Starbucks – Xoa dịu dư luận như thế nào với đặc sản ghi tên lên ly?
Thông tin chiến dịch
Brand:
Starbucks
Loại chiến dịch:
Communication
Thị trường:
F&B
Thời gian:
08/2020
Brand:
Starbucks
Loại chiến dịch:
Communication
Thị trường:
F&B
Thời gian:
08/2020
Đứng trước nguy cơ dần biến thành một tập đoàn lớn “lạnh lẽo”, “vô cảm” tại thị trường Anh, liệu “truyền thống” viết tên lên ly có đủ sức đảo chiều dư luận vốn khá tiêu cực tại thời điểm triển khai chiến dịch?
Bối cảnh
Theo dữ liệu được thương hiệu ghi nhận, trong năm 2020, tỉ lệ những cuộc tấn công người chuyển giới (transgender) tại Anh chạm mốc 81%. Con số này đã đánh một hồi chuông cảnh báo về sự an toàn của nhóm người chuyên giới tại quốc gia này. Những hoạt động truyền thông, bảo vệ cộng đồng này là một trong những mối bận tâm của người dân Anh tại thời điểm bấy giờ.
Song song đó, Starbucks cũng đang vướng phải những làn sóng chỉ trích tại Anh bởi những vấn đề liên quan đến chuỗi biến động kinh tế – xã hội tại thị trường này. Thiện cảm dành cho thương hiệu cà phê đến từ Mỹ sụt giảm đáng kể. Sự “rạn nứt” tình cảm này được thể hiện qua loạt bản tin, cuộc biểu tình bàn về những vấn đề của Starbucks cùng những khẩu hiểu tẩy chay thương hiệu, kêu gọi ủng hộ các cửa hàng cà phê địa phương ngày một tăng.
Để có thể tái kết nối với nhóm người dùng mục tiêu tại Anh và góp phần xoa dịu dư luận, thương hiệu sẽ cần một hoạt động truyền thông kịp thời, gợi nhắc lại những giá trị tích cực thương hiệu đã và đang nỗ lực tạo ra trong cộng đồng.
Mục tiêu
Mục tiêu truyền thông: Củng cố tình yêu thương hiệu của nhóm khách hàng mục tiêu.
Insight
Đối tượng truyền thông chủ yếu của chiến dịch là nhóm khách hàng hiện tại của thương hiệu tại thị trường Anh cùng cộng đồng người chuyển giới. Họ hoạt động tích cực trên các nền tảng mạng xã hội, đặc biệt quan tâm đến vấn đề đảm bảo sự bình đẳng trong cộng đồng.
Thương hiệu quan sát và nhận thấy một trong những mong muốn lớn nhất của cộng đồng chuyển giới là được công nhận với tên gọi và giới tính mới của mình. Tuy nhiên, mong muốn này khó thành hiện thực khi các thủ tục hành chính vẫn chưa cập nhật tên gọi mới sau khi họ chuyển giới. Không chỉ trong quá trình làm thủ tục, trong đời sống hàng ngày, họ vẫn phải sống dưới những cái tên cũ.
Trong buổi phỏng vấn các nhân vật đã chuyển giới thành công, họ cho biết việc không được sử dụng tên mới khiến bản thân cảm thấy khá khó chịu và cảm giác không được công nhận khiến họ vô thức tự cô lập mình.
Strategy
Trong bối cảnh dư luận đang có cái nhìn khá tiêu cực về thương hiệu, Starbucks đã tìm thấy một “ánh sáng cuối đường hầm” – bảo vệ quyền bình đẳng cho những nhóm thiểu số trong cộng đồng, bao gồm cộng đồng LGBTQ+.
Trước đây, thương hiệu đã để lại những cảm nhận tích cực khi có những hoạt động truyền thông và nhân sự nội bộ bảo vệ quyền lợi cho cộng đồng này. Do đó, Starbucks quyết định lên kế hoạch tiếp nối những thành quả tốt đẹp trước đây, triển khai hoạt động ủng hộ và bảo vệ quyền lợi cho cộng đồng LGBTQ+. Hướng tiếp cận này phần nào gợi nhắc khách hàng về những nỗ lực mà thương hiệu đã và đang thực hiện cho cộng đồng để từ đó cân bằng “cán cân” cảm xúc vốn đang lệch về phía tiêu cực.
Creative Idea
“Every Name’s a story”
Xác định được “nỗi đau” (pain point) của nhóm đối tượng mục tiêu nằm ở tên gọi, Starbucks tận dụng nét đặc trưng trong quy trình phục vụ của mình – ghi tên khách hàng vào ly – để giúp cộng đồng người chuyển giới được tự do sử dụng tên gọi họ thích và đúng với bản dạng giới của họ.
Nếu cộng đồng chuyển giới vẫn chưa thể sử dụng tên gọi đúng với bản dạng giới của mình trong những thủ tục hành chính, hoặc chưa nhận được sự công nhận từ gia đình, tình trạng này sẽ không xảy ra tại các cửa hàng Starbucks. Mỗi khách hàng đều có thể tự hào nói tên gọi mình muốn sử dụng cho nhân viên và cảm nhận cảm giác thoải mái, được công nhận ngay tại cửa hàng.
Hành động ghi tên khách trên ly vốn vẫn đang được áp dụng trên hệ thống Starbucks toàn cầu khiến thông điệp chủ đạo “Every Name’s a story” trở nên thiết thực, không nặng tính giáo điều, sáo rỗng. Thông điệp “Every Name’s a story” cùng hành động gọi tên khách hàng theo đúng cách họ muốn được gọi là lời khẳng định của thương hiệu về sứ mệnh góp phần bảo vệ quyền lợi, sự bình đẳng cho các nhóm cộng đồng thiểu số.
