Stress mức độ nào thì nguy hiểm, phải đi khám ngay: Giáo sư đầu ngành tâm thần khuyến cáo

GS đầu ngành tâm thần khẳng định stress không hề đáng sợ. Cuộc sống nếu không có stress để thúc đẩy thì sẽ rất vô vị. Tuy nhiên, khi stress đến ngưỡng nhất định thì cần đi khám.

TIN MỚI

Nếu không có stress cuộc sống sẽ trở nên vô vị

Theo GS.TS.BS Cao Tiến Đức, Chủ nhiệm Bộ môn Tâm thần và Tâm lý y học, Học viện Quân y, khoa Tâm thần Bệnh viện Quân y 103, căng thẳng thần kinh hay còn gọi là stress ngày càng gia tăng trong xã hội và không loại trừ một ai.

Stress xảy ra khi có chấn thương tâm lý mạnh như sóng thần, hỏa hoạn, mất người thân, bị oan ức, mất tiền của, chia tay người yêu (tác nhân)…

Trong một số trường hợp những chấn thương tâm lý không mạnh, nhưng trường diễn (xung đột trong cơ quan, mâu thuẫn vợ chồng, quan hệ mẹ chồng nàng dâu…) cũng có thể gây ra stress.

Không phải tất các stress xảy ra đều xấu, stress có mặt  tích cực khi những tác nhân không quá mạnh. Cơ thể sẽ  huy động năng lượng để đối phó lại tình huống. Đây cũng như là một cuộc diễn tập tăng cường sức đề kháng chịu đựng của cơ thể.

Giúp lượng máu dồn đến các cơ quan tăng lên, nó cũng làm tăng nhịp tim và huyết áp trong máu. Tăng năng lực làm cơ thể thích nghi với stress.

Stress mức độ nào thì nguy hiểm, phải đi khám ngay: Giáo sư đầu ngành tâm thần khuyến cáo - Ảnh 1.

Stress cơ thể sẽ huy động cơ chế để thích nghi được với hoàn cảnh, ảnh minh họa

Ví dụ, nghe tin người thân mất đột ngột stress rất mạnh, cơ thể sẽ huy động cơ chế để thích nghi được với hoàn cảnh.

“Người ta nói stress như là thi vị của cuộc sống, cuộc đời con người nếu không có stress (buồn, vui) sẽ không còn sự thú vị”, GS. Đức nói.

Khi nào stress nguy hiểm

GS. Đức cho hay stress nguy hiểm khi các tác nhân tác động quá mạnh vượt quá đáp ứng của cơ thể sẽ gây bệnh.

Stress gây ra nhưng rối loạn được chia làm 3 mức độ:

Phản ứng stress cấp: ngay lập tức hoặc vài giờ sau khi sự việc xảy. Bệnh nhân có thể trở nên bất động hoặc kích động mất kiểm soát, la hét đập phá. Kèm theo đó lo lắng, mệt mỏi có thể có hoang tưởng, ảo giác. Có trường hợp stress cấp xảy ra quá mạnh đã ngất, tử vong vì không thể chịu đựng được.

Ở mức độ thứ 2, stress gây ra rối loạn stress sau sang chấn: những rối loạn này xuất hiện ngay hoặc vài giờ, vài ngay sau sang chấn kéo dài tối đa 6 tháng.

Mức độ 3, nhẹ hơn là rối loạn sự thích ứng hay còn gọi là rối loạn liên quan tới stress. Bệnh nhân sẽ gặp những rối loạn lo âu, rối loạn giấc ngủ, rối loạn dạng cơ thể, rối loạn phân ly…

Rối loạn stress rất đa dạng có nhiều trường hợp bệnh nhân có các triệu chứng  cơ thể như đau, khó chịu, rối loạn thần kinh thực vật, khó thở, cảm giác bất thường nhưng không phải là bệnh cơ thể.

Khi nào cần đi khám?

GS. Đức khuyến cáo: “Khi xuất hiện những vấn đề như đã trên cần phải đi khám. Ví dụ, ngủ kém, ăn không ngon, căng thẳng, hồi hộp hoặc có hoang tưởng ảo giác, trầm cảm, kích động thì cần phải đi khám”.

Stress phụ thuộc rất nhiều vào loại hình thần kinh. Người nhân cách khép kín,hay lo lắng, sống nội tâm dễ bị tác động dễ gặp stress.

Để phòng ngừa stress là mỗi người phải học cách phân bổ thời gian hợp lý cho mối quan hệ gia đình, bạn bè, cho công việc, nghỉ ngơi. Dành thời gian để có hoạt động thư giãn. Nên tìm hiểu thêm về thông tin bệnh, để biết khi nào mình có vấn đề để cần trợ giúp bên ngoài…

“Cần phải rèn luyện thể lực cường tráng. Rèn luyện nhân cách mạnh mẽ, cân bằng có khả năng thích nghi với mọi hoàn cảnh. Giả định các tình huống để rèn luyện sự thích nghi”, GS. Đức cho hay.

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin