Theo đánh giá của Dcorp, doanh nghiệp này đứng đầu trong bảng xếp hạng F&B lớn nhất tại Việt Nam năm 2023.
Mới đây, Phái đoàn Thương mại Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ đã có chuyến thăm đến trụ sở chính của Tập đoàn Golden Gate (Golden Gate Group) tại Trường Chinh, phường Khương Mai, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội.
Chuyến thăm này mở ra nhiều cơ hội hợp tác thương mại mới, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thúc đẩy xuất nhập khẩu trong tương lai giữa hai bên.
Trước đó, Golden Gate đã dự định mở chuỗi cửa hàng phở tại các thị trường quốc tế, do nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng toàn cầu.
Tuy nhiên, tham vọng này cũng gặp phải nhiều thách thức như thiếu chuỗi cung ứng và vấn đề trong việc đóng gói quy trình để đưa nước dùng phở ra ngoài phạm vi Việt Nam.
Theo thông tin, Công ty cổ phần Tập đoàn Golden Gate (trước đây là Công ty cổ phần Dịch vụ thương mại Cổng Vàng), được thành lập vào năm 2008 bởi ba doanh nhân người Việt: ông Đào Thế Vinh, ông Nguyễn Xuân Tường và ông Trần Việt Trung.
Về cơ cấu cổ đông, tính đến cuối năm 2022, CTCP Golden Gate Partners là cổ đông lớn nhất của Golden Gate, nắm giữ 43,88% vốn điều lệ, tương đương 3,37 triệu cổ phần. Ông Đào Thế Vinh, ông Nguyễn Xuân Tường và ông Trần Việt Trung – cổ đông sáng lập của Golden Gate, đồng thời cũng là cổ đông của Golden Gate Partners – lần lượt nắm giữ 400.537 cổ phần (5,21%); 235.439 cổ phần (3,06%) và 176.020 cổ phần (2,29%).
Tại ngày 31/12/2022, nhóm ba nhà đầu tư ngoại gồm Seletar Investments Pte Ltd (quỹ đầu tư có liên quan đến Temasek Holdings), SeaTown Private Capital Master Fund và Periwinkle Pte Ltd sở hữu tổng cộng 35,67% vốn điều lệ của Golden Gate, tương đương 2,74 triệu cổ phần.
Nhóm này đã mua cổ phần từ Prosperity Food Concepts Pte Ltd, ông Trần Việt Trung và ông Nguyễn Xuân Tường vào tháng 3/2022. Cụ thể, Seletar Investments Pte Ltd đã mua 1,54 triệu cổ phần, SeaTown Private Capital Master Fund mua 768.431 cổ phần và Periwinkle Pte Ltd mua 436.358 cổ phần.
Mặc dù giá trị của thương vụ không được công bố, nhưng theo chứng thư thẩm định giá ngày 30/8/2021, giá trị một cổ phần của Golden Gate được định giá là 1.953.359 đồng, tương đương vốn hóa 14.845 tỷ đồng (khoảng 650 triệu USD). Theo mức định giá này, nhóm ba nhà đầu tư có thể đã chi khoảng 234 triệu USD cho thương vụ M&A gần 36% cổ phần của Golden Gate.
Golden Gate là một tên tuổi lớn trong ngành F&B với nhiều chuỗi nhà hàng nổi tiếng như Vuvuzela, Sumo BBQ, Kichi Kichi, và Gogi House. Theo đánh giá của Dcorp, Golden Gate là cái tên đứng đầu trong bảng xếp hạng F&B lớn nhất tại Việt Nam năm 2023, với tổng số hơn 500 nhà hàng trên toàn quốc.
>> Trùm lẩu nướng Golden Gate muốn đưa món ăn là ‘quốc hồn quốc túy’ của Việt Nam sang Mỹ
Trong giai đoạn từ năm 2015 đến 2020, Golden Gate ghi nhận doanh thu tăng trưởng đều đặn từ gần 2.000 tỷ đồng lên hơn 4.000 tỷ đồng. Lợi nhuận trong giai đoạn này cũng tăng từ 115 tỷ đồng lên hơn 300 tỷ đồng.
Tuy nhiên, sự suy giảm bắt đầu từ năm 2021 khi dịch Covid-19 khiến Golden Gate phải đóng cửa nhiều chuỗi nhà hàng, dẫn đến doanh thu giảm 27,2% xuống còn 3.318 tỷ đồng. Đây cũng là năm đầu tiên doanh nghiệp này báo lỗ sau thuế lên tới 430,6 tỷ đồng.
Năm 2022, Golden Gate có dấu hiệu phục hồi với doanh thu thuần đạt 6.965 tỷ đồng, mức cao nhất trong 9 năm qua. Nhưng năm 2023, công ty lại chứng kiến sự sụt giảm với doanh thu thuần đạt 6.288 tỷ đồng, giảm 10% so với năm trước, và lợi nhuận sau thuế giảm 79% xuống còn 139 tỷ đồng.
Dù doanh thu hàng năm của Golden Gate vẫn ở mức cao, lợi nhuận thực tế của doanh nghiệp lại khá mỏng.
>> Lợi nhuận giảm 79%, hé lộ chủ nợ lớn nhất của Golden Gate, ông chủ chuỗi Kichi- Kichi