho CV của bạn.
Và thứ ba là nên nhớ mọi thông tin trong CV đều phải chính xác, đặc biệt chú trọng đến lỗi chính tả và lỗi đánh máy văn bản. Chỉ với một lỗi nhỏ bạn có thể bị đánh giá là cẩu thả và gây ấn tượng không tốt đến người sơ khảo CV. Các vị trí trong ngân hàng hay công ty tài chính đều yêu cầu độ chính xác cao, không có sai lệch.
Phỏng vấn khi ứng tuyển ngành tài chính ngân hàng
Xin việc làm ngành tài chính ngân hàng luôn là một chiến trường khốc liệt với tỷ lệ chọi cao, nhất là với sinh viên mới ra trường chưa có nhiều kinh nghiệm thực tiễn. Để thu hút nhà tuyển dụng, bạn có thể tham khảo những nội dung sau:
Đầu tiên, chuẩn bị bài giới thiệu về bản thân ngắn gọn, xúc tích nhưng bao gồm đủ thông tin cơ bản về kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng và điểm mạnh của bạn. Hãy luyện tập nói bài giới thiệu này một cách trôi chảy và tự nhiên, nó sẽ giúp bạn tăng phần tự tin trước khi bước vào cuộc phỏng vấn và tạo ấn tượng tốt cho người đối diện.
Hai là, những câu hỏi về chuyên môn thường là nội dung làm khó bạn nhất, hãy tham khảo một số câu hỏi thường gặp và tập xử lý chúng để phản ứng tốt, như:
+ Tại sao bạn lại chọn ngân hàng/công ty tài chính này thay vì đơn vị khác?
+ Tại sao bạn lại chọn công việc này?
+ Điểm yếu của bạn là gì?
+ Xử lý tình huống thực tế do nhà tuyển dụng đưa ra (Khách hàng phàn nàn về lãi suất của ngân hàng bạn cao hơn so với ngân hàng khác, thực hiện một cuộc gọi điện thoại đặt hẹn khách hàng,…)
Ba là, khi ứng tuyển vào các ngân hàng bạn cần phải chú ý tới trang phục công sở đúng đắn, tốt nhất là chân váy đen và áo sơ mi trắng hoặc xanh đối với nữ, quần tây đen và áo sơ mi trắng đối với nam để thể hiện sự chuyên nghiệp.
Tham gia nhiều cuộc phỏng vấn sẽ giúp bạn tích lũy kinh nghiệm nhiều hơn, đừng vì bị từ chối ở công ty này mà nản lòng dừng lại. Muốn vượt qua bất kỳ thử thách nào, chúng ta cũng cần giáp mặt với nó và trải nghiệm nó.
Chúc các bạn thành công!