Không phải chỉ lứa tuổi thanh niên nhạy cảm, những người lớn cũng ngày càng dễ bị tổn thương, cả về thể chất lẫn tinh thần. Sự bất ổn tinh thần, không có con cái chăm sóc, mắc bệnh mãn tính,… dần dần dẫn đến bị cô lập trong trạng thái trầm cảm và muốn tự tử.
Thời gian gần đây các phương tiện truyền thông đã đưa tin về tỷ lệ tự tử gia tăng nhanh chóng ở lứa tuổi thanh niên chạm ngưỡng đáng báo động. Nhưng bên cạnh đó, có một nhóm người nữa trong xã hội cũng có tỉ lệ tự tử không hề nhỏ đó là người cao tuổi.
Điều đáng nói là vấn đề tâm lý ở những người già thường không được chú ý nên đã gây ra không ít hậu quả đáng tiếc. Ít ai để ý rằng, ông bà, cha mẹ mình khi có tuổi cũng phải đối mặt với nhiều nỗi lo khác nhau. Do đó, nhiều người cao tuổi phải chịu đựng những áp lực tâm lý trong những ngày cuối đời.
Tiến sĩ Jerry Reed – Phó giám đốc Trung tâm phát triển giáo dục (Một tổ chức chuyên tổ chức các chương trình phòng chống tự tử trên toàn quốc) cho biết: “Người già chỉ chiếm khoảng 12% dân số nhưng chiếm tới 18% các ca tự tử. Trong đó, 51% các vụ tử tử là bằng vũ khí. Và con số này đang tăng lên 70%”. Ông cho rằng đây là một hiện tượng vô cùng đáng báo động nhưng lại ít người để ý tới.
1. Tại sao người cao tuổi lại muốn tự tử?
Theo nghiên cứu, hơn 90% người tự tử đều mắc chứng trầm cảm nhưng không được điều trị kịp thời. Đối với người cao tuổi, những tác nhân góp phần gây ra chứng trầm cảm đó có thể là:
– Mất nhiều người thân yêu
– Mắc các bệnh mãn tính
– Ở một mình và không có con cái bầu bạn
– Cảm thấy như một gánh nặng cho người khác
– Gặp vấn đề thị giác hoặc thính giác
– Gặp rắc rối tài chính
Trầm cảm ở người cao tuổi nguy hiểm bởi vì nó không có dấu hiệu cụ thể, bởi vậy quá trình phát hiện và điều trị cũng gặp không ít khó khăn. Phần lớn trong chúng ta không để ý tới cảm xúc của người cao tuổi trong gia đình và cho rằng việc không có gì làm, cảm thấy cô đơn là hiện tượng phổ biến ở người già nói chung.
Tuy nhiên, tiến sĩ Reed cho hay: Trầm cảm không phải căn bệnh do “lão hóa”. Việc điều trị ở người 80 tuổi cũng như điều trị ở người 18 tuổi. Bởi vậy mà các bác sĩ, các phòng khám hay cả những người thân, cần phải để ý, chú trọng vào các biểu hiện tâm lý ở người già nhiều hơn. Những sự quan tâm đó có thể cứu sống nhiều người cao tuổi khỏi hố sâu trầm cảm và những hậu quả không đáng có.
2. Các triệu chứng trầm cảm hoặc nguy cơ tự tử ở người cao tuổi
– Cảm giác buồn chán, trống rỗng, thường khóc hoặc chảy nước mắt không rõ lý do
– Khó tập trung suy nghĩ, hay quên
– Mệt mỏi, không muốn làm việc gì
– Cảm giác mình có tội lỗi, vô dụng, không xứng đáng
– Mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều
– Hay cáu gắt, giận dữ
– Giảm thích thú trong các hoạt động hoặc sở thích hằng ngày
– Giảm cảm giác ngon miệng, sụt cân hoặc ăn quá nhiều
– Thường xuyên nhắc đến chuyện ra đi như “khi tôi không có ở đây”…
– Ngoài ra, nhiều bệnh nhân trầm cảm còn có các triệu chứng như đau đầu, đau tức ngực, các rối loạn tiêu hóa…
Theo giáo sư đầu ngành, nếu người già gặp phải những sự kiện đau buồn trong đời như mất vợ, mất chồng cũng dễ có ý định tự tử hơn. Đây là giai đoạn mà các thành viên trong gia đình cần hết sức chú ý và quan tâm tới họ.
3. Làm gì khi người cao tuổi bị trầm cảm?
Người cao tuổi rất cần được chăm sóc cả về thể chất lẫn tinh thần. Khi có dấu hiệu của bệnh trầm cảm, con cháu cần liên hệ ngay với bác sĩ để có thể phát hiện và điều trị kịp thời. Bên cạnh đó, người cao tuổi cũng nên tham gia nhiều hoạt động ngoài trời để giúp cải thiện tâm lý và giải tỏa những âu.
Nếu không may gặp phải trường hợp nguy cấp, người thân trong gia đình cần gọi ngay đến cơ quan y tế gần nhất. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần nhớ rằng tuyệt đối không để người cao tuổi ở một mình.
Hình minh họa. Ảnh: Internet
Một số biện pháp khác để ngăn ngừa trầm cảm ở người cao tuổi:
– Quan tâm, chia sẻ với cảm xúc của ông bà, cha mẹ, người lớn tuổi trong gia đình
– Thường xuyên đưa người cao tuổi đi kiểm tra định kỳ để phát hiện và điều trị kịp thời
– Liên hệ với các tổ chức sức khỏe tâm thần cộng đồng tại địa phương để tìm tư vấn, hỗ trợ và tạo cơ hội cho người thân kết nối với những người khác
– Đảm bảo rằng họ không tiếp cận với những vật nguy hiểm
– Thường xuyên kiểm tra thị giác và thính giác của người lớn tuổi
– Tạo động lực, nói lời yêu thương hằng ngày với họ
– Tạo công việc cho ông bà, cha mẹ mỗi ngày như: Nuôi thú cưng, chăm cây cối…
– Kết hợp các biện pháp như nghe nhạc, hạn chế tin tức để giảm căng thẳng
Gia đình đóng một vai trò vô cùng quan trọng đối với người cao tuổi nói chung và bệnh trầm cảm nói riêng. Các thành viên trong gia đình nên dành nhiều thời gian bên người cao tuổi nhiều hơn và đừng bao giờ để họ một mình hay có cảm giác bị bỏ rơi.
Mỗi thành viên trong gia đình cần thể hiện tình yêu thương và sự chăm sóc, chia sẻ để giúp ông bà, cha mẹ của mình gỡ bỏ những khúc mắc tâm lí. Đừng đổ mọi trách nhiệm cho bác sĩ, chính bạn mới là bác sĩ tâm lí tốt nhất nếu trong gia đình có người bị trầm cảm.
Hãy cho họ thấy, với bạn và các thành viên khác trong gia đình, họ quan trọng tới mức nào. Cho dù có lúc bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi với những triệu chứng và sự kéo dài của căn bệnh này nhưng hãy kiên trì và đừng vội bỏ cuộc.
Theo WebMD