Ngày nay, các ngân hàng trung ương đang mua vàng như là một tài sản dự trữ với tốc độ chưa từng thấy kể từ đầu những năm 1970.
Trong khi các nhà nghiên cứu và chuyên gia học thuật vẫn đang tranh luận về các phẩm chất của vàng trên cương vị một bản vị tiền tệ thì các ngân hàng trung ương đã vượt qua giai đoạn tranh luận. Đối với họ, cuộc tranh luận đã kết thúc – vàng là tiền.
Ngày nay, các ngân hàng trung ương đang mua vàng như là một tài sản dự trữ với tốc độ chưa từng thấy kể từ đầu những năm 1970, và cuộc tranh giành vàng này có ý nghĩa sâu sắc đối với vai trò tương lai của mọi loại tiền tệ, đặc biệt là đồng đô-la Mỹ.
Bản thân các sự kiện đã nói lên tất cả, hầu như không phải chỉnh sửa gì nhiều. Các ngân hàng trung ương và các định chế chính thức khác như IMF đã bán vàng nhiều hơn mua từ năm 2002 đến năm 2009, mặc dù doanh số đã giảm mạnh trong suốt thời gian đó, từ hơn 500 tấn năm 2002 xuống còn dưới 50 tấn vào năm 2009.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Michael Steinberg/Pexels. |
Bắt đầu từ năm 2010, các ngân hàng trung ương mua vàng nhiều hơn bán, với mức tăng từ dưới 100 tấn vào năm 2010 lên trên 500 tấn vào năm 2012. Trong 10 năm từ năm 2002 đến năm 2012, sự dịch chuyển từ bán ròng sang mua ròng đã đạt trên 1.000 tấn/năm, lớn hơn một phần ba sản lượng khai thác toàn cầu hàng năm. Ngày càng có nhiều vàng đang vận chuyển trực tiếp từ các hầm mỏ đến hầm chứa của ngân hàng trung ương.
Tất cả những ngân hàng trung ương lớn này đến từ châu Á, Mỹ La-tinh và Đông Âu. Cũng trong thời kỳ này, từ năm 2004 đến năm 2013, các ngân hàng trung ương phương Tây đã bán vàng nhiều hơn mua, mặc dù doanh số bán ra đã đột ngột ngừng lại vào năm 2009.
Kể từ đó, các nền kinh tế mới nổi đã phải mua vàng từ các nhà khai thác mỏ, tái chế vàng phế liệu, hoặc tìm đến các vụ bán vàng thị trường mở, bao gồm cả vụ bán ra hơn 400 tấn của IMF vào cuối năm 2009 và đầu năm 2010.
Tính tất cả các ngân hàng trung ương quốc gia, trừ IMF, dự trữ vàng chính thức đã tăng 1.481 tấn từ quý I năm 2009 đến quý I năm 2013 tăng 5,4%. Các ngân hàng trung ương đã trở thành những người mua vàng quan trọng, và sự dịch chuyển của vàng là từ Tây sang Đông.
Những số liệu thống kê này cần được chứng minh bằng trường hợp gây tò mò của Trung Quốc. Trung Quốc đã báo cáo một số lượng vàng dự trữ 395 tấn trong hơn 20 năm, kể từ năm 1980 đến cuối năm 2001.
Sau đó, số lượng theo báo cáo đột ngột nhảy vọt lên 500 tấn, giữ nguyên trong một năm. Rồi lại nhảy lên đến 600 tấn vào cuối năm 2002, và giữ mức đó trong 6 năm. Cuối cùng, lượng vàng theo báo cáo đã tăng lên 1.054 tấn vào tháng 4 năm 2009 và giữ nguyên gần 5 năm, cho đến đầu năm 2014.
Theo báo cáo chính thức từ Trung Quốc, số vàng họ sở hữu liên tục tăng vọt qua các thời kỳ: 105 tấn năm 2001, 100 tấn năm 2002 và 454 tấn năm 2009. Những sự tăng lên trong quy mô này cực kỳ khó thực hiện chỉ với một giao dịch đơn lẻ, trừ khi có sự dàn xếp trước giữa hai ngân hàng trung ương hay IMF.
Không có báo cáo nào về việc ngân hàng trung ương hoặc IMF đã dàn xếp trước để bán vàng cho Trung Quốc, cũng không có báo cáo cho thấy tài khoản của một ngân hàng trung ương hoặc IMF giảm xuống một số lượng cần thiết trong những khoảng thời gian tương ứng có thể dẫn tới việc dự trữ vàng tăng như vậy.
Kết luận không thể tránh khỏi là, Trung Quốc thực ra đang tích lũy vàng với số lượng nhỏ hơn trong thời gian dài, và báo cáo những thay đổi một lần dưới dạng số tổng trên cơ sở bất thường.
Chương trình thu mua vàng dần dần, bí mật này hoàn toàn hợp lý. Vàng vật chất có thể trao đổi, mua bán trên thị trường, nhưng người ta ít khi làm vậy và giá cả của nó cũng rất dễ biến động.
Người mua lớn ở bất kỳ thị trường nào có hoạt động mua bán vàng khiêm tốn cũng cố gắng che giấu ý định của họ để tránh ảnh hưởng đến thị trường, khi các nhà môi giới ngân hàng đẩy giá theo hướng bất lợi cho người mua, vì dự tính rằng sẽ có thêm nhiều đơn đặt hàng lớn và không co giãn theo giá.