Hoạt động thực thi
Content Video
Để tăng sức ảnh hưởng và độ chân thật cho thông điệp ý nghĩa này, đội ngũ agency đã tái hiện cuộc sống thường ngày của một người chuyển giới thông qua đoạn phim ngắn 1 phút. Đoạn phim thể hiện rõ sự khó chịu, buồn bã và tủi thân của nhân vật khi vẫn bị gọi bằng tên cũ hoặc buộc sử dụng danh xưng giới tính cũ trên các thủ tục hành chính. Nhưng khi vào cửa hàng Starbucks, nhân vật đã có thể tự tin nói ra tên gọi đúng với bản dạng giới của mình cùng nụ cười mãn nguyện.
Sự khác biệt nhỏ này cũng đã truyền đi lời khẳng định rằng thương hiệu luôn nỗ lực tạo nên một không gian thoải mái cho tất cả mọi người, không phân biệt màu da hay giới tính hay tình trạng thể chất. Đồng thời thể hiện ảnh hưởng khá lớn về mặt tâm lý mà một cái tên có thể mang lại cho người chuyển giới.
Nguồn: Starbucks UK.
Nhận thấy hiện trạng chỉ 0,3% quảng cáo trên TV tại Anh có đề cập đến người chuyển giới trong khi cộng đồng này hiện chiếm 1% dân số tại Anh, thương hiệu và đội ngũ agency quyết định lựa chọn hình thức TVC (quảng cáo trên truyền hình) là kênh tiếp cận chủ lực. Qua đó giúp tăng nhận biết về những vấn đề của nhóm người chuyển giới trên kênh truyền hình.
Để góp phần lan toả đoạn phim, thương hiệu và agency đã tận dụng quyền lợi của giải thưởng media trị giá 1 triệu Bảng từ giải thưởng Diversity in Advertising Award của kênh Channel 4 nổi tiếng để tăng mật độ xuất hiện trên các kênh truyền thông. Việc cắt đoạn phim gốc thành ba phiên bản 90 giây – 60 giây – 30 giây cũng giúp cho việc phân bổ trên các kênh media khác nhau được thuận tiện hơn.
Website
Với mục đích đẩy tính chân thực của thông điệp truyền thông, thương hiệu đã mở một microsite giới thiệu chiến dịch và tổng hợp thêm 4 câu chuyện từ 4 người chuyển giới khác. Qua đó, người xem có thể hiểu hơn về những mối bận tâm và hành trình thể hiện đúng bản dạng giới của họ.
Social
Hành động nhỏ, thông điệp đơn giản nhưng ý nghĩa đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của cộng đồng mạng, đặc biệt là cộng đồng người chuyển giới. Những tài khoản tick xanh trên Twitter như trọng tài chuyển giới đầu tiên trên thế giới Lucy Clark, nhà văn phi nhị nguyên giới (nonbinary) Amanda Jetté Knox cũng retweet nhiều lời khen dưới bài đăng quảng bá đoạn phim của thương hiệu.
Một số content creator là người chuyển giới như Sam Switz, Jack Journey đã thực hiện video reaction và thể hiện sự xúc động khi thương hiệu đã diễn tả lại những bất tiện về mặt tâm lý một cách chân thực đến vậy.
PR
Vốn là tác phẩm đoạt giải thưởng của một trong những kênh truyền hình nổi tiếng tại Anh, nội dung đoạn phim ngắn và tính nhân văn của thông điệp đã gây ấn tượng với các trang tin chuyên cập nhật tin tức về các ấn phẩm truyền thông, quảng cáo và sáng tạo như Campaign Live UK, MarketingDive, Ibbonline, USA Today…
CSR
Bên cạnh việc đẩy mạnh lan toả thông điệp “Every Name’s a story”, thương hiệu đã hợp tác với tổ chức Mermaid – tổ chức từ thiện ủng hộ cho người trẻ chuyển giới, phi nhị nguyên giới và đa dạng bản dạng giới từ năm 1995. Sản phẩm bánh cookie hình đuôi tiên cá được bán tại các cửa hàng của thương hiệu. Starbuck sẽ quyên góp 50 Bảng cho mỗi chiếc bánh được bán ra trong thời gian triển khai chiến dịch.
Video Case-study
Kết quả
Chiến dịch ghi nhận:
- Chỉ 4 ngày sau khi ra mắt đoạn phim, lượt Reach trên các nền tảng mạng xã hội đạt 135,8 triệu.
- Tỉ lệ xem hết đoạn phim trên TV đạt 97,5%.
- Lượng mua hàng tại cửa hàng tăng 3,3% trong tuần đầu triển khai chiến dịch.
- 99% bình luận mang tính tích cực trên các nền tảng mạng xã hội.
- Lượt gọi đến đường dây nóng của tổ chức Mermaid tăng 600%
- Quyên góp hơn 100,000 Bảng cho đường dây nóng được mở vào năm 2021 của tổ chức Mermaid.
Giải thưởng:
- Giải thưởng Diversity in Advertising Award của Channel 4 tại Anh.
- Giải Gold hạng mục Creative Strategy Lion tại Cannes Creative Lions 2021.
- Giải Wood Pencil hạng mục Film Advertising – TV Commercials 41-60 seconds tại D&AD Awards.
Kết:
Tận dụng yếu tố đặc trưng “cây nhà lá vườn” như ghi tên lên ly và những thành công từ các hoạt động ủng hộ bình đẳng giới trước đây, Starbucks đã phần nào xoa dịu được sự giận dữ của nhóm khách hàng mục tiêu tại thị trường Anh. Qua đó, góp phần gợi nhắc về hình ảnh tích cực và những nỗ lực vì cộng đồng trước đây của thương hiệu.
Thu Nga / Brands Vietnam
Nguồn: Brands Vietnam