TTO – Cuộc thi được cộng đồng khởi nghiệp trẻ toàn quốc chờ đợi mỗi năm đã quay lại sau thời gian gần như “đóng băng” trước cơn bão COVID-19 quét qua suốt mấy tháng liền.
Các bạn trẻ đam mê, nhà khởi nghiệp vẫn mong có cơ hội gặp gỡ trực tiếp để giới thiệu dự án, chia sẻ về sản phẩm khởi nghiệp với nhà đầu tư cùng những ai quan tâm – Ảnh: Q.L.
Dù thận trọng trong lần trở lại này song đã có những tín hiệu vui cho các bạn trẻ đam mê khởi nghiệp. Chỉ là trong hoàn cảnh dịch bệnh vẫn còn khó lường, cách thức tổ chức buộc phải thích nghi với mô hình mới và có những hạn chế nhất định.
Game đầu tư!
Do không thể tổ chức Ngày hội khởi nghiệp “Việt Nam startup day” như mọi năm vì tình hình dịch bệnh nên các hoạt động năm nay sẽ có cách thức mới.
Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp TP.HCM – đơn vị tổ chức hoạt động này – cho biết các hoạt động trực tuyến của ngày hội sẽ diễn ra trong ngày 22-10 và dĩ nhiên có hạn chế nhất định.
Thay vào đó, phòng đầu tư trực tuyến sẽ được mở xuyên suốt trong ngày này. Các dự án tham gia vòng bán kết cuộc thi khởi nghiệp “Startup wheel 2021” sẽ chào đón các nhà đầu tư tại đây.
Được thiết kế như một game đầu tư, nhà đầu tư quan tâm đến dự án nào sẽ tìm hiểu thông tin, trao đổi với các tác giả dự án để có thêm thông tin trước khi quyết định có đầu tư hay không vào mỗi dự án.
Anh Đoàn Văn Minh Nhựt – một trong những thí sinh có dự án tham gia vòng thi này – cho biết nhóm đã phân chia công việc của các thành viên, người lo phần trình bày về dự án trước ban giám khảo, người lo phần đường truyền Internet để dự án có thể “chạy” tốt nhất trong khuôn khổ các hoạt động của ngày hội này.
“Nhóm cử hai bạn theo dõi để trao đổi ngay trực tuyến với bất kỳ câu hỏi nào từ các nhà đầu tư sao cho có thể cung cấp đầy đủ thông tin, giúp họ có cơ sở trước khi quyết định và dĩ nhiên chúng tôi kỳ vọng sẽ có nhiều nhà đầu tư quan tâm đến dự án” – Minh Nhựt chia sẻ.
Nhà đầu tư sẽ tìm được thông tin liên quan đến các dự án, được trao đổi với các tác giả để quyết định có đầu tư hay không. Và sẽ đầu tư bằng tiền, dù chỉ 1.000 đồng, vào bất kỳ dự án nào đó. Mỗi nhà đầu tư sẽ có “tài khoản đầu tư” tối thiểu 50.000 đồng làm vốn tham quan trong không gian phòng đầu tư trực tuyến này.
Việc thiết kế hoạt động này giúp người tham gia trải nghiệm cảm giác đầu tư, đồng thời cũng phần nào lượng giá mức độ quan tâm của họ đến các dự án, cũng có thể xem là bước thăm dò cho dự án khi ra thị trường.
“Chúng tôi cho rằng đây là cơ hội tốt để kết nối với các nhà đầu tư, gặp gỡ các quỹ đầu tư trong và ngoài nước, cũng như cơ hội truyền thông cho dự án chứ không quá kỳ vọng vào việc sẽ có vốn đầu tư vào các dự án mà sẽ mở ra nhiều sự hợp tác sau đó” – giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp TP.HCM, Nguyễn Thị Diệu Hằng bày tỏ.
Kỳ vọng hồi sinh
Suốt nhiều tháng tạm dừng vì dịch bệnh, “nồng độ oxy” của các dự án khởi nghiệp có thể nói phần đông đang ở ngưỡng chịu đựng cuối. Do vậy, kỳ vọng hồi sinh là câu trả lời chung của nhiều nhà khởi nghiệp khi được hỏi bởi đã đến lúc cạn nguồn vốn tích lũy, khó có thể “tự cắn vào đuôi mình” thêm nữa.
Đoàn Văn Minh Nhựt cho biết mới khởi động lại từ đầu tháng 10, dự án bánh mì Má Hải của các bạn đạt khoảng 50% doanh thu so với trước đợt dịch.
Do là ngành hàng ăn uống, sản phẩm bình dân nên các bạn có niềm tin vào khả năng phục hồi khi trước dịch đã có trên 350 điểm bán tại 40 tỉnh thành cả nước.
“Dù tín hiệu khả quan nhưng dịch bệnh không ai biết trước được nên tụi mình đang phấn đấu đến Tết Nguyên đán sẽ đạt khoảng 85% doanh thu so với trước dịch và cả đội đang cùng nỗ lực” – Minh Nhựt khoe.
Trong khi đó, Lê Phước Phúc cho biết gần 4 tháng “đứt” nguồn tiền vào do dịch vụ phải tạm dừng theo chỉ đạo phòng chống dịch trong khi các khoản chi vẫn phải đảm bảo để duy trì hoạt động.
Dịch vụ liên quan đến hỗ trợ việc vệ sinh vật dụng nhà cửa Heramo của các bạn có hướng đi mới so với các cửa hàng giặt ủi, và 75% đơn hàng đã quen dần với việc giao nhận tận nơi mà không cần trực tiếp đến cửa hàng.
Theo Phúc, chỉ mong việc kiểm soát dịch bệnh của TP.HCM ổn định, doanh nghiệp không phải tạm dừng hoạt động nữa vì dù có phương án dự phòng thì sức chịu đựng cũng có giới hạn, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp.
“Chúng tôi đang chạy thử nghiệm để sắp tới khách hàng có thể sử dụng dịch vụ qua ứng dụng điện thoại, sẽ thuận tiện hơn nhiều, cũng như chăm sóc khách hàng tốt nhất để mọi phản hồi của khách về chất lượng dịch vụ phải được giải đáp và cải tiến nhanh nhất có thể” – anh Phúc nói.
Gần 2.000 dự án tranh tài
Ban tổ chức cuộc thi khởi nghiệp quy mô toàn quốc “Startup wheel 2021” cho biết đã có gần 2.000 dự án tham gia cuộc thi năm nay đến từ 24 quốc gia ở hai bảng thi, một bảng cho thí sinh Việt Nam và bảng còn lại dành cho các dự án khởi nghiệp quốc tế.
Kết thúc vòng tuyển chọn, 60 dự án của bảng đấu Việt Nam và 50 dự án bảng dành cho thí sinh nước ngoài cùng góp mặt tại vòng bán kết trong khuôn khổ Ngày hội khởi nghiệp “Việt Nam startup day 2021” theo hình thức trực tuyến vào ngày 22-10. Kết thúc vòng bán kết, sẽ có 10 dự án của thí sinh trong nước cùng 5 dự án của thí sinh nước ngoài được chọn vào chung kết.
“Do thí sinh các nước không thể qua, thí sinh từ các tỉnh thành cũng không thể về TP.HCM nên vòng chung kết dù thi trực tiếp cũng sẽ được tổ chức với quy mô vừa phải, đảm bảo an toàn phòng chống dịch, dự kiến diễn ra vào ngày 5-11, cũng là ngày trao giải, kết thúc cuộc thi năm nay” – chị Nguyễn Thị Diệu Hằng (giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp TP.HCM) thông tin.